Ninh Thuận muốn trở thành trung tâm năng lượng sạch

11/12/2011 00:08 GMT+7

Hôm qua 10.12, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận.

Hôm qua 10.12, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp Bộ KH-ĐT tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 và xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện còn nhiều khó khăn chung của năm 2011, nhưng tỉnh Ninh Thuận đã đạt mức tăng trưởng trên 11%, thu ngân sách năm đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng, gấp 3 lần so với năm 2008. Thủ tướng cho rằng, Ninh Thuận có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển, nhất là công nghiệp năng lượng, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp đặc thù… Trong chiến lược biển VN, Ninh Thuận có thể trở thành một đầu mối kinh tế của vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên. Đặc biệt, Ninh Thuận là nơi được chọn để đầu tư xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của cả nước, với tổng vốn đầu tư khoảng 16 tỉ USD. Đây là cơ hội rất lớn để Ninh Thuận tạo bước đột phá đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Hôm qua 10.12, UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao giấy phép đầu tư cho 5 dự án, tổng vốn đăng ký 4.451 tỉ đồng và trao chủ trương đầu tư cho 5 dự án khác, vốn 7.140 tỉ đồng. Đến nay, Ninh Thuận có 200 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận địa điểm, với tổng vốn 136.845 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, khẳng định việc chọn Ninh Thuận xây dựng nhà máy điện hạt nhân là yếu tố mấu chốt để thu hút các dự án đầu tư trọng điểm liên quan. “Ngoài ra, hiện tại chúng tôi có 31 điểm đã được thăm dò để xây dựng các dự án điện gió, trong đó 14 dự án đã được cấp phép đầu tư. Vì vậy trong tương lai, Ninh Thuận sẽ là trung tâm năng lượng sạch của cả nước, mà trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo, giải quyết 5 - 8% nhu cầu năng lượng quốc gia vào 2020. Chúng tôi cam kết hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư muốn đầu tư vào Ninh Thuận”, ông Thanh phát biểu.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền LB Nga Andrey Kovtun cho biết: Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) là dự án hợp tác về kinh tế và kỹ thuật của Nga. Mới đây, ngày 21.11, Hiệp định liên Chính phủ Nga - VN về các điều kiện tài chính để xây dựng nhà máy điện nguyên tử đã được ký kết dưới sự chứng kiến của phó thủ tướng hai nước. Tiếp đó, ngày 2.12 máy móc xây dựng đã được đưa tới mặt bằng công trình.

Theo ông Andrey Kovtun, xây dựng nhà máy điện hạt nhân đồng nghĩa với việc biến vùng đất này thành một trung tâm công nghiệp của đất nước. Hơn nữa, sau khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ cần trên 1.000 người làm việc và còn kéo theo nhiều dịch vụ, hạ tầng khác.

Về Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải), ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết sẽ do đối tác Nhật Bản xây dựng. Ông cam kết Nhật Bản sẽ cung cấp cho phía VN công nghệ tiên tiến nhất. Quy mô công suất của mỗi nhà máy là 4.000 MW. Riêng nhà máy Ninh Thuận 1 sẽ khởi công vào 2014 và đưa tổ máy đầu tiên vận hành thương mại vào 2020.


Lễ ký kết hợp tác đầu tư với đối tác Nga - Ảnh: L.Xuân

Thuê tư vấn quy hoạch

Lần đầu tiên tại VN có một địa phương như Ninh Thuận chịu thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng quy hoạch cho tỉnh. Hai tập đoàn tham gia là Monitor của Mỹ, nổi tiếng với nhà sáng lập là Giáo sư Michael Porter, và Tập đoàn Arup của Anh.

Theo quy hoạch của Monitor, Ninh Thuận sẽ phát triển dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục đào tạo và kinh doanh bất động sản. Các nhà đầu tư cho biết, bản quy hoạch này giúp họ nhìn rõ hơn chiến lược phát triển của tỉnh và từ đó có phương án đầu tư phù hợp.

Đại diện Tập đoàn Monitor, ông Chris Malone, nhận định: Ninh Thuận là địa phương có xuất phát điểm kinh tế rất thấp, mặc dù có điều kiện để phát triển. Tài sản, giá trị mà Ninh Thuận có chỉ là khí hậu, mức độ gió tốt để triển khai năng lượng gió. Như vậy, vấn đề là cần làm gì để hiện thực hóa giá trị đó. Cùng với việc xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân, “chắc chắn Ninh Thuận sẽ xây dựng được thương hiệu về năng lượng tái tạo mà cả thế giới biết tới”, ông Malone dự báo.

N.T.Tâm - Lê Xuân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.