Chấn chỉnh hoạt động taxi

12/12/2011 05:02 GMT+7

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đình chỉ hoạt động của 6 hãng taxi ở Hà Nội và 1 hãng taxi ở TP.HCM do không đảm bảo điều kiện kinh doanh. Đây được xem là động thái quyết liệt đầu tiên nhằm chấn chỉnh hoạt động taxi vốn bị buông lỏng một thời gian dài.

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa đình chỉ hoạt động của 6 hãng taxi ở Hà Nội và 1 hãng taxi ở TP.HCM do không đảm bảo điều kiện kinh doanh. Đây được xem là động thái quyết liệt đầu tiên nhằm chấn chỉnh hoạt động taxi vốn bị buông lỏng một thời gian dài.

taxi
Taxi của HTX 27-7 nhái logo và hộp đèn của Công ty taxi Vinasun - Ảnh: D.Đ.M

Không kiểm soát nổi

Tại TP.HCM, đơn vị bị đình chỉ là HTX du lịch vận tải lữ hành số 2. Đơn vị này đăng ký hoạt động 52 taxi nhưng thực tế tại thời điểm kiểm tra chỉ có 26 chiếc. Khi đoàn thanh tra Bộ GTVT yêu cầu điều xe về kiểm tra thì HTX chỉ điều động được 4 chiếc, chứng tỏ khả năng điều hành của HTX rất yếu. Bộ máy điều hành của HTX số 2 chỉ là hình thức, không điều động tài xế bằng bộ đàm mà thông qua điện thoại di động. Tương tự, bộ phận theo dõi an toàn giao thông của HTX cũng chỉ “làm cảnh” bởi không có sổ theo dõi lái xe. Không những vậy, HTX số 2 gần như không có bãi đậu xe, không có điểm giao ca, điểm sửa chữa theo quy định, thiếu sổ sách, hợp đồng lao động với lái xe. HTX đăng ký màu sơn một đằng nhưng thực tế một nẻo...

Không lực lượng chức năng nào có thể kiểm soát được toàn bộ taxi đang hoạt động, mà bản thân DN phải có biện pháp kiểm soát... Phải ràng buộc trách nhiệm của chủ DN taxi đối với vi phạm của tài xế

Nguyễn Mạnh Hùng
Chủ tịch Hiệp hội Ô tô VN

Thực tế, tình trạng hoạt động lỏng lẻo như ở HTX số 2 không phải cá biệt mà tương đối phổ biến ở nhiều HTX taxi nhỏ lẻ khác đang hoạt động tại TP.HCM. Ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM, cho biết trong các đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động taxi, bao giờ số lượng taxi vi phạm cũng chủ yếu tập trung ở khối HTX nhỏ lẻ. Trong khi taxi của khối công ty được quản lý tương đối chặt chẽ và ít vi phạm hơn thì taxi khối HTX lại thường xuyên vi phạm rất nhiều lỗi cơ bản, như không lắp đồng hồ tính cước hoặc gian lận đồng hồ tính cước, đón trả khách không đúng nơi quy định, không có tem kiểm định, không gắn biển hiệu... Hầu hết HTX đều không có tổng đài và các xe taxi không được trang bị bộ đàm để liên lạc. Đặc biệt, tình trạng taxi nhái các hãng  có thương hiệu mạnh để “móc túi” hành khách cũng chủ yếu xuất phát từ một số HTX taxi manh mún. Chẳng hạn, các cơ quan chức năng từng “bắt tận tay” trường hợp taxi thuộc HTX 27.7 (Q.11) nhưng lại dán logo và sử dụng hộp đèn của Công ty taxi Vinasun để “qua mặt” hành khách.

Chấn chỉnh mô hình HTX

Ông Đỗ Tiến Lực, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận xét thực tế thời gian qua cho thấy mô hình HTX đã không còn phù hợp đối với hoạt động kinh doanh vận tải taxi. Bởi, gần như 100% HTX taxi của TP.HCM đều được tổ chức theo mô hình dịch vụ hỗ trợ. Xã viên vào HTX nhưng vẫn đứng tên chủ sở hữu phương tiện, HTX chỉ thực hiện các dịch vụ hỗ trợ cho xã viên như cung cấp giấy phép, phù hiệu... Trên thực tế, mô hình này bị "biến tướng", nhiều HTX chỉ còn là danh nghĩa, là nơi đứng ra xin giấy phép thành lập, sau đó hưởng lợi từ việc "bán tên" cho các chủ phương tiện. Nhiều HTX hoàn toàn không nắm được hoạt động của xã viên nên không thể kiểm soát chất lượng xe, chất lượng tài xế... Không ít trường hợp HTX biết rõ vi phạm của tài xế, xã viên nhưng không dám xử mạnh vì sợ mất nguồn thu nếu chủ xe chuyển sang HTX khác.

Theo ông Lực, mô hình HTX cũng là sự lựa chọn của nhiều tài xế taxi hoạt động thiếu nghiêm túc. Tài xế công ty hoạt động theo tỷ lệ ăn chia trên giá cước (thường phải nộp cho công ty cả chục triệu đồng/tháng). Trong khi đó, taxi HTX chỉ cần nộp vài trăm ngàn/tháng là có thể công khai hoạt động và cũng không bị ràng buộc các điều kiện quản lý chặt chẽ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô VN, cũng cho rằng mô hình HTX taxi hiện nay còn nhiều bất cập. Cụ thể, các cá nhân có xe chỉ cần đóng cho HTX một khoản tiền nhỏ mỗi tháng là có thể được cấp phù hiệu taxi, sau đó bỏ ra ngoài chạy dù, chạy nhái, bắt chẹt hành khách... mà không chịu bất kỳ ràng buộc nào về điều kiện kinh doanh. "Tôi cho rằng hoạt động taxi nên được tổ chức lại theo hướng cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) lớn. Xe taxi nên do doanh nghiệp đầu tư, còn tài xế chỉ là người làm thuê đúng nghĩa, như vậy DN mới có thể quản lý được chất lượng phục vụ hành khách. Thực tế, không lực lượng chức năng nào có thể kiểm soát được toàn bộ taxi đang hoạt động, mà bản thân DN phải có biện pháp kiểm soát. Do đó, cần ban hành quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với loại hình kinh doanh này, nhất là phải ràng buộc trách nhiệm của chủ DN taxi đối với vi phạm của tài xế", ông Hùng góp ý.

Ngân sách thất thu

Mối ràng buộc lỏng lẻo giữa tài xế và Ban chủ nhiệm HTX cũng là nguyên nhân gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách thời gian qua. Chẳng hạn, năm 2008, Chi cục Thuế Q.11 phải truy thu tiền thuế đối với HTX vận tải du lịch 27.7 (Q.11). Theo thống kê của Hiệp hội Taxi TP.HCM, HTX 27.7 (Q.11) có đến 2.500 xe được kiểm định để đưa vào kinh doanh taxi, nhưng khi kê khai nộp thuế thì chỉ còn khoảng 50 xe. Trước đó, năm 2006, Thanh tra TP.HCM phối hợp Thanh tra Sở GTVT kiểm tra tại HTX số 2, HTX 27.7 (Q.Gò Vấp) và HTX Thiên Phúc cũng phát hiện thủ thuật trốn thuế tương tự. Trong đó, HTX số 2 cấp phép cho hơn 1.000 xe kinh doanh vận chuyển taxi, nhưng không kê khai nộp thuế theo quy định, gây thất thu thuế khoảng 1,8 tỉ đồng/năm. HTX 27.7 Gò Vấp cũng cấp phép kinh doanh cho hơn 1.000 taxi, nhưng hằng năm chỉ kê khai nộp thuế cho khoảng 20 - 50 xe. HTX Thiên Phúc cấp giấy phép cho hơn 720 taxi, nhưng chỉ kê khai thuế khoảng 30 - 70 xe...

Phương Thanh

>> Một hãng taxi bị đình chỉ hoạt động
>> Bát nháo taxi Hà Nội
>> Taxi không khói thuốc
>> Muốn vào sân bay rước khách, taxi phải rửa xe
>> Taxi dù, hàng rong bao vây du khách
>> Đề nghị điều tra tài xế gian lận cước taxi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.