Có nhiều cách cải thiện khả năng Anh ngữ nói riêng và ngoại ngữ nói chung.
Học bằng thẻ nhớ
Để học từ vựng mau và nhớ lâu, có thể học với thẻ nhớ giấy (Flash Card). Đó là những mẫu giấy có kích cỡ như tấm danh thiếp, một mặt ghi từ tiếng Anh, mặt kia ghi nghĩa của từ.
Theo nhóm Double - E, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2, việc nhớ thông tin trên thẻ giấy là phương pháp học bằng thị giác. Khác với cách học bằng từ điển hoặc sổ ghi chép, nghĩa của từ cần tra sẽ không nằm bên cạnh mà được giấu ở mặt sau. Cách sắp xếp thông tin đơn giản trên từng thẻ khiến việc học hiệu quả hơn so với các danh sách từ dài, dàn trải. Muốn xem nghĩa, bạn phải lật thẻ qua lại, chỉ cần vài lần sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn và nhớ thật lâu. Ngoài ra, vì kích thước nhỏ gọn nên chúng được xâu thành chùm gồm 30 - 50 từ hoặc đoạn văn để bạn mang theo và học bất cứ khi nào có thời gian rảnh như lúc trên xe buýt, giờ ra chơi…
Dựa trên phương pháp của Sebastian Leitner (người Đức), người học sẽ có 5 chiếc hộp đánh số từ 1 đến 5. Lấy ngẫu nhiên khoảng 30 - 50 thẻ cho vào hộp 1. Những từ nào phát âm đúng, hiểu nghĩa và thuộc lòng sẽ cho vào hộp 2, những từ không nhớ sẽ ở lại hộp 1. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi nào tất cả từ đều đến hộp 5. Bạn cũng đặt một lịch hẹn để ôn tập các từ. Hộp 1: 1 ngày/lần, hộp 2: 3 ngày/lần, hộp 3: 5 ngày/lần, hộp 4: 7 ngày/lần, hộp 5: 14 ngày/lần.
|
Để học hiệu quả, nên tuân thủ những nguyên tắc như: Đầu tiên đọc từ chính, đọc ví dụ và đoán nhanh nghĩa của từ. Việc đoán đúng hay sai không quan trọng ở bước này. Tiếp theo, xem mặt sau để biết nghĩa đúng của từ. Trong tiếng Anh, một từ có nhiều nghĩa. Nghĩa ở đây là nghĩa phổ biến nhất của từ, hoặc là nghĩa phù hợp nhất với chủ đề.
Sử dụng cả 2 mặt của thẻ một cách hợp lý, xem cả hai mặt nhiều lần để nhớ thông tin. Ví dụ, khi học một từ mới, một mặt là từ cần học, một mặt là cụm định nghĩa ngắn cho từ. Mỗi thẻ chỉ nên mang một mẩu thông tin dưới dạng một câu hỏi - một câu trả lời. Thông tin phải ngắn gọn và khi học chỉ cần lướt qua thật nhanh. Có thể vẽ hình minh họa trên thẻ hoặc cắt dán hình từ các tạp chí. Nên sử dụng thẻ màu để giúp người học nhớ được một đặc tính nào đó của từ. Ví dụ màu xanh cho những từ có ý nghĩa tốt đẹp, tích cực, màu đỏ hoặc vàng cho những từ có nghĩa tiêu cực, màu trung tính cho những từ không mang nghĩa xấu hay tốt. Hãy thay đổi thứ tự các thẻ sau mỗi lần ôn tập. Vì nếu luôn ghi nhớ thông tin theo một thứ tự, bạn sẽ khó nhớ được thông tin khi nó nằm trong tình huống khác không theo thứ tự đã học.
Theo thạc sĩ Đoàn Thị Thu Thủy, giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, hình thức này sẽ hỗ trợ phần nào đối với những người cần lấy chứng chỉ ngoại ngữ có lượng từ vựng lớn như SAT, GRE, GMAT.
Thông tin về cách học này có thể tải từ các website http://www.proprofs.com, hoặc www.blueup.vn http://ankisrs.net/index.html.
Trau dồi ở câu lạc bộ Nghe - nói là một trong những điểm yếu của học sinh - sinh viên Việt Nam khi học tiếng Anh. Một trong những nơi giúp bạn cải thiện khả năng này là các câu lạc bộ (CLB) Anh ngữ. Một không khí học tiếng Anh hết sức sôi động, hào hứng và hiệu quả - đó là cảm nhận của hầu hết các bạn trẻ khi tham gia CLB Anh ngữ tại Nhà văn hóa Thanh niên (Thành đoàn TP.HCM) diễn ra vào sáng chủ nhật hằng tuần.
Chỉ cần bỏ ra 5.000 đồng để mua một chủ đề là bạn có thể hòa mình hoặc kết thành nhóm với nhiều bạn trẻ khác để giao lưu, nói tiếng Anh thoải mái. Đặc biệt, ở đây luôn có một vài người bản ngữ tình nguyện nói chuyện để chỉnh sửa giọng cho bạn chuẩn hơn. Chính vì vậy, CLB có sức hút rất lớn, có khi lên đến 1.000 lượt bạn trẻ đến sinh hoạt vào ngày cuối tuần. Hà Quang Chuẩn, sinh viên (SV) Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết: “Do phát âm chưa chuẩn nên kỹ năng nghe và nói tiếng Anh của mình không tốt, nhưng chỉ sau vài tháng tham gia CLB này, có dịp tiếp xúc với nhiều người, nhất là những người nước ngoài, dần dần kỹ năng nói tiếng Anh của mình được cải thiện đáng kể. Giờ đây, khi có dịp nói tiếng Anh hoặc có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài, mình cảm thấy tự tin chứ không còn lúng túng và rụt rè như trước”. Lý do mà Kim Loan (SV năm 3, khoa Quốc tế, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) gắn bó với CLB này cả năm nay là vì: “Mình còn có dịp giao lưu, mở rộng mối quan hệ với nhiều người vì CLB là nơi quy tụ những người ở các ngành nghề khác nhau đến sinh hoạt. Đây là cơ hội rất tốt để chúng ta làm quen, học hỏi ở họ nhiều điều”. Không chỉ SV đến CLB mà ngay cả những người đã đi làm cũng cảm thấy thích thú tham gia. Anh Đào Khải (nhân viên một công ty chuyên về công nghệ thông tin đóng trên địa bàn Q.Phú Nhuận) tâm sự: “Ngày cuối tuần nếu không có việc gì quan trọng thì tôi vẫn thích đến đây để nói tiếng Anh với các bạn SV, vì họ khiến tôi cảm thấy trẻ trung và tươi mới hơn”. Còn chị Dương Thị Kim Thi (làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu trên đường Võ Văn Tần, Q.3) chia sẻ: “Kỹ năng nói tiếng Anh của tôi rất kém nhưng để đăng ký vào các lớp luyện nghe nói tiếng Anh ở các trung tâm ngoại ngữ thì lại không có thời gian vì công việc quá bận rộn. Sau một vài lần đến nói tiếng Anh với các bạn trong CLB, tôi cảm thấy phù hợp và thích thú với sân chơi giao lưu này”. Anh Nguyễn Văn Thắng (làm việc cho một công ty chứng khoán ở Q.1) đúc kết: “Phương pháp tốt nhất để trau dồi kỹ năng nghe nói tiếng Anh là phải tiếp xúc, trò chuyện, thảo luận. Vì vậy, CLB là môi trường tốt nhất để bạn nâng cao kỹ năng nghe nói tiếng Anh của mình”. Anh Nguyễn Hoàng Hùng - Chủ nhiệm CLB - cho biết: “Bản thân tôi nói tiếng Anh lưu loát được như ngày hôm nay cũng nhờ tham gia CLB Anh ngữ này, vì vậy tôi muốn chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm của mình cho các bạn trẻ trong việc rèn luyện kỹ năng nghe nói tiếng Anh”. Lê Thanh |
Tuyết Vân
Bình luận (0)