Văn hóa giao thông trong trường học

13/12/2011 00:32 GMT+7

Năm Thanh niên, nhiều mô hình an toàn giao thông (ATGT) của học sinh đem lại hiệu quả tích cực.

Năm Thanh niên, nhiều mô hình an toàn giao thông (ATGT) của học sinh đem lại hiệu quả tích cực.

Một năm nay, Trường tiểu học Tân Hạnh (Biên Hòa, Đồng Nai) đã xây dựng mô hình “Công viên an toàn giao thông” ngay tại khuôn viên nhà trường nhằm nâng cao kiến thức về ATGT cho học sinh (HS). Mỗi tuần một tiết dạy về ATGT, ngoài việc học lý thuyết, xem những đoạn phim sinh động về giao thông, HS còn được thực hành những tình huống ngay trong mô hình với đầy đủ các tín hiệu, biển báo, biển chỉ dẫn… Nhiều HS cho biết đã nâng cao hơn kiến thức về luật ATGT và có ý thức hơn khi tham gia giao thông nhờ được học một cách thực tế như vậy.

 
Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM tìm hiểu kiến thức về ATGT - Ảnh: Bích Thanh

Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Quảng Ngãi) thành lập đội thanh niên tình nguyện (TNTN) tuyên truyền và giữ gìn ATGT. Ngay sau buổi tan trường, các TNTN tự đến nhận cờ, còi, băng đeo tay triển khai ngay việc hướng dẫn, phân luồng giao thông tại cổng trường. Nhà trường cũng bố trí khu vực để xe đạp của TNTN thành khu vực riêng, không gây khó khăn cho các HS khác khi lấy xe. Ngoài lực lượng TNTN dàn ngang làm hàng rào di động phân luồng giao thông 1/2 phần đường trái chiều linh hoạt theo mô hình “đèn xanh, đèn đỏ”, để từng nhóm HS qua đường an toàn, một nhóm TNTN khác cũng lập hàng rào trước cổng trường, không để HS băng qua đường khi lực lượng phân luồng trên QL1A chuyển sang “đèn xanh” cho phương tiện giao thông tiếp tục lưu thông.

Còn tại Trường THCS Tân Tiến (Đồng Phú, Bình Phước), HS đã quá quen thuộc với mô hình “Cổng trường trật tự ATGT”. Các thành viên trong đội tình nguyện ATGT làm việc luân phiên vào mỗi giờ tan trường, có nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn HS lưu thông nhằm tránh ách tắc giao thông và hạn chế tai nạn giao thông giờ tan trường. Những cảnh chen lấn, dàn hàng ngang, tụ tập chờ nhau trên lòng đường đã không còn, thay vào đó là sự trật tự, an toàn và nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp về ATGT của HS. Đây cũng là cách làm nhằm đảm bảo ATGT đã được thực hiện tại các Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM), Trường THPT Vũng Tàu (Vũng Tàu)…

Nhiều mô hình nâng cao ATGT học đường tương tự đã được thực hiện ở nhiều trường trong cả nước như gắn “biển số cho xe đạp” của Trường THPT Sào Nam (Duy Xuyên, Quảng Nam), gắn “cờ ATGT” lên xe của HS tại Trường THPT số 2 Bố Trạch (Quảng Bình)... Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) tổ chức những tiết học về ATGT cho HS thực tế ngoài đường phố. Toàn bộ giáo viên Trường tiểu học Mỏ Cày (Mộ Đức, Quảng Ngãi) luôn trực chiến xin đường để đưa HS qua đường an toàn. Nhiều trường tại huyện Năm Căn, Cà Mau xây dựng bãi đậu xe đưa rước HS để giải quyết tình trạng ách tắc giao thông giờ tan trường.

Hiệu quả từ cuộc vận động Thanh niên với văn hóa giao thông

Để triển khai cuộc vận động “Thanh niên với văn hóa giao thông”, T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN VN đã hướng dẫn ATGT đến từng cơ sở Đoàn. Chủ động phối hợp với Ủy ban ATGT Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Cục Cảnh sát đường thủy Bộ Công an, các doanh nghiệp và các địa phương nhằm tăng cường các nguồn lực phục vụ triển khai cuộc vận động.

Thông qua nhiều hình thức tổ chức, cuộc vận động tạo “sân chơi” rộng mở và khách quan giúp thanh niên chủ động đề xuất các đánh giá, góp ý về xây dựng tiêu chí văn hóa giao thông.

Đoàn, Hội đã tổ chức trang bị kiến thức và thực hành kỹ năng lái xe khoa học, an toàn cho gần 10.000 thanh niên, sinh viên tại các thành phố lớn và nhiều trường ĐH, CĐ. Các chương trình “Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông” cấp toàn quốc được tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An gắn với tuyên dương 300 thanh niên tình nguyện và cảnh sát trẻ tiêu biểu. Tổ chức các buổi tọa đàm thanh niên với chủ đề “Phòng chống sử dựng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” tại Thái Nguyên, ra mắt mô hình “Bến đò an toàn” tại Cần Thơ, “Đoạn giao cắt đường bộ, đường sắt an toàn” tại Hà Nam. Bên cạnh đó, biên soạn và phát hành gần 200.000 pano, tờ gấp tuyên truyền về ATGT và xây dựng văn hóa giao thông; tặng 3.000 mũ bảo hiểm cho trẻ em. T.Ư Hội LHTN VN đã mời nghệ sĩ Xuân Bắc là đại sứ của cuộc vận động tham gia tuyên truyền tại nhiều địa phương trên cả nước, trong đó ưu tiên cho thanh niên công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Từ sự vào cuộc của Đoàn, Hội cùng với sự ủng hộ của dư luận xã hội, khái niệm “Văn hóa giao thông” đã từng bước đi vào cuộc sống của thanh niên. Cuộc vận động đã góp phần nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ trong việc xây dựng các cử chỉ, hành vi đẹp trong tham gia giao thông và trong đời sống thường ngày của thanh thiếu nhi…

(Trích phát biểu của anh Phan Văn Mãi - Bí thư T.Ư Đoàn tại Hội nghị tổng kết ATGT của UB T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN ngày 8.12.2011)

Nguyễn Thanh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.