Tháng thi đua cao điểm: Sát cánh cùng gia đình lính đảo

14/12/2011 00:08 GMT+7

Đồng hành và cùng san sẻ khó khăn với các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi là chương trình kết nghĩa giữa Thành đoàn TP.Hà Nội với gia đình chiến sĩ Trường Sa trong Năm Thanh niên.

Đồng hành và cùng san sẻ khó khăn với các chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi là chương trình kết nghĩa giữa Thành đoàn TP.Hà Nội với gia đình chiến sĩ Trường Sa trong Năm Thanh niên.

Có “ông xã” đang công tác trên đảo Sinh Tồn, gia đình chị Vũ Thị Hương, nhà ở xã Cổ Bi, là địa chỉ đầu tiên se duyên kết nghĩa với Huyện đoàn Gia Lâm. Chị Hương cho biết từ ngày chồng chị nhận lệnh lên đường ra đảo đến nay đã 22 tháng rồi, vợ không thấy mặt chồng, con vắng bóng cha. Nhiều lúc nghĩ thương các con thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm chị cũng chạnh lòng, dù ngày nào cả nhà cũng í ới gọi nhau trên sóng điện thoại di động. Chị nói: “Ngoài ông bà hai bên nội ngoại, giờ có thêm các bạn trẻ, không riêng gì mẹ con tôi, “bố nó” ở ngoài đảo sẽ yên tâm hơn nhiều”.

Nhờ chị Hương kết nối, chúng tôi gọi điện ra đảo Sinh Tồn và anh Đinh Văn Kết (là chồng của chị Hương - PV) kể rằng, lần nào có khách trên huyện đoàn xuống thăm gia đình, vợ đều gọi điện ra khoe. Mỗi cử chỉ của các bạn trẻ luôn là món quà tinh thần vô giá với gia đình người lính đảo. “Khi biết nơi quê nhà, vợ con mình luôn có nhiều người động viên, hỗ trợ thì ở ngoài này chúng tôi cũng vững tâm mà giữ chắc tay súng, hoàn thành nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc”, anh Kết chia sẻ qua điện thoại. 

Theo Phó bí thư Huyện đoàn Hoàng Anh Tú, sau gần 5 tháng triển khai, các hoạt động hướng về thân nhân người lính đảo luôn nhận được sự ủng hộ hào hứng của các bạn trẻ, đến nay đã quyên góp được gần 20 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này dùng để mua quà tết tặng các gia đình kết nghĩa.

Theo nội dung đã ký hồi tháng 7.2011, Thành đoàn Hà Nội và Quân chủng Hải quân là đơn vị chủ trì sẽ phối hợp với các tỉnh, thành Đoàn tổ chức kết nghĩa giữa các cơ sở Đoàn với gia đình thân nhân cán bộ, chiến sĩ ở 18 tỉnh khu vực phía Bắc giai đoạn 2011 - 2012 với sự tham gia của 107 chi đoàn, các trường đại học tại thủ đô.

Còn tại nhà E5, P.Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội, mẹ con chị Đường Thị Tình (chồng là thiếu tá Trương Phúc Hải công tác ở đảo Trường Sa Đông) cũng chuẩn bị đón cái tết thứ 2 thiếu vắng sự chăm sóc của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ông bà nội ngoại hai bên thì ở quá xa, không có người hỗ trợ, kết thúc giờ làm việc tại xưởng may, chị Tình lại tất tả về trường đón con trai út. Cha vắng nhà, cô con gái lớn Trương Thị Khánh Linh (học sinh lớp 6A) sớm biết tự lập, giúp mẹ làm việc vặt trong nhà. Nhớ lại hồi tháng 6 vừa qua, Linh bị sốt phải nằm viện cả tuần, chị Tình chạy ngược xuôi lo lắng.

Thương chồng, chị chẳng dám hé răng nửa lời bởi biết anh không về được sẽ càng lo lắng thêm. Thông cảm với hoàn cảnh có chồng công tác ở ngoài đảo xa, những lúc ấy, xung quanh chị Tình luôn có nhiều người sẵn lòng hỗ trợ, chia sẻ chân thành. Nhưng theo chị Tình, khó khăn nhất vẫn là kèm cặp, dạy dỗ các con học bài. Gặp những bài tập khó, động viên mãi, con không giải được, chị Tình lại mang đi nhờ vả khắp nơi, nhiều khi phải gọi điện thoại ra Trường Sa nhờ chồng chỉ dẫn cho con. Thế nên chương trình kết nghĩa này sẽ làm tan đi những lo lắng của chị Tình, bởi giờ đây luôn có nhiều bạn trẻ sẵn sàng đồng hành đỡ đầu các con trong học tập.

Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Kim Huệ - Phó trưởng ban Đô thị và Công tác an ninh quốc phòng Thành đoàn Hà Nội cho biết các đơn vị tham gia kết nghĩa tổ chức thăm hỏi định kỳ, nhanh chóng động viên các gia đình và giúp đỡ khi có người ốm đau, gặp hoạn nạn hoặc đỡ đầu dạy học cho con em các chiến sĩ…

Bên cạnh đó, chương trình sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho những người lính sau khi xuất ngũ. Ngoài nội dung có tính định hướng, đơn vị nhận kết nghĩa còn phối hợp với Đoàn thanh niên tại các địa phương khảo sát, thăm hỏi nguyện vọng của người lính sau khi ra quân. Trong tháng 12, chương trình đã được phát động và nhân rộng ở 17 tỉnh còn lại của khu vực phía Bắc.

Nhiều việc làm cho chủ quyền Tổ quốc

Năm Thanh niên, tổ chức Đoàn các cấp đã tập trung giáo dục nâng cao nhận thức cho giới trẻ về chủ quyền quốc gia, nhất là thông tin và định hướng tư tưởng cho thanh niên trước những vấn đề phức tạp như tình hình an ninh trên biển, chủ quyền của nước ta trên vùng biển Đông và các hải đảo.

Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo” có bước phát triển mới, đã tập trung tuyên truyền ủng hộ nguồn lực, kinh phí, chăm lo đời sống, học tập cho con em chiến sĩ; hỗ trợ chiến sĩ và nhân dân Trường Sa. Bên cạnh đó, Đoàn đã tăng cường kết nghĩa với các đơn vị, địa phương nơi biên giới, hải đảo. Các báo chí trong hệ thống Đoàn đã có sáng kiến và trực tiếp tổ chức cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”. Tổ chức Đoàn các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng các hoạt động kết nghĩa với nội dung thiết thực giữa các địa phương vùng đồng bằng, vùng ít khó khăn với vùng núi, hải đảo, vùng khó khăn.

Triển khai Đề án xây dựng các Đảo Thanh niên toàn quốc theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong việc thực hiện Chiến lược biển và chiến lược kinh tế đảo đến năm 2020, T.Ư Đoàn đã phối hợp với các Bộ và các địa phương hoàn thiện Đề án xây dựng đảo Thanh niên toàn quốc giai đoạn 2010 - 2020 gồm các đảo: đảo Trần - Quảng Ninh, hòn Chuối - Cà Mau, Thổ Chu - Kiên Giang; tiếp tục đầu tư xây dựng đảo Bạch Long Vĩ - Hải Phòng và đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị. Đề án đã được Ban Bí thư T.Ư Đảng cho ý kiến, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã tiếp thu hoàn thiện. Hiện nay, đề án đang được trình để Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

(Trích dự thảo báo cáo kết quả thực hiện Đề án Năm Thanh niên của T.Ư Đoàn)

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.