Nhiều năm qua, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhiều cách diệt chuột như nuôi mèo, phát thuốc diệt chuột miễn phí, làm bẫy chuột hình bán nguyệt… Có nơi còn khuyến khích người dân diệt chuột bằng cách đổi đuôi chuột lấy tiền thưởng. Hầu hết người dân đều biết việc sử dụng điện để bẫy chuột tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng một số người vẫn chủ quan, coi thường, cố tình làm vì hiệu quả kinh tế trước mắt. Khi đứng trước vành móng ngựa có hối thì đã muộn.
Trong phiên tòa phúc thẩm, Hoàng trần tình, gia đình thuộc diện nghèo nên ngoài thời gian đi làm mướn cả gia đình cùng bỏ công chăm sóc mảnh ruộng nhỏ chừng 200 m2. Sau một đêm nhìn thấy đám mạ bị chuột cắn nát, xót của, bà Thu giục con trai giăng bẫy điện. Hoàng thưa với tòa: “Biết là nguy hiểm, nhưng bị cáo mà không làm thì mẹ sẽ chửi bị cáo. Muốn được yên, bị cáo làm đại cái bẫy chuột cho mẹ hài lòng”.
Trong phiên xử phúc thẩm ấy, không thấy mẹ của Hoàng vì bà đã đi thụ bản án 5 năm tù. Một người dì của Hoàng tâm sự: “Gia đình nạn nhân cũng quá nghèo khổ, anh L. là lao động chính trong gia đình. Thấy cảnh vợ và hai đứa con thơ của anh L. đau khổ vì mất chồng, mất cha, chị tui (bà Thu) cũng tê dại cả người, chấp nhận sự trừng phạt của pháp luật như cái giá phải trả. Chỉ tội nếu thằng Hoàng cũng đi tù thì nhà chẳng còn ai”.
Khi được phát biểu, Hoàng cúi đầu thật thấp: “Mẹ bị cáo đã đi tù, xin tòa cho bị cáo được ở ngoài đi làm mướn để có tiền lo chu cấp cho hai con của người bị hại (900.000 đồng/hai bé/tháng), nuôi hai con nhỏ và đi thăm nuôi mẹ của bị cáo”.
Trong vụ án này, chính công tố viên là người kháng nghị cho Hoàng được hưởng án treo, một tình huống hiếm hoi, ít gặp. Sau khi nghị án, HĐXX chấp nhận kháng nghị, sửa án sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Hoàng 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo (thời gian thử thách là 4 năm).
Tần ngần hồi lâu rồi Hoàng chậm rãi lê đôi dép mòn vẹt ra về cùng người dì ruột…
Lê Nga
Bình luận (0)