Cơ quan thẩm tra “bảo lưu” đề xuất chỉ bảo hiểm tiền đồng VN

14/12/2011 16:58 GMT+7

(TNO) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều nay 14.12 về một số vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của dự luật Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế bảo lưu đề xuất chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với đồng VN.

(TNO) Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chiều nay 14.12 về một số vấn đề dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của dự luật Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban Kinh tế bảo lưu đề xuất chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với đồng VN.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, về loại tiền gửi được bảo hiểm, qua thảo luận (tại kỳ họp Quốc hội vừa qua) có hai loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất (18 ý kiến) nhất trí với quy định của dự luật, chỉ bảo hiểm đối với tiền gửi bằng đồng VN nhằm bảo vệ đồng tiền VN.
 
49 ý kiến khác đề nghị xem xét việc bảo hiểm tiền gửi đối với tiền gửi bằng ngoại tệ và kim loại quý (vàng…) nhằm đảm bảo sự công bằng đối với người gửi tiền, đồng thời huy động được lượng lớn ngoại tệ và vàng gửi vào hệ thống ngân hàng do tập quán tích trữ vàng trong dân vẫn phổ biến và đây cũng là những tài sản sở hữu hợp pháp của người dân.
 
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, chính sách quản lý ngoại hối của VN ngoài việc cấm sử dụng ngoại tệ trong các giao dịch trên lãnh thổ VN, không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ mà nên bán lại cho ngân hàng.
 
“Khi người dân quyết định giữ tài sản cho mình dưới dạng ngoại tệ hay kim loại quý là một hình thức tự phòng ngừa rủi ro do lo ngại sự mất giá của đồng nội tệ; việc không bảo hiểm tiền gửi đối với ngoại tệ và kim loại quý của người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không làm ảnh hưởng tới quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với các loại tài sản này”, Ủy ban Kinh tế nhận định, và đề nghị “chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng đồng VN”.
 
Về hạn mức tiền gửi, qua thảo luận cũng có hai luồng ý kiến. Nhóm ý kiến thứ nhất đề nghị quy định luôn hạn mức trả tiền bảo hiểm trong luật, nhưng nhóm ý kiến thứ hai đề nghị giao Thủ tướng quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.
 
Ông Giàu cho biết, Ủy ban Kinh tế nhất trí với loại ý kiến thứ hai với lý do phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta đang tiến hành tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi còn nhỏ cũng như nhằm tăng tính linh hoạt điều hành.
 
Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc chỉ bảo hiểm tiền gửi đối với tiền đồng VN.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu ngân hàng vẫn nhận tiền gửi của người dân bằng ngoại tệ, bằng kim loại quý thì tại sao lại chỉ bảo hiểm tiền đồng VN mà không bảo hiểm các loại tiền khác. Nếu chấp nhận bảo hiểm tiền gửi với ngoại tệ và vàng thì ngoài việc thu hút được nguồn lực lớn từ dân vào ngân hàng, Nhà nước cũng dễ quản lý hơn là để tài sản trôi nổi trong dân.
 
Cả Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đưa ra nhận định tương tự.

Theo bà Mai, cơ quan thẩm tra lý giải không bảo hiểm với tiền gửi là ngoại tệ và vàng không ảnh hưởng đến quyền sở hữu hợp pháp của người dân đối với các loại tài sản này là “không thuyết phục”, bởi cùng là tiền gửi vào ngân hàng mà tài sản người dân gửi vào bằng ngoại tệ, vàng không được bảo hiểm thì khi xảy ra rủi ro cũng vẫn ảnh hưởng tới tài sản của người gửi tiền.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.