Đủ kiểu chống trộm

14/12/2011 10:01 GMT+7

Gần cuối năm, người dân lo lắng nhiều hơn về vấn nạn trộm cắp. “Bắt” đúng lo lắng ấy của gia chủ là đủ loại thiết bị chống trộm được bày bán với đủ giá, chất lượng cũng lắm hên xui.

Gần cuối năm, người dân lo lắng nhiều hơn về vấn nạn trộm cắp. “Bắt” đúng lo lắng ấy của gia chủ là đủ loại thiết bị chống trộm được bày bán với đủ giá, chất lượng cũng lắm hên xui.

 
Thị trường thiết bị chống trộm “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng không am hiểu dễ bị “móc túi” - Ảnh: Minh Đức

 
Anh Hoàng kích hoạt một hệ thống báo trộm. Hệ thống này sẽ báo động cho chủ nhân biết khi trộm đột nhập - Ảnh: N.Khải

Mới 8g một ngày đầu tháng 12, chúng tôi ghé Công ty điện tử viễn thông Phan Anh trên đường Đỗ Thừa Luông (P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) đã gặp ông Toàn, nhà ở chợ Tân Hương gần đó, đang hí hoáy chọn lựa linh kiện báo trộm ráp cho căn hộ của mình.

Ông Toàn nói: “Mới đêm qua bà xã tôi thấy một bóng đen vào nhà, vừa la lên thì chúng vụt chạy mất... Kiểm tra tài sản chưa mất gì nhưng tôi vẫn lo lắm. Cuối năm, bọn trộm hay lộng hành nhiều hơn”.

Đủ loại, nhiều giá

Khu phố chuyên bán thiết bị camera, máy chống trộm trên đường Lý Thường Kiệt (Q.11, TP.HCM) càng nhộn nhịp hơn, trước kia là khu vực thuộc chợ Nhật Tảo chuyên bán hàng điện tử. Bà Phương - chủ một cửa hàng chuyên về hệ thống báo trộm, báo cháy và camera - cho hay: “Tháng rồi chốt sổ bên tôi bán và lắp ráp cũng được hơn 30 khách hàng là người dân”.

Riêng tại khu vực chợ Nhật Tảo cũ này chúng tôi được mời chào hơn 20 nhãn hiệu thiết bị chống trộm như camera “mắt thần” dùng hồng ngoại, công tắc từ có còi hú... Nhiều thiết bị có ký hiệu model, tên loằng ngoằng rất khó nhớ như: KS258B2, Znit 81062, Escort ESC...

Đừng chủ quan có thiết bị chống trộm

“Hệ thống camera cốt yếu để giám sát, giúp chủ nhân theo dõi toàn căn nhà một cách tiện lợi và để lưu lại hình phục vụ công tác điều tra sau những vụ trộm cướp. Nhưng một số người sắm được dàn camera tốt rồi ỷ lại, lơ là mất cảnh giác và không thường xuyên để ý kiểm tra màn hình thì cũng như không...” - Ngọc Hiếu, kỹ thuật viên lắp thiết bị chống trộm, khuyến cáo.

Thạc sĩ Bùi Thư Cao, trưởng khoa công nghệ điện tử Đại học Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Hầu hết linh kiện điện tử của các thiết bị này tại VN đều nhập từ Trung Quốc, chất lượng chênh nhau rất lớn. Khi mua một thiết bị chống trộm để sử dụng phải để ý thời gian bảo hành ít nhất phải sáu tháng trở lên. Và người sử dụng phải nhớ thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị cảm biến bằng cách tạo tác động giả để đảm bảo máy luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động”.

Theo chân Hoàng, kỹ thuật viên chuyên đi lắp ráp thiết bị chống trộm, đến một căn nhà anh đang lắp đặt hệ thống chống trộm trước khi bàn giao. Đụng vào cánh cửa sắt chưa được năm giây, tiếng còi hụ đã inh ỏi từ phía bên trong nhà, chiếc điện thoại Hoàng cầm trên tay cũng rung và kêu bíp bíp. Hoàng bảo: “Khi phát hiện người xuất hiện, hệ thống báo trộm này sẽ kích hoạt còi báo động, đồng thời gửi tin báo có trộm đến điện thoại của chủ nhà”.

Đưa ra một hộp nhựa màu đen nhỏ bằng gói thuốc lá, ở giữa có đính một mắt thủy tinh nhỏ, Hiếu - kỹ thuật viên lắp đặt thiết bị chống trộm - cho biết thêm: “Loại thiết bị này dạng cảm biến chuyên dùng trong nhà. Với thiết kế cảm ứng quét xa khoảng 10m và quay vòng 140 độ, bất cứ chuyển động nhiệt nào của cơ thể sống trên 15kg nó đều phát hiện. Trong phòng 100m2 chỉ cần lắp một cái này và bật lên kể như an toàn...”.

Không chỉ nhiều chủng loại, giá cả cũng loạn xạ, người tiêu dùng rất dễ bị lầm. Có nhiều loại được gọi là “mắt thần hồng ngoại” nhưng chỉ bán với giá chưa tới trăm ngàn đồng. Trong khi nhiều thiết bị lên tới hàng chục triệu đồng nhưng chất lượng chỉ có xài mới biết. Đó là chưa kể mỗi nơi mỗi giá, camera chống trộm nhãn hiệu Kanax 305D tại khu vực chợ Nhật Tảo cũ được ba cửa hàng chào với giá khác nhau từ 1,2-1,5 triệu đồng. Trong khi đó ở một cửa hàng tại khu Bàu Cát (Q.Tân Bình) được hét tới 2,5 triệu đồng. Chủ tiệm nào cũng khẳng định bán giá rẻ nhất và bao xài (?).

Khóc dở, mếu dở

Lắp thiết bị chống trộm nhưng nhiều gia chủ không phát hiện trộm đã phải gặp nhiều chuyện oái oăm. Ông Ngọc Huy (nhà trên đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú) vừa bị bọn trộm vào nhà chôm cả... camera chống trộm.

“Tui ngủ dậy kiểm tra camera hồng ngoại gắn trước nhà thì không thấy tín hiệu gì, chạy ra xem thì camera đã bị cắt mất, hệ thống báo động tui đặt ngụy trang dưới mấy ống nước ngoài hàng rào nhưng không hề báo động một tiếng” - ông Huy kể.

Do nhà ông có hệ thống cửa nhiều lớp và được khóa cẩn thận nên trộm chưa thể lấy được tài sản ngoài camera trị giá gần 1 triệu đồng. Thế là ngoài việc lắp một bộ camera mới, ông phải sắm thêm một thiết bị cảm biến nhiệt thay thế mấy thiết bị đặt ở hàng rào đã “không chịu làm việc”.

Vừa tháo một hộp báo trộm không dây bằng cách thức cảm biến nhiệt trong tầng trệt chuyên dùng để xe hơi, anh Nguyên - chủ một căn biệt thự ở Thảo Điền, Q.2 - lắc đầu bảo: “Mới lắp đặt chưa được một tháng mà trong tuần qua đã hai lần đứng tim với nó. Ai đời giữa khuya đang ngủ nó reo ầm ĩ, cả nhà mất hồn bật dậy thận trọng đi xuống thì chẳng thấy bóng nào, cửa nẻo vẫn bình thường”.

Thiết bị trên anh Nguyên được một người chuyên cung cấp các thiết bị báo động “dụ” bán với giá 800.000 đồng. “Cái này các cửa hàng bán đến 1,4 triệu đồng, họ bảo lấy đúng với giá gốc” - anh Nguyên kể với vẻ thất vọng.

Tương tự, gia đình ông Hà Ngọc Thanh ở hẻm 219 đường Bình Long (phường Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) sau hai tháng lắp thiết bị chống trộm trị giá hơn 3 triệu đồng đã phải gỡ bỏ vì cả nhà đều mất ngủ. Lý do là hệ thống chống trộm ông Thanh lắp không phân biệt được đâu là trộm, đâu là... dơi.

Ông Thanh cho biết do khu vực nơi ông ở có nhiều cây trứng cá, dơi sinh sống khá nhiều nên đêm nào cũng có vài con bay vào nhà qua lỗ thông gió. Chỉ chờ có vậy, máy báo trộm kêu inh ỏi, không chỉ làm ông mất ngủ mà cả hàng xóm cũng phàn nàn. Chịu không thấu, gia đình ông đành phải thanh lý cho chính nơi bán với giá chưa bằng 1/3 lúc mua.

Thiết bị chống trộm được quan tâm nên nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc được dán các nhãn mác y như thật xuất hiện tràn lan. Tưởng chúng tôi mua hàng về bán, ông Phước - một đầu nậu chuyên cung cấp các mặt hàng điện tử ở khu vực chợ Nhật Tảo cũ - nói thẳng: “Loại camera chống trộm tụi tôi thường chọn những linh kiện rẻ gắn đủ loại nhãn mác. Bên tôi chỉ bao xài trong một tháng, mấy anh muốn bảo hành cho khách bao lâu thì tự chịu trách nhiệm. Nhưng tôi cảnh báo trước hàng này không quá ba tháng là xuống cấp”. Những linh kiện được chọn lựa thường là hàng Trung Quốc loại hai, loại ba... thậm chí là loại đã qua sử dụng được ông tận dụng.

“Bọc vỏ nhựa xịn vào thì đố ai biết được hàng ra sao. Có ngày tui phải làm theo đơn đặt hàng hơn chục bộ camera và hộp báo động giá bèo” - ông Phước tiết lộ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi thiết bị báo động chống trộm được bày bán trên thị trường phải có đủ hai chứng từ, một chứng từ nêu rõ nguồn gốc xuất xứ do chính nhà sản xuất thiết bị cung cấp và chứng từ còn lại để đảm bảo sản phẩm đã được kiểm định chất lượng do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp. Thế nhưng trừ một vài đại lý lớn, còn lại hầu hết cửa hàng đều không có hai loại giấy này.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.