Vũ khí Nga ở Indonesia

16/12/2011 08:26 GMT+7

(TNTS) Theo thông tin từ nhiều báo đài Nga, Indonesia vừa thỏa thuận sơ bộ sẽ mua 6 chiếc máy bay tiêm kích Su-MK2 và một số loại vũ khí khác của Nga. Hơn thế, Nga cho Indonesia vay tiền để mua các loại vũ khí này.

Báo điện tử Lenta của Nga đưa tin, trong vài tháng tới, Indonesia sẽ ký thỏa thuận mua của Nga 6 chiếc Su-MK2, tăng T-90, máy bay trực thăng Mi-17, Mi-35, xe bọc thép BMP-3... Quan trọng hơn, hầu hết các loại vũ khí trên là do Nga cho Indonesia vay tiền để mua. Bộ Quốc phòng Indonesia sẽ xác định các loại vũ khí, trang thiết bị đi kèm với loại Su-MK2 và sau đó ký hợp đồng. Theo lời ông Viktor Komardin - Phó tổng giám đốc cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, thỏa thuận "cứng" để mua Su-MK2 có thể sẽ được ký ngay vào cuối năm 2011 này.

Hiện chưa rõ giá trị của hợp đồng, nhưng theo đánh giá của phía Indonesia là sẽ không dưới 500 triệu USD. Ông Viktor Komardin cho biết, Indonesia rất quan tâm đến việc vay tiền Nga để mua vũ khí. "Chúng tôi muốn đáp ứng yêu cầu này, dù đây là bạn hàng có ngân sách khiêm tốn" - Viktor Komardin nói.


Trực thăng Mi-35 - Ảnh: wallpapers.ssdn.ru

Trước đó vào năm 2007, Nga cho Indonesia vay 1 tỉ USD để mua vũ khí. Khi đó đất nước ở Đông Nam Á này mua của xứ sở bạch dương 18 chiếc máy bay trực thăng đa năng Mi-17V5, 5 chiếc trực thăng tấn công Mi-35P và 20 chiếc xe bọc thép BMP-3P. Bộ Quốc phòng Indonesia còn có kế hoạch mua 2 tàu ngầm lớp dự án 877 "Paltus". Tuy nhiên, vào tháng 7.2009, phía Indonesia thông báo việc mua tàu ngầm sẽ được thực hiện sau. Vào năm 2010, Indonesia vay thêm 300 triệu USD của Nga, còn vào tháng 3 năm này, Ngân hàng Ngoại thương Nga thông báo có thể cho Indonesia vay thêm tiền để ký hợp đồng mua bán vũ khí với Rosoboronexport.

Nếu như thỏa thuận "cứng" giữa Indonesia và Nga sẽ ký kết trong tháng 12.2011, nó cho phép Nga tăng thêm doanh số xuất khẩu. Ở thời điểm hiện tại, theo số liệu của Rosoboronexport, số tiền đặt hàng mua vũ khí của Nga từ nước ngoài là 36 tỉ USD. Dự kiến năm 2011, chỉ tính riêng Rosoboronexport đã đạt 10 tỉ USD xuất khẩu vũ khí, tăng hơn 1 tỉ USD so với năm 2009. Còn tính chung thì năm 2009, Nga đạt 10 tỉ USD xuất khẩu vũ khí.

Dù chưa có gì chắc chắn, nhưng Nga khá tin tưởng vào việc Indonesia sẽ mua máy bay Su-MK2. Ngoài loại máy bay hiện đại này, họ còn hy vọng Indonesia sẽ mua thêm cả xe tăng T-90 và hệ thống phóng hỏa tiễn "Smerch". Cả hai bên đang thảo luận mọi khía cạnh khả thi của hợp đồng. Indonesia sẽ mua bao nhiêu chiếc tăng hiện chưa rõ, nhưng theo lời ông Viktor Komardin đây sẽ là hợp đồng "số lượng lớn". Không những thế, Indonesia còn quan tâm đến việc mua trực thăng Mi-17, Mi-35, xe bọc thép BMP-3 cũng như linh kiện, phụ tùng của máy bay thương hiệu "Su". Hiện có 10 chiếc Su được biên chế trong không lực Indonesia.

 
Indonesia rất quan tâm đến loại tăng T-90 của Nga

Indonesia đang tích cực thực hiện chương trình phục hồi lực lượng quân đội của mình. Trong vòng 5 năm tới, nước này có kế hoạch chi 200 nghìn tỉ rupiah (tương đương 22,1 tỉ USD) cho quốc phòng. Trong đó, có 150 nghìn tỉ rupiah được chi cho không lực. Số tiền này sẽ dùng để mua các loại máy bay chiến đấu và máy bay vận tải quân sự, nâng cấp các loại máy bay mà Indonesia đang sở hữu.

Hiện quân đội Indonesia có 2 chiếc Su-30M, 3 chiếc Su-30MK2, 2 chiếc Su-27SK và 3 chiếc Su-27SKM. Trước đây Bộ Quốc phòng Indonesia thông báo, các dòng máy bay ký hiệu MK và SK sẽ được nâng cấp lên thành dòng ML2 và SKM. Thông tin Indonesia đẩy nhanh thời hạn mua thêm 6 chiếc Su có từ tháng 9.2010. Khi đó, đất nước vạn đảo thông báo sẽ mua thêm 180 chiếc máy bay tiêm kích Su nữa. Về phía mình, Rosoboronexport sẽ mở các trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng vũ khí, khí tài Liên Xô (cũ) và Nga tại Indonesia.

Để nâng cao sức mạnh quân sự, Indonesia sẽ huy động và tận dụng mọi khả năng có thể có. Nhân tiện nói thêm, trước đây Mỹ từng đề nghị cung cấp (không lấy tiền) 24 chiếc máy bay tiêm kích F-16 Fighting Falcon, còn Indonesia chỉ phải trả tiền sửa chữa hoặc nâng cấp chúng vào khoảng 750 triệu USD. Đây là số tiền không lớn, đủ để mua 2 chiếc máy bay mới với đầy đủ các trang thiết bị, vũ khí đi kèm.

Với xe tăng, ngoài loại T-90S, Indonesia còn có kế hoạch mua 60 chiếc Leopard 2A6 do Đức sản xuất. Số tăng trên thuộc quân đội Hà Lan, nước mà theo chương trình cắt giảm ngân sách quân sự của Liên minh châu u sẽ không sử dụng số tăng này vào năm 2014. Hiện Bộ Ngoại giao và Bộ Kinh tế Hà Lan đang kiểm tra liệu hợp đồng mua bán có vi phạm các công ước quốc tế nào hay không. Một vài chuyên gia quân sự tỏ ý không nên bán tăng Leopard 2A6 cho Indonesia.

Nhưng không loại trừ việc Hà Lan sẽ quyết định bán số tăng này cho Indonesia. Trong thời gian tới, Hà Lan còn thanh lý một số lượng lớn vũ khí khí tài bao gồm 17 máy bay trực thăng AS532 Cougar, 1 máy bay vận tải quân sự DC-10 và 19 chiếc F-16. Với 19 chiếc F-16, lâu nay Chile là bạn hàng thân thiết của Hà Lan, nên Indonesia khó có thể cạnh tranh để mua lại.

Những nỗ lực của Indonesia để lấp "lỗ thủng" trong quốc phòng và thay thế các loại vũ khí đã cũ kỹ, lạc hậu hiện nay là hậu quả để lại từ năm 1993, khi Mỹ tiến hành bao vây ngoại giao và cấm vận kinh tế đối với nước này. Do chính sách cấm vận của Mỹ mà suốt một thời gian dài Indonesia không thể mua phụ tùng để sửa chữa vũ khí, khí tài trên thị trường quốc tế. Cái cớ để Mỹ cấm vận là Indonesia đã dùng vũ lực tấn công Đông Timor, tỉnh Aceh. Riêng ở Aceh, cuộc nội chiến kéo dài hơn 30 năm, làm 15 nghìn người chết. Đến năm 1999, nhiều nước châu u cũng tham gia lệnh cấm vận, khiến Indonesia rơi vào tình thế khó khăn hơn.

Đến năm 2005, Mỹ khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Indonesia. Trong khi đó một số quốc gia châu u vẫn tiếp tục chính sách cấm vận. Trong số này có Anh, nước cương quyết không bán cho Indonesia loại tiêm kích Eurofighter Typhoon. Có lẽ vì lý do này mà Hà Lan ngần ngại chuyện bán lại xe tăng Leopard 2A6 cho Indonesia.

Trong "cuộc chơi" này, việc quốc tế cấm vận Indonesia lại mang đến vận may cho Nga, quốc gia đang rất quan tâm thị trường mua bán vũ khí ở Đông Nam Á. Nga đang hy vọng rồi đây Indonesia sẽ là bạn hàng truyền thống của mình. Bước đi đầu tiên đã xong, trong vòng 20 năm tới Indonesia sẽ còn mua thêm 180 chiếc máy bay Su các loại nữa.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.