Cô dâu Việt ở Đài Loan - Kỳ 4: Góa phụ không an phận

15/12/2011 00:48 GMT+7

Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, một phụ nữ Việt vẫn giữ được sự lạc quan và khát vọng vươn lên, cống hiến cho xã hội và là một điểm sáng thành công hiếm hoi trong bức tranh các cô dâu Việt tại xứ Đài.

>> Cô dâu Việt ở Đài Loan - Kỳ 3: Vừa làm vợ vừa làm chồng

Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, một phụ nữ Việt vẫn giữ được sự lạc quan và khát vọng vươn lên, cống hiến cho xã hội và là một điểm sáng thành công hiếm hoi trong bức tranh các cô dâu Việt tại xứ Đài.

 

Đào Duyên Hải chụp hình cùng lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu (hai người ở giữa) tại một điểm vận động bầu cử ngày 19.11 Ảnh: Nguyễn Lệ Chi 

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng

Nhờ một người bạn nhà văn mau mắn, tôi liên hệ được với Đào Duyên Hải và được cô nhiệt tình đội mưa tới khách sạn đưa đi tham dự một số hoạt động xã hội sôi nổi liên quan tới cô dâu Việt Nam. Cô cũng là 1 trong 2 cô dâu Việt hiếm hoi được mời chụp hình với lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu trong tư cách đại diện cho những người di dân mới tại một điểm vận động bầu cử của ông tại Vùng đô thị mới Đài Bắc vào ngày 19.11 vừa qua.

Chúng tôi đổi rất nhiều trạm tàu điện ngầm và xe buýt, mất hơn tiếng đồng hồ mới đến được địa điểm công viên nơi tổ chức cuộc vận động bầu cử của đảng cầm quyền KMT (Quốc dân đảng) dưới trời mưa tầm tã. Hải cũng chính là cô dâu Việt được mời dạy lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu và Thị trưởng TP.Đài Bắc gói bánh chưng Việt Nam vào tháng 5 vừa qua. Cô khoe sau hơn chục phút loay hoay, cuối cùng vị lãnh đạo Đài Loan cũng gói xong, ông thở phào sung sướng và thừa nhận gói bánh chưng Việt Nam khó quá.

Hải nói thêm, chính sách mới của ông Mã Anh Cửu đã giúp đỡ rất nhiều cho những người di dân mới (trong đó có cô dâu Việt) như chỉ cần sinh sống ở Đài Loan đủ 3 năm là các cô dâu nước ngoài được quyền làm chứng minh thư, mà không cần chồng hoặc nhà chồng cho phép, trong khi chính sách cũ là các cô dâu chỉ được nhập quốc tịch khi được nhà chồng chấp thuận bảo lãnh với số tiền bảo lãnh là 5 triệu Đài tệ. Điều này đã khiến các cô dâu Việt tự chủ hơn, và bảo đảm được quyền lợi cho mình, không còn bị lệ thuộc vào nhà chồng hoặc dẫu bị chồng bỏ, vẫn có thể đàng hoàng ở lại Đài Loan sinh sống, làm việc.

Ngoài ra, các cô dâu nước ngoài cũng được hưởng nhiều quyền lợi như học tiểu học không mất tiền, hỗ trợ chi phí sinh hoạt, xây dựng các trạm hỗ trợ người di dân mới để học tiếng, tìm hiểu phong tục tập quán người bản xứ, kịp thời chia sẻ thông tin và giúp đỡ những cô dâu nước ngoài khỏi bạo lực gia đình…

Sở dĩ Hải được chọn là gương mặt tiêu biểu đại diện cho các cô dâu Việt như vậy vì cô rất hoạt bát, xông xáo, đặc biệt rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội vì cộng đồng, nhất là chương trình giúp ích cho cô dâu Việt, như: đi về các miền núi tuyên truyền chương trình chống bạo lực gia đình; làm tình nguyện viên không lương cho hai đồn cảnh sát để phiên dịch giúp cho các cô dâu Việt khi có việc cần cảnh sát trợ giúp… Cũng nhờ công việc này, cô được tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh cô dâu Việt và các cô dâu nước ngoài khác khá bất hạnh, để từ đó lại càng tự nhận thấy mình cần nỗ lực hơn nữa để giúp thêm nhiều người có hoàn cảnh khổ hơn.

Có đêm sau khi nghe một cú điện thoại khóc kêu cứu của một cô dâu khác, Hải lao ra khỏi nhà lúc 3 giờ sáng, một mình phóng xe máy tới nhà cô dâu đó, lấy tang chứng bị bạo hành tình dục giấu đi, để cô này có đủ bằng chứng ly dị, thoát khỏi ông chồng có vấn đề về thần kinh. Hải cho biết cô tích cực tham gia các hoạt động xã hội như vậy nhằm khẳng định vị trí và khả năng của cô dâu Việt trong xã hội Đài Loan, và cũng để chứng tỏ mục đích lấy chồng xứ Đài của cô dâu Việt không phải lúc nào cũng vì tiền.

Truân chuyên dặm trường

Hãnh diện về tà áo dài

Khác với nhiều cô dâu Việt khác khi ra đường không muốn mặc áo dài, không nói tiếng Việt để lộ ra mình là người Việt Nam, nhằm tránh những con mắt tò mò, dò xét của một số người có cái nhìn phiến diện về cô dâu nước ngoài, Hải luôn tranh thủ mặc bộ áo dài truyền thống ở mọi lúc mọi nơi, trên xe buýt, trên tàu điện ngầm, trong lớp học, trên sân khấu, trong những hoạt động xã hội… “Áo dài Việt Nam đẹp lắm, tội gì mà không khoe, vả lại em muốn cho mọi người ở Đài Loan đều thấy cô dâu Việt sống ở đây vẫn tự tin và tự hào về quê hương mình”, Hải thổ lộ.

Trên chặng đường đi tàu điện ngầm dài lê thê, Hải tâm sự rất nhiều về cuộc đời đầy thăng trầm của mình.

Hải mang tiếng lấy chồng Đài Loan đã 11 năm qua nhưng thời gian chung sống vỏn vẹn chưa đầy 2 tháng, giờ cô vẫn đang sống trong cảnh góa chồng. Do thời gian đầu mới lấy nhau, ngôn ngữ bất đồng gây hiểu lầm, khiến chồng cô nảy sinh ghen tuông tới mức Hải không chịu đựng nổi phải bỏ về nước chỉ 2 tháng sau ngày cưới. “Suốt 5 năm đó, cả chồng và gia đình chồng, em đều không hề liên lạc. Em rất muốn làm thủ tục ly dị nhưng cũng không biết phải làm cách nào vì không nhớ địa chỉ, không có số điện thoại, không biết tiếng Hoa để hỏi”, Hải kể.

Mãi tới 5 năm sau, khi gia đình chồng gọi điện sang Việt Nam thông báo chồng cô sắp mất vì ốm nặng, cô liền thu xếp sang thăm chồng lần cuối, vì nghĩ rằng một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng. Thế nhưng sau khi vừa vội vã để sang kịp nhìn mặt chồng lần cuối, cô đã bất ngờ khi hay tin chồng đã qua đời được hai tháng và vẫn để ở nhà xác, chỉ chờ cô sang tới Đài Loan là phát tang. “Có lẽ người Đài Loan vẫn mang nặng tư tưởng truyền thống là khi chết phải có vợ đưa tiễn chồng nên mới gọi em sang. Em cũng làm cho trọn nghĩa vợ chồng, nhất nhất nghi lễ cúng tuần, cúng 49 ngày…, nhà chồng nói gì, bảo làm gì, em đều làm theo cả. Cứ thế dần dần mà ở lại Đài Loan từ bữa đó tới nay đã 6 năm rồi”. Từ chỗ bị gia đình chồng ngờ vực vì mục đích lấy chồng vì tiền, từng bị gọi điện báo cảnh sát vì sợ cô đòi chia gia sản của chồng, tới nay gia đình chồng đã phải thán phục về đức tính cần cù, chịu khó, sự thông minh và tính cương nghị vượt khó của Hải.

Từ một người không biết một chữ cắn đôi tiếng Hoa, giờ đây cô đã có thể nói làu làu sau 6 năm sinh sống và làm việc ở xứ người và đã thử sức với rất nhiều nghề.

Thoạt đầu, cô lên núi phụ bán hàng ăn cho gia đình anh chồng. Rồi cô vừa đi học vừa đi bán hoa quả thuê cho một công ty xuất khẩu đông lạnh với mức giá 70 Đài tệ/giờ (khoảng 50.000 đồng). Tiếp đó, cô trực điện thoại cho một công ty điện tín với mức lương trung bình là 15.000 Đài tệ/tháng. Không hài lòng với mức lương này, cô tự gọi điện tới ngân hàng, đề nghị làm một công việc chưa từng có trong tiền lệ là hướng dẫn các thủ tục gửi tiền về nước cho người Việt do cảm thấy nhiều cô dâu Việt rất lúng túng mỗi khi ra ngân hàng gửi tiền về quê. Cô làm công việc này hơn 1 năm với mức lương 33.000 Đài tệ/tháng, đi tới nhiều trường tiểu học để phát tờ rơi quảng cáo về dịch vụ này cho nhiều cô dâu Việt được biết. Không chịu an phận, Hải tiếp tục nhận làm việc phát thẻ điện thoại miễn phí cho một công ty điện thoại với mức lương 100 Đài tệ nếu phát được 200 thẻ. Công việc bận tới nỗi cô phải thuê thêm 2 sinh viên Việt Nam đang du học ở đây làm thêm ngoài giờ.

Ước mơ của Hải trong tương lai là đi học đại học chuyên ngành xã hội học để giúp được nhiều người, mở một tờ báo tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng người Việt tại đây.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.