Xử lý hình sự doanh nghiệp xăng dầu gian lận

15/12/2011 00:00 GMT+7

Sáng 14.12, UBND TP.HCM họp bàn xử lý 11 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn gian lận trong việc kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (Thanh Niên ngày 2.12 đã đưa tin).

Sáng 14.12, UBND TP.HCM họp bàn xử lý 11 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn gian lận trong việc kinh doanh xăng dầu, gây thiệt hại cho người tiêu dùng (Thanh Niên ngày 2.12 đã đưa tin).

>> TP.HCM mạnh tay xử lý các cây xăng gian lận
>> Nhiều DN gian lận kinh doanh xăng dầu

Ông Lê Mạnh Hà - Phó chủ tịch UBND TP - chỉ đạo Sở Khoa học - Công nghệ ngay trong tuần này phải ban hành quyết định xử phạt với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng/DN vi phạm, tính toán mức độ thiệt hại cụ thể để buộc DN bồi thường cho khách hàng. Sở Công thương phải áp dụng điều khoản bổ sung theo Nghị định 107 của Chính phủ quy định về gian lận thương mại để tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh trong vòng 12 tháng đối với các DN vi phạm. “Từ nay về sau, các hành vi vi phạm tương tự 11 DN gian lận vừa bị phát hiện, TP sẽ xem xét chuyển sang truy cứu xử lý hình sự. Gian lận xăng dầu mang lại lợi nhuận rất lớn nên cần phải xử lý nghiêm để mang tính răn đe”, ông Hà nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu các sở, ngành liên quan vạch ra ngay kế hoạch, trong thời gian tới phải thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động kinh doanh tất cả các cây xăng trên địa bàn TP. Khi kiểm tra nhanh, nếu phát hiện có vi phạm thì lập tức niêm phong toàn bộ lô hàng để xử lý nghiêm minh.

Để hạn chế tối đa việc các DN xăng dầu dùng xăng A83 “biến hóa” thành xăng A92, A95 bán với giá cao, thu lợi bất chính, Phó giám đốc Sở Công thương Huỳnh Khánh Hiệp kiến nghị phải ngưng việc sản xuất xăng A83. Theo ông Hiệp, xăng A83 đã không được phép nhập khẩu và Bộ Công thương từng đề xuất loại bỏ xăng A83 ra khỏi danh mục mặt hàng được sản xuất tại VN. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường vẫn còn DN đầu mối được phép sản xuất, lưu thông loại xăng này.

* Chiều 14.12 tại TP.HCM, Cục Quản lý thị trường - Bộ Công thương tổ chức tập huấn Nghị định 104 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu (có hiệu lực từ ngày 1.1.2012). Theo đó mức phạt tăng nặng hơn, lên đến 70 triệu đồng đối với thương nhân đầu mối vi phạm kinh doanh xăng dầu. Các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu có hành vi đưa xăng dầu vào lưu thông có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Tiêu chuẩn công bố áp dụng ngoài bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu hoặc Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu đến 12 tháng.

* Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ban hành Công văn số 57/BCĐ - QLTT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng nhân dịp tết Nhâm Thìn 2012. Theo đó, từ tháng 1.2012 các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng triển khai đồng loạt các cửa hàng, DN kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn. Lấy năm 2012 là năm trọng điểm của công tác kiểm tra nhằm góp phần củng cố trật tự trong kinh doanh xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng.

Hoàng Việt - Đình Phú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.