Cảnh sát Anh sẽ đến Libya điều tra vụ Lockerbie

16/12/2011 08:59 GMT+7

(TNO) Cảnh sát Anh sẽ đến Libya để điều tra vụ đánh bom Lockerbie năm 1988 và vụ sát hại một nữ cảnh sát ở London chưa được làm sáng tỏ hồi năm 1984.

(TNO) Cảnh sát Anh sẽ đến Libya để điều tra vụ đánh bom Lockerbie năm 1988 và vụ sát hại một nữ cảnh sát ở London chưa được làm sáng tỏ hồi năm 1984.

Thứ trưởng Ngoại giao Anh Alistair Burt, người đã gặp các bộ trưởng Libya tuần qua, nói với hãng tin Reuters trong một cuộc phỏng vấn ngày 15.12 rằng, giới chức tại Tripoli đã cho phép cảnh sát Dumfries và Galloway (ở Scotland) và cảnh sát London đến Libya thực hiện các cuộc điều tra mới về hai vụ việc không rõ ràng xảy ra dưới thời của nhà lãnh đạo quá cố Muammar Gaddafi.

Ông Burt, người phụ trách khu vực Bắc Phi và Trung Đông, cho biết chưa xác định ngày giờ cho chuyến công tác của cảnh sát Anh do chính quyền Libya còn nhiều thứ phải giải quyết trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tuy nhiên, ông nói rằng trong các cuộc trao đổi với Bộ trưởng Nội vụ Libya Fawzi Abd al All và Ngoại trưởng Ashour bin Hayal, cả hai quan chức đều thừa nhận tầm quan trọng của những vấn đề do chính quyền cũ để lại. 

Những vấn đề này bao gồm vụ đánh bom một máy bay Mỹ trên bầu trời Lockerbie, vụ giết nữ cảnh sát Yvonne Fletcher bên ngoài Đại sứ quán Libya ở London và viện trợ London cho các tay súng của Quân đội Cộng hòa Ireland trong 30 năm bạo lực ở Bắc Ireland.

Fletcher, 25 tuổi, thiệt mạng sau khi bị trúng đạn bắn ra từ Đại sứ quán Libya trong một cuộc biểu tình chống ông Gaddafi. Sau 11 ngày bao vây, 30 người Libya trong đại sứ quán bị trục xuất và không ai bị buộc tội giết người.

Abdel Basset al-Megrahi năm 2001 bị kết tội “đóng một vai trò quan trọng trong việc “hoạch định và gây ra” vụ đánh bom chuyến bay Flight 103 của hãng Pan Am trên bầu trời Lockerbie, làm thiệt mạng 270 người, bao gồm 189 người Mỹ.

Al-Megrahi bị kết án chung thân với mức án tù tối thiểu 27 năm nhưng đã trở về Libya vào tháng 8.2009, sau khi được phóng thích khỏi một nhà tù ở Scotland với lý do người này bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối. Al-Megrahi vẫn sống cho đến ngày hôm nay.

Quyết định phóng thích đã làm thân nhân của nhiều gia đình nạn nhân phẫn uất và gây căng thẳng quan hệ Anh-Mỹ, do nhiều chính trị gia Mỹ nghi ngờ vụ việc được dàn xếp để giúp tập đoàn BP có được các hợp đồng ở Libya.

Thủ tướng Anh David Cameron, người lên cầm quyền vào tháng 5.2010, đã coi việc phóng thích là một sai lầm. Tuy nhiên, Scotland dù thuộc thành phần Vương quốc Anh nhưng có hệ thống pháp lý riêng.

Vào tháng 8, một tờ báo Anh đưa tin giới chức Libya biết hành tung của nhà cựu ngoại giao bị truy nã trong vụ giết nữ cảnh sát Fletcher.

Cũng trong tháng đó, giới chức Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau về việc liệu họ có cho phép bất kỳ nghi can nào được xét xử ở nước ngoài hay không.

Anh là nước đóng vai trò hàng đầu trong chiến dịch không kích của NATO giúp lực lượng NTC lật đổ ông Gaddafi vào tháng 8.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.