Cháy lớn tại tòa nhà EVN

16/12/2011 01:22 GMT+7

Hôm qua, gần 300 người thuộc lực lượng PCCC Hà Nội đã được huy động để cứu cháy tại tòa nhà công trình xây dựng tháp Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông điện lực Việt Nam 33 tầng (tại 11 Cửa Bắc, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội). Đó là chưa kể lực lượng tăng cường của Cục PCCC, Bộ Công an, lực lượng của Bộ Tư lệnh thủ đô, cùng công an địa phương.

Hôm qua, gần 300 người thuộc lực lượng PCCC Hà Nội đã được huy động để cứu cháy tại tòa nhà công trình xây dựng tháp Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông điện lực Việt Nam 33 tầng (tại 11 Cửa Bắc, P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội). Đó là chưa kể lực lượng tăng cường của Cục PCCC, Bộ Công an, lực lượng của Bộ Tư lệnh thủ đô, cùng công an địa phương.

>> Cháy lớn tại tòa nhà 33 tầng của EVN

Khói đen bao trùm

 
Hiện trường vụ cháy lúc 16 giờ 15 phút hôm qua - Ảnh: Minh Sang

16 giờ 15 phút, tại tầng hầm công trình đang xây dựng bốc cháy dữ dội, kèm theo khói đen bao phủ toàn bộ khu vực. Hàng chục công nhân, nhân viên, kỹ sư đang thi công trong tòa tháp hốt hoảng tìm cách thoát thân qua cầu thang bộ, cũng như thang dây. Tới 16 giờ 45 phút, Sở Cảnh sát PCCC đã điều hơn 20 xe chữa cháy cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ tới hiện trường để dập lửa. Cùng thời gian, các tuyến phố tiếp giáp như Yên Phụ, Phạm Hồng Thái được phong tỏa để phục vụ công tác PCCC.

Khả năng chữa cháy không “cao” kịp các tòa nhà

Sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại tòa chung cư JSC 18 tầng trên đường Khuất Duy Tiến vào tháng 3.2010 khiến 2 người thiệt mạng, chỉ trong vòng một năm trở lại đây TP.Hà Nội đã xảy ra hàng loạt vụ cháy nhà cao tầng khác.

Ngày 2.6.2011, tòa nhà 28 tầng ở phố 57 Láng Hạ phát cháy, bốc khói khét lẹt khiến hàng trăm cư dân đang sinh sống và làm việc tại đây, trong đó có nhiều trẻ nhỏ đã hốt hoảng chen chân tháo chạy theo thang bộ xuống đất.

Ngày 16.7.2011, tòa nhà Toserco số 273 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội bị chập điện phát cháy khiến hàng chục nhân viên đang làm việc tại tòa nhà tháo chạy ra ngoài.

Ngày 27.8, tại tầng 6, tổ hợp tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam xảy ra cháy do công nhân bất cẩn gây chập điện khiến toàn bộ công trường phải tạm dừng thi công.

 Đại tá Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở PCCC TP.Hà Nội cho biết, qua kiểm tra lực lượng này phát hiện nhiều cao ốc trên địa bàn Hà Nội hiện nay không đảm bảo các tiêu chuẩn về PCCC. Đáng chú ý, trong khi các tòa nhà ngày một cao, thì khả năng chữa cháy của các lực lượng chức năng Hà Nội lại không cao theo kịp. Ông Nghi cũng nhìn nhận, phương tiện xe chữa cháy hiện chỉ đảm bảo cứu hỏa đến độ cao 53m, tương đương tầng 17, nhưng Hà Nội có hàng trăm tòa nhà trên 20 tầng. Mặt khác, VN chưa có tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy cho các tòa nhà trên 30 tầng nên, ngoài trang thiết bị tự ứng cứu ở các chung cư cao tầng hiện nay, khi xảy ra cháy nổ, những người sinh sống trong tòa nhà phải tự cứu mình là chính.

Vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại tòa tháp cao tầng đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân khu vực lân cận và người đi đường khiến việc ra vào phố Cửa Bắc hết sức khó khăn, Công an phường Trúc Bạch đã phải huy động toàn bộ lực lượng công an và dân phòng ra giữ trật tự. Do khói thoát ra từ tầng hầm của tòa tháp quá dày và ngày một nhiều nên lực lượng chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường bằng đường hầm hoặc cầu thang. Toàn bộ các tầng từ tầng 6 đến tầng 10 quay ra mặt phố Cửa Bắc không thể quan sát do bị khói đen bao trùm và bắt đầu lan sang các tầng trên. Khoảng 40 công nhân đang làm việc trong tòa nhà đã lên các tầng trên phát tín hiệu cấp cứu.

Nhiều xe thang được điều tới, nhưng do độ cao của các xe thang này không thể vươn tới các tầng trên 20, nên số công nhân chỉ biết đập vỡ cửa kính và đứng chờ. Trước tình huống trên, lực lượng chữa cháy đã phải dùng những ròng rọc, thang vận của công trình để đưa số người này xuống.

Rất nhiều cảnh sát được trang bị mặt nạ ô xy để thâm nhập vào tòa nhà qua lối tầng hầm, nhưng chỉ vài phút sau các anh đã phải quay ra do quá ngạt thở.

Mặt mũi đen nhẻm vì ám khói, anh Nguyễn Huy Học, một công nhân vừa thoát ra khỏi tòa tháp, hốt hoảng kể lại: “Khi một nhóm thợ đang hàn tại khu vực tầng hầm của tòa nhà, đã không may để tia lửa bắn vào đống vật liệu bảo ôn của hệ thống điều hòa, nên chẳng bao lâu đám cháy đã lan rộng”.

11 công nhân bị thương

Đến 19 giờ 15, phía dưới tầng hầm, hàng chục vòi nước cứu hỏa vẫn không ngừng phun nước để ngọn lửa không lan rộng. Phía bên hông tòa tháp, lực lượng cứu hỏa cùng các chiến sĩ bộ đội vẫn khẩn trương đập vỡ cửa kính để khói đen thoát ra và đưa các công nhân xuống chân tòa tháp bằng ròng rọc. Tới 20 giờ 30 phút, trên một vài tầng cao vẫn còn những ánh đèn pin của những nạn nhân cần cứu giúp phát ra từ tòa tháp.

21 giờ tối qua, PV Thanh Niên có mặt tại Khoa Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, nơi 11 nạn nhân được đưa tới trong tình trạng ngạt khói, có người bị ngất và hoảng loạn. Hai người bị thương nặng nhất là ông Nguyễn Văn Lung (45 tuổi) và anh Nguyễn Văn Thịnh (21 tuổi) ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Các nạn nhân này được đưa đến trong tình trạng toàn cơ thể bị ám khói, ngạt nặng và được các bác sĩ cho thở bằng bình ô xy. Họ đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo trở lại. Anh Nguyễn Văn Hưng, cùng làm việc với 2 nạn nhân trên cho biết, nhóm của anh gồm 8 người đều ở Nông Cống, được thuê để dọn vệ sinh. “Trong khi chúng tôi đang dọn dẹp tầng hầm thì thấy khói bốc mù mịt, không ai bảo ai tất cả cố chạy thật nhanh để thoát thân, do khói nên không nhìn rõ đường, cứ đâm hoảng loạn theo lối thang bộ”, anh Hưng kể.

21 giờ 5, khói đen dưới tầng hầm đã được dập, nhưng lực lượng bộ đội, cùng chữa cháy chuyên nghiệp vẫn ứng trực, công tác tìm kiếm số người còn lại trên tòa tháp vẫn tiếp tục.

Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó giám đốc Sở PCCC TP.Hà Nội, xác nhận ngoài những công nhân bị thương, vụ cháy không có tử vong. Thời điểm xảy ra cháy có khoảng 40 công nhân đang làm việc từ tầng 11 đến tầng 34. Do khói bốc cao gây ngạt khiến nhiều công nhân hoảng loạn chạy tìm chỗ thoát thân, dẫn đến bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng. Đại tá Thiều cũng cho biết, chưa xác định được nguyên nhân gây cháy, tuy nhiên lực lượng chức năng phát hiện dưới tầng hầm có nhiều mút xốp, các vật liệu dễ xảy ra hỏa hoạn. Đặc biệt, toàn bộ tòa nhà chưa được lắp đặt hệ thống PCCC.

Từng bị khiếu kiện liên quan đến đấu thầu

Tòa tháp đôi Trung tâm điều hành và thông tin viễn thông điện lực VN (trực thuộc Tập đoàn điện lực VN - EVN) bao gồm 2 tòa nhà: khối A cao 33 tầng và khối B cao 29 tầng, với chiều cao tối đa 147m, có diện tích khoảng 14.000m2. Công trình có quy mô 3 tầng hầm, mỗi tầng hầm rộng khoảng 6.600m2. Dự án này từng có chuyện ồn ào xung quanh quá trình đấu thầu xây dựng hồi cuối năm 2006, một nhà thầu khi đó là Liên danh Hà Nội (TCT xây dựng Hà Nội và Công ty xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta) sau khi bị loại đã phát đơn khiếu nại gửi các cơ quan chức năng vì nghi ngờ sự minh bạch trong đấu thầu dự án.

Sau đó, EVN đã trao hợp đồng thi công phần thô và hoàn thiện của công trình cho Liên danh Vinaconex JSC, Công ty Bachy Soletanche VN (BSV) với tổng trị giá gói thầu hơn 570 tỉ đồng. Trong đó, Persi đảm nhận việc thi công lắp đặt thiết bị và lắp đặt hệ thống điện trong tòa nhà. Vào thời điểm đó, nhiều chuyên gia xây dựng nhìn nhận, việc lựa chọn công nghệ neo bê tông khi xây dựng tầng hầm của Liên danh Bachy tốn kém gấp 7 lần so với phương pháp thi công top - down của Liên danh Hà Nội. Tổng mức đầu tư của toàn dự án theo dự kiến ban đầu là 2.000 tỉ đồng, trong đó vốn vay thương mại chiếm tới 50%.

Dự án dự kiến hoàn thành từ cuối năm 2010, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thiện. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ là trụ sở làm việc chính của Tập đoàn EVN.

M.Hà

Minh Sang - Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.