Ô nhiễm bao vây các điểm di tích Huế

16/12/2011 01:57 GMT+7

Rất nhiều di tích ở Huế đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ngành du lịch và cả việc bảo tồn di tích.

Rất nhiều di tích ở Huế đang bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến ngành du lịch và cả việc bảo tồn di tích.

Báo cáo về chất lượng nguồn nước tại các địa bàn có di tích vừa được Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế (BTDTCĐ) công bố, sau đợt khảo sát toàn diện và tiến hành phân tích chất lượng nguồn nước tại các địa bàn có di tích nằm trong danh mục di sản thế giới, do Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp Trung tâm phân tích - Trường đại học Khoa học Huế thực hiện từ tháng 3.2011 đến nay.

Kết quả khảo sát, phân tích cho thấy mẫu thu tại các vị trí Hộ Thành hào (tại cửa Đông Ba), sông Ngự Hà (đoạn từ cầu Vĩnh Lợi đến đường Lê Trung Đình) có các chỉ số về dư lượng thuốc trừ sâu tại phía đông Hộ Thành hào và hồ Học Hải (Tàng thư lâu) đã vượt quá ngưỡng cho phép của Quy chuẩn VN.

Tại các khu vực di sản hiện có nhiều hộ dân sinh sống, chất thải sinh hoạt hằng ngày (chất thải rắn và lỏng) thải trực tiếp xuống nguồn nước cùng với các hóa chất bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu-bệnh). Đáng báo động là khu vực di sản trong phạm vi TP.Huế như khu vực hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Ngự Hà (trải dài trên địa bàn 4 phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc, Tây Lộc), Ngoại Kim Thủy (đường Đặng Thái Thân - phía bắc hoàng thành, đường Lê Huân - phía tây hoàng thành), Hộ Thành hào (phía đông, phía bắc và phía tây kinh thành), Khe Mụ Niệm (lăng Dục Đức)... mật độ dân cư phát triển dày đặc; hệ thống tiêu thoát nước trong khu vực không được chú trọng và cải tạo; hầu hết nước thải sinh hoạt hằng ngày của người dân (không qua xử lý) đều thải trực tiếp xuống nguồn nước. Mùi hôi thối và mức độ ô nhiễm nguồn nước có thể cảm nhận được rõ ràng.

Đặc biệt ở phía đông kinh thành (phường Phú Bình), tại khu vực Phòng Lộ và Hộ Thành hào (từ pháo đài Đông Vĩnh đến Đông Bình) có hơn 150 hộ dân sống chen chúc. Môi trường sinh thái và vệ sinh trong khu vực là ô nhiễm nghiêm trọng nhất. Việc người dân đào giếng khoan và xây các bể chứa nước ngay trên phần thượng thành của Kinh thành Huế để phục vụ tưới tiêu cho các vườn rau tại khu vực này cũng sẽ có nguy cơ hủy hoại cấu trúc thành lũy của kinh thành, gây sạt lở và thậm chí sẽ tăng nguy cơ sụp đổ các đoạn tường thành trong mùa mưa bão.


Một đoạn Kinh thành Huế trước Hộ Thành hào đang bị ô nhiễm do người dân sinh sống trên kinh thành và trồng rau muống - Ảnh: B.N.L
 

Đối với những khu di sản mà hoạt động du lịch phát triển mạnh như lăng Khải Định, lăng Minh Mạng... môi trường sinh thái cũng đang bị ô nhiễm do rác thải từ khách tham quan và từ các hoạt động dịch vụ tại các điểm di sản này đều không được xử lý theo đúng quy trình (không có thùng đựng rác, không có đơn vị đi thu gom rác). Đặc biệt, tại lăng Khải Định rác thải được tập trung và đổ trực tiếp xuống “minh đường” của lăng là khe Châu Ê.

Theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, hiện nay, dự án chỉnh trang, nạo vét Ngự Hà đang được triển khai, các hộ dân sinh sống trong khu vực 1 khoanh vùng bảo vệ đã từng bước được di dời, giải tỏa. Tuy nhiên, dòng chảy của Ngự Hà vẫn hầu như bị tắc nghẽn do phù sa bồi lấp và việc nạo vét chưa được triển khai đồng bộ. Ở hai đầu vào - ra của Ngự Hà là tây thành Thủy Quan và đông thành Thủy Quan (thuộc địa bàn 3 phường: Phú Thuận, Phú Hòa, Phú Bình) vẫn còn tình trạng bồi lấp, kết hợp với việc cư dân sinh sống chung quanh khu vực này đã và đang tận dụng để canh tác hoa màu, làm ảnh hưởng đến hệ thống thông thủy chính của khu vực nội thành.

Từ kết quả khảo sát trên, Trung tâm BTDTCĐ Huế đang kiến nghị các cơ quan liên quan sớm có kế hoạch nạo vét, khai thông khu vực tây thành Thủy Quan và đông thành Thủy Quan, phối hợp các địa phương có di tích ở ngoài phạm vi TP.Huế về việc thu gom và xử lý rác thải để đảm bảo mỹ quan chung, đồng thời có phương án kiểm soát việc đào giếng khoan và xây bể chứa nước trên thượng thành, lập kế hoạch tiến tới nghiêm cấm hoạt động này để đảm bảo an toàn và duy trì tính chân xác của di sản.

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.