Năm 1983, Steve Jobs lên New York để chiêu mộ người điều hành cho Apple. Ông tới gặp John Sculley, CEO của Pepsi-Cola. Khi hai người đứng trong văn phòng sang trọng của Sculley nhìn qua khu Manhattan sầm uất, vị CEO của Pepsi-Cola thách thức: “Về mặt tài chính, anh phải trả tôi một triệu đô la tiền lương, một triệu đô la tiền thưởng…”. Không chút lưỡng lự, Jobs gật đầu.
Cái gật đầu ấy khiến Sculley sửng sốt, nhưng ông còn sửng sốt hơn trước câu hỏi bạo liệt của Jobs: “Này Sculley, anh muốn ở lại đây để suốt đời đi bán nước ngọt, hay anh muốn thay đổi thế giới?”.
Câu hỏi ấy đã kéo Sculley về California. Cũng chính câu hỏi ấy là mục đích sống của Steve Jobs.
“Thay đổi thế giới” là động lực đã đẩy chàng trai Jobs đến quyết định thành lập Apple và đưa công ty này từ nhà xe của bố mẹ trở thành thương hiệu toàn cầu. “Thay đổi thế giới” cũng là mục tiêu của Jobs khi ông quay lại Apple vào năm 1998, sau thời gian dài phân ly.
“Tôi trở lại Apple không phải để làm giàu”. Jobs đã nói như thế khi trở về để vực dậy một Apple đang thua lỗ. Vâng, ông khởi dựng Apple và phát triển nó thành một đế chế hùng mạnh không phải để làm giàu. Ông làm tất cả để thay đổi thế giới. Và ông đã vươn tới mục tiêu đó, bằng tư duy và hành động khác biệt. Những sản phẩm của Apple lần lượt ra đời, đón đầu các xu hướng công nghệ, như triết lý mà có lần ông đã dẫn lại lời vận động viên khúc côn cầu trên băng Wayne Gretzky: “Tôi luôn lao tới nơi mà vòng banh sắp bay tới, chứ không hì hục chạy đuổi theo nó”. Ở Apple, Jobs và đồng sự luôn tìm đến nơi mà các xu hướng công nghệ sẽ vươn tới, chứ không cố lao vào xu hướng đang thịnh hành. Hay có thể diễn giải theo cách khác, chính Jobs và Apple tạo ra các xu hướng công nghệ, qua đó góp phần định hình tương lai thế giới.
Giữa lúc cả thế giới, các bạn và tôi, đang thụ hưởng những thành quả của tư duy khác biệt mang tên Steve Jobs, thì ông đã rời xa chúng ta. Nhưng, cái chết ở tuổi 56 của Jobs không phải là điểm kết thúc. Trái lại, nó mở ra những chân trời mới. Thế giới đã có dịp nhìn lại sự nghiệp của một con người vĩ đại, một nhà cách mạng không chỉ trong lĩnh vực công nghệ. Đó là nhà cách mạng tư duy, một tư duy nghĩ khác, làm khác để thay đổi thế giới này.
Steve Jobs là một bằng chứng đầy sức mạnh của tư duy khác biệt. Vì thế, khi biên soạn cuốn Steve Jobs - Sức mạnh của sự khác biệt, nhóm làm sách Công ty First News muốn tạo ra một sự khác biệt trong cách xây dựng chân dung của Jobs. Không chọn cách chuyển ngữ một cuốn sách tiếng Anh có sẵn, nhóm đã dày công sưu tầm, tập hợp tư liệu, qua đó vẽ chân dung ông chủ Apple theo cách của mình. Sách dày hơn 300 trang, trọng tâm là phần 1 gồm 13 chương, nói về 13 điểm khác biệt của Jobs. Bên cạnh đó là hình ảnh của Jobs trong công việc, trong đời thường, trên bục diễn thuyết, cũng như cái nhìn so sánh giữa Jobs và Bill Gates. Bìa sách được thiết kế như giao diện điện thoại iPhone, một sản phẩm công nghệ từ ý tưởng khác biệt của Jobs. Trên mặt giao diện ấy, người đọc có thể tìm thấy những câu nói bất hủ của Jobs, cũng như thông số về khoảnh khắc ông ra đi.
Sách do GS-TS Huỳnh Ngọc Phiên chủ biên, First News và NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản tháng 12.2011.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)