Hơn 17 năm kể từ khi phong trào lấy cô dâu Việt ở xứ Đài phát triển rầm rộ tới nay, một thế hệ con lai Việt - Đài ra đời và trưởng thành. Tuy nhiên cũng có không ít lo ngại.
Mất gốc
Mong được giữ quốc tịch Việt Nam Tâm sự với nhiều cô dâu Việt, không ít người cho biết họ rất mong Nhà nước Việt Nam chấp thuận cho giữ lại quốc tịch Việt Nam trong khi họ đã được cấp chứng minh thư Đài Loan. Lý do thật đơn giản: quốc tịch Việt Nam như một bước lùi an toàn, một “bùa hộ mệnh” cho họ nếu chẳng may cuộc sống của họ ở Đài Loan gặp trắc trở. |
Rất nhiều đứa trẻ lai Việt - Đài đều ngơ ngác khi tôi nói chuyện với chúng bằng tiếng Việt, dù chỉ là những từ xã giao đơn giản nhất. Đây cũng chính là điểm chung và rõ nét nhất trong thế hệ trẻ lai Việt - Đài. Em nào giỏi lắm chỉ biết 1 - 2 câu đơn giản, như: xin chào, đói quá... Bé Hoàng Gia Dư, 12 tuổi, và em trai là Hoàng Vũ Sinh, 4 tuổi, cũng không biết một câu tiếng Việt, dù từng về Việt Nam 2 lần. Hỏi mẹ hai bé là chị H.T.M.Linh, 30 tuổi, người Đồng Tháp, đã làm dâu tại TP.Đào Viên 10 năm qua, chị cho biết do lịch học của các bé đã quá nặng, thêm cả học tiếng Anh nên chị chủ trương không dạy con tiếng Việt. “Giờ bắt các con học cả tiếng Việt thì chúng sao học nổi. Sau này lớn hẵng hay”, chị thẳng thắn nói. Bé Trương Gia Trân, 8 tuổi, hiện đang học lớp 2 rất tinh nghịch và lanh lẹ. Cháu và em trai hay được mẹ là Phạm Thu Trang, người Đồng Tháp, đưa đi tham gia các hoạt động xã hội tình nguyện liên quan tới người Việt. Hai cháu cũng được cùng mẹ đại diện cho di dân mới chụp hình cùng lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu tại một điểm vận động bầu cử ở TP.Đài Bắc vào ngày 19.11 vừa qua. Gia Trân khoe cháu biết đếm từ 1-10 bằng tiếng Việt, đã về Việt Nam chơi 5 lần nhưng khi không có mẹ, bé đành chịu, không thể trò chuyện với ông bà ngoại hoặc các bác. “Những lúc đó, cháu toàn im lặng, chả biết làm sao. Mẹ quá bận, không có thời gian dạy tiếng Việt cho chúng cháu”, Gia Trân thổ lộ. Tuy nhiên, Gia Trân và em trai thường được nghe mẹ kể những câu chuyện cổ tích Việt Nam bằng tiếng Hoa. Hai con của chị Nhã Tú (người Đồng Nai, 32 tuổi) cũng không hề biết tiếng Việt, dù đứa nhỏ hiện đang học lớp 5. “Lịch học của bọn trẻ kín lắm, lại phải học cả tiếng Anh nữa, nên mình chưa dạy tiếng Việt cho chúng được,” chị Nhã Tú thanh minh. 3 đứa con của chị Đặng Thị Xuân Diễm, người Đồng Tháp, đang sống tại Vùng đô thị mới Đài Bắc cũng không biết một chữ tiếng Việt.
Các bà mẹ quá bận mưu sinh, không còn thời gian dạy con học tiếng Việt, chứ chưa nói tới việc dạy lịch sử, những phong tục tập quán, văn hóa... của người Việt. Mặt khác, phần lớn những người chồng Đài Loan lấy cô dâu Việt đều xuất thân từ tầng lớp lao động, thu nhập thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên nhiều người trong số họ còn không đủ trình độ và thời gian dạy dỗ con cái, nói gì cho con biết thêm văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ... của quê ngoại.
|
Ước mơ của mẹ và con
“Em rất mong được giữ lại quốc tịch Việt Nam, vì nếu có chuyện gì xảy ra, em vẫn có thể quay về quê hương để sinh sống và làm việc, được hưởng mọi chế độ bảo hiểm chăm sóc”, cô dâu Phan Ngọc Huyền 36 tuổi, người Vĩnh Long, tâm sự. Nhiều cô dâu khác cũng cho biết có một số cô dâu sau khi được cấp chứng minh thư và cư trú hợp pháp tại Đài Loan, bị bệnh, nhưng nhà chồng không quan tâm, một mình trên đất khách rất khổ sở, muốn về quê hương để được gia đình mình chăm sóc thì phải xin visa và gia hạn theo định kỳ, vừa tốn kém, sơ sẩy quên không đăng ký gia hạn thì bị phạt. Vì vậy không ít cô dâu Việt có cảm giác tủi hổ vì mình bị quê hương chối từ. Có cô dâu đã được cấp chứng minh thư Đài Loan (xin giấu tên) cho biết, do sơ suất khi mang con về Việt Nam, cô quên không đăng ký khai báo tạm trú cho con, tới khi về lại Đài Loan, phía công an Việt Nam nhất định không cho xuất cảnh, cô đành phải nhờ Phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc can thiệp mới đưa được con về. Rất nhiều cô dâu Việt sống tại Đài Loan tới hơn 10 năm mới chịu xin cấp chứng minh thư Đài Loan, phần lớn đều cho biết không muốn từ bỏ quốc tịch Việt Nam.
|
Còn bé Trương Gia Trân tiết lộ ước mơ của mình là trở thành một hộ lý, và được về Việt Nam sinh sống vì thích ăn nem và cảm thấy sống ở Việt Nam vui hơn. “Cháu từng ăn tết ở Việt Nam một lần. Được nhận rất nhiều tiền mừng tuổi. Thích lắm”, cô bé hồn nhiên khoe. Gia Trân cũng thừa nhận trong lớp 29 bạn, thành tích của bé chỉ xếp thứ mười mấy, và chỉ học tốt những môn về cuộc sống và môi trường. Lớp Gia Trân cũng có 5 học sinh là con lai, nhưng không bao giờ bị các bạn khác trêu ghẹo hoặc tò mò hỏi về nguồn gốc của mẹ chúng.
Nguyễn Lệ Chi
(từ Đài Bắc)
Bình luận (0)