(TNO) Giấy vẫn có thể được dùng làm màn hình chạm, và ý tưởng này đã được các chuyên gia Nhật Bản chứng minh.
Mọi chuyện diễn ra như thường lệ. Một người chạm tay vào hình ảnh con bướm trên màn hình, và máy tính đọc lên tất tần tật thông tin về loài sinh vật này. Điểm bất thường duy nhất ở đây chính là màn hình trên làm từ giấy, chứ không phải thủy tinh như thường thấy.
Công nghệ đó được gọi là máy tính giấy đa sắc, phát minh của các nhà khoa học Kohei Tsuji và Akira Wakita từ Đại học Keio, Nhật.
Hai chuyên gia Nhật Bản đã sử dụng giấy có thể thay đổi màu sắc nhờ vào mực tinh thể lỏng nhạy cảm với nhiệt độ. Mực được chứa trong các bao nhộng siêu nhỏ nằm ẩn bên dưới.
Dù có vẻ hơi khác thường, nhưng giấy màn hình hoạt động như các màn hình chạm khác. Một lớp mỏng đồng lát phía trên có nhiệm vụ phát hiện những thay đổi nhỏ của dòng điện dưới tác động của động tác chạm. Còn một lớp khác bằng bạc hoạt động như điện cực, trong khi một lớp carbon đóng vai trò của yếu tố nhiệt.
Khi một người chạm lên giấy, lớp đồng nhận ra sự thay đổi về điện dung, gửi tín hiệu xuyên qua lớp điện cực bằng bạc và kích thích lớp carbon nung nóng lớp mực nhạy nhiệt, dẫn đến hiệu ứng thay đổi trên bề mặt màn hình.
Ý tưởng đằng sau phát minh của các chuyên gia Nhật là làm sao mang đến sự tương tác cho giấy thường. Các màn hình chạm được chế tạo khá phức tạp, nhưng sản phẩm cuối cùng lại không được linh hoạt. Giờ đây, với những người muốn sử dụng đặc tính độc nhất vô nhị của giấy, công nghệ này mang đến một giải pháp tuyệt vời mà lại đơn giản.
Phi Yến
(Theo The Verge)
Bình luận (0)