Trên sông Mê Kông, năm 2011 đã xuất hiện một đợt lũ lớn. Những nguyên nhân của trận lũ này được "mổ xẻ" vào hôm qua (16.12) trong cuộc hội thảo do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại TP.HCM.
Hạ lưu ngập nặng, vì sao?
Hệ thống đê bao khép kín bảo vệ lúa thu đông và hè thu, hệ thống lộ có cao trình vượt lũ lớn dọc sông Tiền, sông Hậu và dọc theo các trục kênh lớn ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên,... thực sự trở thành các vật cản có tác động rất lớn đến dòng chảy lũ sông Cửu Long trên đường thoát ra biển. (Đài KTTV khu vực Nam bộ) |
Theo báo cáo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) T.Ư, đỉnh lũ năm nay tại vùng đầu nguồn sông Cửu Long vượt mức báo động (BĐ)3 từ 0,2 - 0,5m, tương đương đỉnh lũ lịch sử năm 1978 và 2002; một số nơi ở hạ lưu như Long Xuyên, Cần Thơ, Mỹ Thuận, Chợ Mới, Mỹ Tho... đã vượt đỉnh lũ lịch sử từ 0,1 - 0,3m. Lũ lớn, duy trì ở mức cao trên BĐ3 trong một thời gian dài gần 1 tháng, đã gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, xã hội tại nhiều tỉnh ở vùng ĐBSCL.
Nguyên nhân lũ lớn - theo Trung tâm dự báo KTTV T.Ư - do tổng lượng mưa từ tháng 6 - 9 trên lưu vực đều cao hơn trung bình nhiều năm từ 30 - 70%, tổng lượng lũ tại vùng trung, hạ lưu đều cao hơn trung bình nhiều năm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng dọc sông cũng như ở vùng đồng bằng châu thổ thay đổi nhiều, ảnh hưởng đến thoát lũ. Mặt khác, trong mùa lũ năm 2011, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi triều cường khá mạnh. Lũ về đúng vào kỳ triều cường cũng làm tăng đỉnh lũ ở vùng ĐBSCL.
Cơ chế truyền lũ từ sông chính vào nội đồng có những thay đổi so với trước đây, dòng chảy chủ yếu tập trung trên dòng chính đổ về hạ lưu, đây cũng có thể là nguyên nhân. Đặc biệt năm nay ảnh hưởng của thủy triều tới Tân Châu và Châu Đốc rất mạnh (cần có nghiên cứu xác định có phải do thủy triều ở biển đã tác động đến hay không?).
Vì sao cơ chế truyền lũ thay đổi? Ông Nguyễn Minh Giám - Phó giám đốc Đài KTTV khu vực Nam bộ - cho biết, địa hình châu thổ Mê Kông nói chung và ĐBSCL nói riêng trong những năm gần đây có nhiều thay đổi bởi các công trình giao thông, thủy lợi và dân sinh, như các hệ thống đê bao khép kín bảo vệ lúa thu đông và hè thu, hệ thống lộ có cao trình vượt lũ lớn dọc sông Tiền, sông Hậu và dọc theo các trục kênh lớn ở vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên... Những công trình này thực sự trở thành các vật cản có tác động rất lớn đến dòng chảy lũ sông Cửu Long trên đường thoát ra biển. Điều này thể hiện rõ ở vùng Tứ giác Long Xuyên trong mùa lũ năm nay do các đê bao hoạt động có hiệu quả, mực nước nội đồng được điều tiết khá rõ rệt, nên chưa đạt BĐ3 trong suốt mùa lũ vừa qua - Trung tâm KTTV tỉnh An Giang, cho biết.
|
Tăng cường năng lực dự báo lũ
Trung tâm dự báo KTTV T.Ư nhìn nhận, do nhiều nguyên nhân, việc dự báo, cảnh báo trước 10 ngày hoặc dài hơn còn nhiều hạn chế và chưa thể đảm bảo sự chính xác. Đài KTTV khu vực Nam bộ cũng nêu lên những tồn tại trong công tác dự báo, đó là bản tin dự báo chưa cụ thể hóa mức độ ngập lụt cho từng tỉnh; dự báo mực nước đỉnh triều cường cuối tháng 9, 10 vẫn nằm trong sai số cho phép, nhưng còn thấp hơn trị số thực xảy ra...
Đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão khu vực miền Nam cũng chia sẻ về những khó khăn trong công tác dự báo lũ do sự phát triển rất mạnh của hệ thống đê bao, bờ bao ở ĐBSCL. Vị cán bộ này cho biết, trong tương lai, các đê bao sẽ tiếp tục được kiện toàn và phát triển thêm nữa, do nhu cầu mở rộng diện tích lúa thu đông của người dân ĐBSCL. Tất nhiên, cần có sự quy hoạch nơi nào nên làm lúa vụ thu đông. Còn theo đại diện Trung tâm dự báo KTTV T.Ư, nếu dự báo KTTV tốt, có thể giảm đến 30% thiệt hại do bão, lũ gây ra.
Mai Vọng
Bình luận (0)