Ngày 17.12 năm ngoái được coi là khởi đầu cho làn sóng chính biến ở Bắc Phi và Trung Đông. Cả bắt đầu lẫn diễn biến, cả kết quả cụ thể và tác động của nó đều gây bất ngờ.
Chuỗi sự kiện này làm khu vực thay đổi sâu sắc và cơ bản hơn rất nhiều các biến động khác trong mấy thập niên qua. Sau một năm, chưa thể nói là làn sóng chính biến ấy đã đi vào hồi kết.
Thay đổi thể chế quyền lực ở Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen, bất an ở một loạt quốc gia khác, cuộc chiến của NATO ở Libya; Israel bị cô lập còn Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và Iran trỗi dậy là những kết quả đáng kể nhất cho tới thời điểm hiện tại. Chính biến đã làm rung chuyển nền tảng quyền lực của tất cả chính phủ trong khu vực, buộc họ phải có đối sách với thành công và thất bại khác nhau.
Ở 4 nước có sự thay đổi chính thể, chính quyền mới đang phải giải quyết hàng loạt khó khăn như kinh tế ngưng trệ, nội bộ xã hội bị phân hóa, đấu tranh quyền lực vẫn rất quyết liệt. Sự thắng thế của các lực lượng Hồi giáo tác động trực tiếp tới quan hệ ngoại giao của các nước này. Một thời kỳ lịch sử mới đã mở ra nhưng nền dân chủ, xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thực sự vẫn còn xa.
Chính biến cũng buộc các nền quân chủ hay quân chủ lập hiến phải tự điều chỉnh và co cụm hơn trước. Cục diện quan hệ và tương quan lực lượng trong khu vực đều đã thay đổi. Một năm đã trôi qua, dư chấn của nó vẫn là thách thức lớn đối với các chính thể mới cũng như cũ.
La Phù
Bình luận (0)