Chiến đấu cơ thế hệ 6

19/12/2011 00:36 GMT+7

Khi máy bay chiến đấu thế hệ 5 vẫn còn đắt đỏ và đang được nhiều bên săn đón thì “hậu duệ” của nó đang được âm thầm phát triển.

Khi máy bay chiến đấu thế hệ 5 vẫn còn đắt đỏ và đang được nhiều bên săn đón thì “hậu duệ” của nó đang được âm thầm phát triển.

Hiện tại, máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ thuộc thế hệ 5 đang ngày càng bán chạy với đơn hàng tới tấp từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan... Bên cạnh đó, Nga cũng đang tích cực phát triển chiến đấu cơ Sukhoi T-50, còn chiếc Thành Đô J-20 của Trung Quốc cũng được cho là thuộc thế hệ 5. Theo đà này, Mỹ sẽ sớm mất thế độc quyền có được trong nhiều năm qua. Vì thế, phải chăng việc Mỹ đẩy mạnh chào bán F-35 là động thái “xả hàng” để chuẩn bị cho ra đời máy bay chiến đấu thế hệ 6?

Siêu chiến đấu cơ

Ngoài F-35, Mỹ còn sở hữu máy bay F-22 Raptor hiện đại hơn và vẫn chưa cho xuất khẩu loại này. Tuy nhiên, có vẻ như Lầu Năm Góc đã “sốt ruột” trước việc sẽ có nhiều nước sở hữu máy bay thế hệ 5. Reuters dẫn một văn bản của không quân Mỹ đề nghị nhanh chóng phát triển lớp máy bay chiến đấu kế sau F-35 và F-22 và được đưa vào sử dụng trước năm 2030.

 
Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Boeing - Ảnh: Flight Global

Nhận định trên tạp chí The Airforce Magazine, chuyên gia John A.Tirpak của Hiệp hội Không quân cho biết phải mất 20 năm để một thế hệ máy bay chiến đấu chính thức được sử dụng kể từ lúc bắt đầu phát triển. Trong khi đó, Nga dự định sẽ chính thức nhận đơn đặt hàng Sukhoi T-50 vào khoảng 2015 - 2016. Trung Quốc cũng sẽ biên chế máy bay Thành Đô J-20 vào năm 2020. Khoảng thời gian này đủ để Mỹ nâng cấp F-22 và F-35 song song với việc tung ra máy bay chiến đấu thế hệ 6 nhằm giữ vững ưu thế về không quân.

Chuyên gia Tirpak cũng cho biết những tiêu chí cần có của máy bay thế hệ 6 theo mục tiêu của Lầu Năm Góc. Trước hết, nó phải đạt đến ngưỡng bội siêu thanh tức tốc độ hơn gấp 5 lần âm thanh. Đây là một cải tiến đáng kể khi F-22 Raptor hiện chỉ bay nhanh tối đa gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh. Không những thế, hiệu suất sử dụng năng lượng cũng được tăng cường tối đa để có thể tác chiến lâu mà không cần phải nạp nhiên liệu. Tất nhiên, khả năng tàng hình phải được ưu tiên và siêu chiến đấu cơ mới sẽ vượt qua được các loại radar công nghệ cao nhạy bén.

 
Quá trình “tiến hóa” của 6 thế hệ máy bay chiến đấu Mỹ - Ảnh: Airforce Magazine

Không những thế, máy bay chiến đấu thế hệ 6 phải đủ sức chống lại các cuộc tấn công điện tử, xâm nhập hệ thống máy tính trung tâm. Toàn bộ hệ thống dây dẫn đều sử dụng công nghệ quang học để chống nhiễu sóng. Loại chiến đấu cơ này còn có thể tấn công hệ thống điện tử và chiếm quyền điều khiển của đối phương. Một điểm ưu việt khác là vũ khí năng lượng. Thời gian gần đây, Mỹ liên tục tiến bộ về vũ khí laser và sóng từ, vốn được kỳ vọng sẽ chiếm ưu thế về tốc độ và sự chính xác trong không chiến.

Boeing hăng hái

Không muốn lại thua cuộc trước Lockheed Martin như lần giành quyền khai thác máy bay chiến đấu thế hệ 5, Boeing đang nỗ lực nghiên cứu phát triển dự án mới.

Ngay từ tháng 6.2008, Boeing tuyên bố nghiên cứu máy bay thế hệ 6 với cả hai loại: điều khiển bình thường và không người lái. Cũng theo hãng này, sản phẩm của họ đặc biệt phù hợp để xuất kích từ tàu sân bay.

Đến năm ngoái, Boeing cho trình diễn mô hình bằng 1/16 kích thước thật của máy bay thế hệ 6 có tên là F/A-XX, theo trang Flight Global, và đặt mục tiêu chậm nhất vào đầu năm sau sẽ chính thức trình diễn các công nghệ tương lai ứng dụng vào dự án này. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, Boeing tin rằng có thể chính thức tung ra máy bay chiến đấu thế hệ 6 F/A-XX trước năm 2025.

Các thế hệ máy bay chiến đấu

Chuỗi thế hệ chiến đấu cơ hiện tại được tính từ khi xuất hiện máy bay sử dụng động cơ phản lực. Trước kia, cứ khoảng 10 năm thì có thêm một thế hệ mới nhưng nay thì phải mất gần 20 năm. Cụ thể: thế hệ 1 thuộc giai đoạn 1944 - 1953, thế hệ 2 là khoảng thời gian 1953 - 1960, thế hệ 3 vào 1960 - 1970, thế hệ 4 kéo dài từ 1970 - 1990, thế hệ 4++ trong khoảng 1990 - 2005, thế hệ 5 bắt đầu từ 2005 đến nay.

Mỗi thế hệ máy bay chiến đấu mới xuất hiện thì lại có một sự đột phá gần như toàn diện ở một tiêu chí nào đó: tốc độ, vũ khí, khả năng xâm nhập... Ví dụ, thế hệ 1 chỉ có súng máy thì thế hệ 2 được trang bị tên lửa phản lực điều khiển tự động kết hợp cùng hệ thống radar mới. Thế hệ 3 lại đột phá về khả năng điều khiển điện tử hoàn toàn và kết hợp đồng bộ giữa định vị với tấn công. Thế hệ thứ 4 là sự hoàn thiện khả năng chiến đấu đa nhiệm và thế hệ thứ 5 tạo đột phá với công nghệ tàng hình.

 

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.