Đường trên cao nối với cầu Thanh Trì (Hà Nội) mới được đưa vào sử dụng đã gây không ít phiền toái cho những gia đình sống ở chung cư Bắc Linh Đàm.
Chị Điệp, nhà CT4B, Bắc Linh Đàm phàn nàn trong lá thư gửi tới Báo Thanh Niên: Khi dọn về chung cư này, những tưởng sẽ được hưởng không khí trong lành, yên tĩnh của một đô thị mới nằm xa trung tâm. Nào ngờ, một con đường trên cao được xây dựng sát nhiều tòa nhà chung cư ở đây khiến người dân thất vọng. Ngày mở cửa ra thì hứng bụi. Nhưng khó chịu nhất là ban đêm, vì đây là đường nối với đường vành đai nên xe tải, xe container chạy ầm ầm suốt. Khổ nhất là những gia đình có người già và trẻ con, cứ giật mình vì tiếng động cơ và rất khó ngủ trở lại...
|
Cũng từ khi cầu vượt chạy qua khu đô thị này, rất nhiều nhà có cửa sổ hướng ra mặt cầu đã phải bỏ một khoản tiền không nhỏ để sửa nhà, thay lại toàn bộ hệ thống cửa sổ, cửa ra ban công... bằng loại cửa cách âm, chống ồn. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ giải quyết được một phần bức xúc vì đóng cửa lại thì đồng nghĩa với việc họ phải sống trong một môi trường thiếu không khí, thiếu gió trời. Mùa đông còn đỡ, mùa hè thì các nhà này phải luôn phụ thuộc vào điều hòa, quạt máy. Tiền điện cũng vì thế mà tăng lên vùn vụt.
Tôi đã có dịp tới Seoul (Hàn Quốc) và một số thành phố ở các nước văn minh, ở bất cứ đoạn đường trên cao hoặc ở trên cầu, nếu chỗ nào sát khu chung cư hoặc cao ốc sẽ luôn được lắp đặt những tấm vách ngăn, trắng mờ, cao khoảng 4-5m. Tấm vách này vừa đảm bảo mỹ quan, vừa hạn chế tiếng ồn, hạn chế khí bụi bay vào các căn hộ; vừa là để tôn trọng sự riêng tư của mỗi gia đình.
Nên chăng, ở những khu dân cư kiểu như chung cư Bắc Linh Đàm và sau này là các dự án khác, nhà nước cần tính đến những ảnh hưởng của công trình đó tới đời sống của người dân. Do vậy, nếu vị trí nào có cầu, đường chạy qua, trong kế hoạch dự trù kinh phí dành để làm những tấm chắn như ở các nước vẫn làm để người dân được nhờ.
Quốc Phong
Bình luận (0)