Mổ xẻ chuyện bạo lực học đường

20/12/2011 00:37 GMT+7

Dù không phải là vấn đề mới nhưng những thông tin đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và một số giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong nữ học sinh”, diễn ra hôm qua 19.12 của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) VN đã khiến nhiều người phải giật mình.

Dù không phải là vấn đề mới nhưng những thông tin đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và một số giải pháp phòng ngừa hành vi bạo lực trong nữ học sinh”, diễn ra hôm qua 19.12 của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) VN đã khiến nhiều người phải giật mình.


Clip nữ sinh đánh nhau tràn ngập trên mạng - Ảnh: CTV

Bùng phát clip đánh nhau

Không thể kêu gọi thanh niên trung thực khi xã hội còn nhiều sự thiếu trung thực

Ông Trần Thế Hồng - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an

Bộ GD-ĐT cho biết từ năm 2009 đến tháng 10.2011, cả nước đã xảy ra 1.558 vụ học sinh (HS) đánh nhau trong và ngoài nhà trường. Đối tượng chủ yếu là HS cuối cấp THCS và THPT. Đáng lưu ý là thời gian gần đây tình trạng HS đánh nhau rồi quay clip tung lên mạng diễn ra ở rất nhiều địa phương và trở thành hiện tượng phổ biến.

Ông Hà Minh Tân, Công an tỉnh Phú Thọ, cho biết trong 3 năm trở lại đây ở Phú Thọ xảy ra nhiều vụ đánh nhau giữa HS, hoặc HS thuê những đối tượng xấu bên ngoài vào tụ tập hành hung. Có vụ HS nữ tụ tập đánh bạn với biểu hiện phạm tội "làm nhục người khác". Theo Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian gần đây vấn đề bạo lực học đường đang ngày một gia tăng với các vụ việc phức tạp, nổi cộm. Gần đây nhất, vào cuối năm 2010 là vụ 1 nữ sinh lớp 11 bị lột áo, cắt tóc tại thị xã Cẩm Phả. Tại Lạng Sơn, Hội LHPN tỉnh cho biết vào tháng 1.2011, một HS nữ đã bị nhóm bạn học lớp 10 Trường THPT Việt Bắc đánh đập thậm tệ rồi quay clip tung lên mạng...

Do quên dạy làm người?

Lý giải về thực trạng trên, ông Trần Thế Hồng, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an cho rằng do môi trường giáo dục không “sạch”. Ông Hồng nói: “Ở nhà trường nhiều năm nay chỉ lo dạy chữ, chạy theo chỉ tiêu lên lớp, thi tốt nghiệp, phổ cập giáo dục, đậu vào đại học mà coi nhẹ, thậm chí quên luôn việc dạy làm người, làm công dân. HS lớp 12 có thể học giỏi nhưng lại không hề biết cách ứng xử văn minh giữa người với người; HS lớp 3 được điểm 10 khi học bài đạo đức “Đoàn kết với thiếu nhi quốc tế” nhưng lại sẵn sàng đánh nhau với bạn trong lớp để dành đọc một quyển truyện tranh...”. Theo ông Hồng, sở dĩ như vậy là do nội dung giáo dục đạo đức - công dân còn bất cập, nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn xã hội, địa phương...  Đặc biệt, ông Hồng cho rằng, trong môi trường giáo dục ở các trường mầm non, tiểu học hiện nay còn có hiện tượng giáo viên đánh đập, lăng mạ HS nên khiến các em học theo rất nhanh.

Còn ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Công tác HS, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “HS trung học hiện nay chưa được trang bị một cách hệ thống các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi. Những kỹ năng sống cần thiết chưa được rèn luyện, nên việc giải quyết mâu thuẫn trong tuổi học trò thường được các em ứng xử một cách tự phát, thiếu kiềm chế và có khi sử dụng vũ lực để đạt được ý đồ của mình”.

Đáng lưu ý, hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, nguyên nhân quan trọng tác động đến hành vi của HS chính là gia đình và xã hội. Ông Trần Thế Hồng nhận định: “Những điều đứa trẻ thấy bố mẹ làm ở nhà, người lớn làm trên đường, công chức làm ở công sở..., chúng đều học hết bằng cách trực tiếp hay gián tiếp” và nhấn mạnh: “Không thể kêu gọi thanh niên trung thực khi xã hội còn nhiều sự thiếu trung thực...”.

Nhiều đại biểu còn cho rằng hành vi bạo lực học đường là do ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ thông tin, một số HS bị tiêm nhiễm từ những đĩa “đen”, các trang web không lành mạnh...

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.