Tháng thi đua cao điểm: Làm giàu từ cá

21/12/2011 00:19 GMT+7

Sinh ra ở miền biển nên chẳng có tấc ruộng cắm dùi, lại không được học hành nhiều, chàng trai Lê Văn Lâm quyết chí làm giàu bằng ngón nghề mà cư dân trong vùng không hề xa lạ. Đó là nghề hấp cá, cái nghề mà người ta còn tếu táo bảo rằng ấy là việc “lên đời” cho cá tôm.

Sinh ra ở miền biển nên chẳng có tấc ruộng cắm dùi, lại không được học hành nhiều, chàng trai Lê Văn Lâm quyết chí làm giàu bằng ngón nghề mà cư dân trong vùng không hề xa lạ. Đó là nghề hấp cá, cái nghề mà người ta còn tếu táo bảo rằng ấy là việc “lên đời” cho cá tôm.

Tìm về Cửa Việt (H.Gio Linh, Quảng Trị), một thị trấn nhỏ nằm án ngữ giữa hạ lưu sông Hiếu và biển Đông, hương vị mặn mòi của nắng gió như tỏa khắp các nóc nhà của làng chài. Dù “mùa vụ” chính đã qua được 2 tháng trời, nhưng cơ sở hấp cá của chàng trai 27 tuổi vẫn đỏ lửa. Một cái bắt tay thật chặt, một tiếng cười thật vang, anh bỗ bã làm quen với tôi: “Là dân chài chính cống, không sống nhờ cá tôm thì sống bằng gì nữa… Chỉ có điều là con cá khi qua tay tôi thì nó đã có “giá” hơn nhiều”.

Tuổi thơ của Lâm cũng như bao đứa trẻ làng chài khác. Đó là quãng thời gian phơi mặt giữa nắng trời cát bỏng, chỉ biết đùa chơi cùng những con còng và những ngọn sóng bạc đầu. Lâm cũng không thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “dân chài ít học”, bởi hết cấp 3 anh đã rẽ ngang cùng với cha chú mình lần theo những luồng cá tôm ngoài khơi xa sóng gió. Nhưng biển cả không chỉ có những ngày bình yên lặng lẽ mà còn có cả bão tố, mưa giông. Tính mạng của Lâm và những người thân trong gia đình không biết bao lần tròng trành cùng chiếc thuyền đánh cá giữa bốn bề là nước. “Người ta nói nghề đi biển “ăn cám trả vàng” là vậy, quăng quật chắt chiu cả đời mà chỉ một lần gặp họa là coi như trôi tuột luột hết cả” - Lâm rùng mình.

 
Là dân chài chính gốc, Lê Văn Lâm quyết chí làm giàu từ con cá con tôm - Ảnh : Nguyễn Phúc

Bỏ biển, nhưng Lâm thực sự đau đầu vì không biết “khởi nghiệp” từ đâu ở cái làng chài nghèo khó này. Đã có một vài lời rủ rê mời gọi anh thoát ly để tìm vận hội hoặc thậm chí chèo kéo làm những công việc không mấy “thơm tho”… “Suy đi tính lại, việc vi phạm pháp luật thì mình không làm được, sức dài vai rộng lại không có nên tôi quyết sống tiếp cùng con cá, con tôm. Tôi chọn nghề hấp cá bởi dù sao gia đình tôi cũng có chút kinh nghiệm, vùng biển bãi ngang Cửa Việt này lại có rất nhiều cá nục, cá cơm. Mỗi mùa ngư dân đánh về cả trăm, cả ngàn tấn nên chẳng bao giờ lo thiếu nguyên liệu…” - Lâm giảng giải rất logic.

Lâm đánh liều mượn sổ đỏ mảnh đất của bố mẹ thế chấp ngân hàng vay gần 150 triệu đồng để đầu tư thuê 5.000m2 mặt bằng, đóng vỉa đựng cá, xây lò hấp cá. “Nếu đổ bể thì cả nhà phải ra đường nhưng lúc ấy tui cũng “đánh bạc” với hắn chớ biết mần răng…” - bố Lâm, một người đàn ông sống trên biển nhiều hơn trên đất liền, nhớ lại.

Những ngày đầu, Lâm gặp  nhiều lợi thế, bởi nhân công tại địa phương khá dư thừa, nhất là cánh phụ nữ rất rảnh rỗi trong khoảng thời gian chờ chồng con đi đánh cá. Phần nữa, nhu cầu tiêu thụ cá hấp cũng rất lớn. Nhưng rồi thương trường cũng đã dạy cho Lâm lớn lên với những vết đòn đau. “Mới ổn định được thì cách đây ba năm tôi bị chủ nậu thu mua chạy làng gần 480 tấn cá hấp. Vốn liếng mất sạch, may nhờ có sự động viên của gia đình bè bạn, tôi mới có thể gồng dậy tiếp tục với nghề…” - Lâm tâm sự.

Giờ đây khi đã dạn dày kinh nghiệm làm ăn, cơ sở hấp cá của Lâm đã thu hút gần 30 nhân công trong vùng, mỗi người thu nhập từ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày công. Cũng theo Lâm, vào mùa cao điểm, mỗi ngày cơ sở của anh hấp từ 3,5 đến 5 tấn cá tươi, chủ yếu là cá nục và cá cơm, trừ chi phí mỗi mùa thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Bằng những thành quả trên, Lâm vừa vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ 6 (năm 2011) vinh danh gương nhà nông tiêu biểu trong phong trào thanh niên nông thôn sản xuất giỏi, tiếp thu tốt thành tựu khoa học kỹ thuật, làm giàu cho bản thân và đóng góp vào công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn miền Trung - Tây nguyên.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.