Sau bài Bất ổn tại 4 doanh nghiệp xăng dầu lớn đăng trên Thanh Niên ngày 20.12, rất nhiều bạn đọc đề nghị cần xem xét lại năng lực quản lý cũng như phải tuyển dụng những người có thực tài để vận hành doanh nghiệp (DN) xăng dầu.
Chờ động thái tích cực từ Bộ Tài chính
Trong khi giá xăng dầu thế giới giảm liên tục mà giá trong nước không giảm, thậm chí cứ tăng thì người tiêu dùng nghĩ ngay đến việc quản lý có vấn đề. Không biết lần này sau khi "điểm mặt" các DN bất ổn, chỉ ra được các con số lời lỗ cụ thể rồi, Bộ Tài chính có động thái tích cực gì nữa, hay chỉ đến đây rồi dừng lại? Hồng Minh (hoahongyen@yahoo.com)
Phải xử lý
Lãnh đạo một tổng công ty kinh doanh độc quyền mà không nắm được thực chất chuyện lời lỗ thì tôi nghĩ nên từ chức. Việc kiểm toán đã hoàn tất, bây giờ chỉ còn chờ phải xét xử những vị lãnh đạo của các công ty này ra sao? Lý An Thành (lyanthanh@gmail.com)
Mạnh dạn thay đổi
Nhìn từ nhiều khía cạnh, các tập đoàn và DN nhà nước làm việc theo kiểu "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Lấy tiền nhà nước đầu tư lung tung, không kiểm soát hết lại kêu lỗ rồi tăng giá, bắt người dân gánh chịu. Thiết nghĩ những người không có năng lực lãnh đạo thì nên loại trừ. Có mạnh dạn thay đổi thì mới mong tạo được sự đột phá tích cực. Minh Hải (minhhai473@yahoo.com)
Bị móc túi công khai
Thật xót xa cho người tiêu dùng Việt Nam. Việc các DN làm ăn gian dối, vì lợi ích cục bộ đã dần trở thành mặc nhiên. Các DN kinh doanh xăng dầu đang dựa trên thế mạnh độc quyền để móc túi người tiêu dùng. Bao giờ người tiêu dùng mới thoát khỏi cảnh móc túi công khai? Minh Bạch (nmthanh@cantho.gov.vn)
Trần Hải Đăng (P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM): Lãi trong DN nhà nước (hay nhà nước nắm phần chủ đạo) là của dân, không phải tiêu xài thế nào cũng được. Cần phải có người chịu trách nhiệm về sự gian dối này! Trần Tiến Dũng (Thành Thái, P.14, Q.10, TP.HCM): Dĩ nhiên các tổng công ty xăng dầu biết việc chi hoa hồng nhiều sẽ gây lỗ, vậy tại sao họ vẫn cứ làm? Theo tôi đây là cách bắt tay lấy tiền nhà nước thôi. Nguyễn Văn Thuận (Hậu Giang, P.11, Q.6, TP.HCM): Thật bất ngờ khi nghe tin một đơn vị kinh doanh mà đầu tư ra ngoài ngành chiếm 38% vốn điều lệ. Kinh doanh lỗ mà đi đầu tư cả chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng. Không thể chấp nhận được. Thiên Long |
Bình luận (0)