Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong phòng, chống tham nhũng

21/12/2011 17:53 GMT+7

Muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn cần đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chú trọng các biện pháp mạnh như công khai minh bạch, cải cách hành chính, kiểm tra cán bộ, thanh tra công vụ.

Muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn cần đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chú trọng các biện pháp mạnh như công khai minh bạch, cải cách hành chính, kiểm tra cán bộ, thanh tra công vụ. 
 
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh yêu cầu này trong buổi làm việc với tỉnh Hải Dương sáng 21/12 về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Hải Dương, ngay sau khi có Nghị quyết của Trung ương, tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều hội nghị, ban hành nhiều văn bản nhằm quán triệt việc thực hiện Nghị quyết đến cấp cơ sở.

 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng chống tham nhũng. Ảnh: Chinhphu.vn

Tỉnh ủy Hải Dương đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra tại các địa phương, đơn vị, qua đó, đã thu hồi đất của 74 doanh nghiệp đầu tư chậm tiến độ với diện tích 169ha đất, kiểm tra trực tiếp 135 đảng viên có dấu hiệu liên quan đến tham nhũng, lãng phí, đã kết luận thi hành kỷ luật 70 trường hợp.

Về thanh tra kinh tế-xã hội, trong 5 năm qua, tỉnh đã tiến hành 2.339 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế hơn 104 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật 152 người, chuyển cơ quan điều tra 4 vụ. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo 5 năm qua đã thu hồi tiền về ngân sách hơn 2 tỷ đồng, thu hồi 28.163 m2 đất, xử lý hành chính 1 tập thể, chuyển cơ quan điều tra 13 vụ. Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử theo trình tự sơ thẩm 12 vụ với 38 bị cáo phạm tội về tham nhũng, phạt tù 33 bị cáo, cho hưởng án treo 5 bị cáo, bị cáo có mức hình phạt cao nhất là 11 năm…

Báo cáo với Đoàn công tác, lãnh đạo các cơ quan nội chính tỉnh Hải Dương cho biết, trong 5 năm qua, đã khởi tố được 15 vụ, xét xử 13 vụ, 38 bị cáo, chủ yếu ở cấp thôn, xã, nhiều vụ việc phức tạp kéo dài, có vụ án kéo dài đến 2 năm.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, kinh nghiệm cho thấy, đơn vị nào nào làm tốt việc công khai minh bạch, giám sát thì nơi đó khiếu nại tố cáo sẽ bớt đi, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Từ đó, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kiến nghị việc công khai minh bạch phải thực chất để nhân dân giám sát, đồng thời có cơ chế giám sát ngay đối với các cơ quan tố tụng. Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách đồng bộ, sự phối hợp nhịp nhàng thì vai trò chỉ đạo, điều phối của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mới đạt hiệu quả như mong muốn.

Lãnh đạo các bộ ngành dự buổi làm việc cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả của công tác này, từng thành viên Ban chỉ đạo cần phát huy hết vai trò của mình. Bên cạnh đó, cần tăng cường điều phối của Ban Chỉ đạo đối với các cấp các ngành của địa phương, từ đó bám vào các văn bản chỉ đạo của cấp trên cũng như căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị mình mà có các giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Hải Dương là một trong số ít các địa phương triển khai Nghị quyết Trung ương 3 sâu rộng và bước đầu có chuyển biến tích cực với nhiều nội dung, giải pháp mới.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, kết quả trên chỉ là bước đầu. Do đó, để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn cần tổ chức bài bản, cụ thể hơn nữa, trong đó đề cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, chú trọng các biện pháp mạnh mẽ như công khai minh bạch, luân chuyển cán bộ, cải cách hành chính, kiểm tra cán bộ, thanh tra công vụ, nhất là đẩy mạnh giám sát của nhân dân, đại biểu HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội.

Nhằm tạo sự răn đe, phòng ngừa, cần xử lý nghiêm những trường hợp đã phát hiện trong lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản; kiên quyết xử lý người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng và không né tránh, nể nang trong quá trình xử lý, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Bên cạnh đó, cần biểu dương những điển hình tiên tiến trong phòng, chống tham nhũng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cần hoạt động chủ động, tích cực, tăng cường sức mạnh thông qua phát huy vai trò của từng thành viên, đồng thời, Ban chỉ đạo phải tham mưu cho lãnh đạo về cơ chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một quá trình lâu dài, phải kiên trì với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực và nghiêm minh. Coi trọng xây và chống, tạo sự đồng thuận, tham gia của nhân dân để công tác này ngày càng đạt hiệu quả cao hơn, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.