Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, điệp khúc "lỗ, tăng giá" mà các doanh nghiệp (DN) xăng dầu sử dụng trong suốt thời gian qua chỉ là chiêu “ve sầu thoát xác”. Để cho công ty “mẹ” lỗ, còn “con” thì lãi nhằm gây áp lực đòi tăng giá xăng, tăng hoa hồng đại lý, giữ và giành giật thị phần của nhau.
Cố tình lỗ
''Lỗ “mẹ”, thông qua việc chuyển lợi nhuận sang công ty “con”, bản chất cũng là chuyển giá nhằm bớt phải nộp thuế, nộp tiền vào ngân sách'' - TS Lê Đăng Doanh
TS Doanh khẳng định, về nguyên tắc kinh doanh, không một DN nào thích bán hàng dưới giá vốn cho đối tác để chấp nhận thua lỗ. Ví dụ, nếu giá thị trường của một lít xăng là 22.000 đồng, giá vốn 20.000 đồng, DN bán cho các bạn hàng của mình thấp hơn giá bán lẻ nhưng không thể thấp hơn giá vốn, như vậy họ sẽ phải gánh chịu thua lỗ. Nhưng trong vòng 9 tháng kể từ đầu 2011, theo kết luận của đoàn kiểm tra (Bộ Tài chính), Tổng công ty (TCT) xăng dầu (Petrolimex) liên tục bán cho các thành viên của mình, và kể cả đại lý ngoài hệ thống với giá thấp hơn giá vốn rất nhiều. Cụ thể, nếu tháng 1, mỗi lít xăng CT “mẹ” trích cho các thành viên của mình khoảng 300 đồng, thì đến tháng 7 và tháng 8 được tăng lên 600 - 700 đồng/lít. Với định mức chi phí kinh doanh theo quy định không quá 600 đồng/lít, chiêu này khiến Petrolimex càng ngày càng lỗ to. Từ tháng 1 đến 9, khoản chênh lệch do bán dưới giá vốn lên tới 847 tỉ đồng, gián tiếp làm cho TCT bị lỗ 1.840 tỉ đồng, riêng CT “mẹ” lỗ 1.670 tỉ đồng.
Trả lời báo chí về hành vi trên của DN, ông Lê Hoàng Hải - Cục phó Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - nói: “Sự việc này đoàn kiểm tra đang kiến nghị làm rõ vì hiện vẫn chưa thể kết luận có hiện tượng lỗ “mẹ”, lãi “con” chuyển giá ở DN này hay không. Nhưng trên thực tế khi chiết khấu càng cao thì DN bán hàng sẽ càng lỗ và đại lý sẽ càng có lợi”. TS Lê Đăng Doanh nói thẳng, cần phải làm sáng tỏ bởi lỗ “mẹ”, thông qua việc chuyển lợi nhuận sang CT “con”, bản chất cũng là chuyển giá nhằm bớt phải nộp thuế, nộp tiền vào ngân sách. Ngoài ra, theo lẽ thường trong kinh doanh xăng dầu, các đại lý, tổng đại lý phải phụ thuộc vào CT cung ứng, nhưng giờ CT cung ứng phải chiều họ. “Tăng phí hoa hồng như vậy chắc chắn có sự bắt tay, móc ngoặc ở đây giữa CT xăng dầu và đại lý. Cần phải thanh tra làm rõ, xử lý chứ không thể bắt người tiêu dùng gánh chi phí hết sức vô lý này”, ông Doanh nói.
|
Chắc chắn gian lận
Phó viện trưởng Viện Khoa học tài chính Nguyễn Ngọc Tuyến cho rằng thông thường các hành vi chuyển giá chỉ xuất hiện tại các tập đoàn xuyên quốc gia, ở VN muốn xác định được phải thanh tra, kiểm toán để làm rõ. Tuy nhiên, ông Tuyến khẳng định nếu CT “mẹ” chuyển lợi nhuận cho CT “con” hạch toán độc lập, cũng sẽ làm thay đổi lợi ích cục bộ của toàn TCT. Khi đó, CT “mẹ” sẽ bớt được phần thuế, phần nộp ngân sách cho nhà nước. Trong trường hợp của Petrolimex, theo ông Tuyến có thể khẳng định ngay hành vi bán dưới giá vốn là hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, phải bị xử phạt. Còn động cơ có thể nhìn thấy rõ như ban ngày là vin vào lý do bình ổn giá, thích lỗ to để dọn đường đòi tăng giá, chấp nhận bán lỗ để nuôi các đại lý, sợ mất thị phần, mất độc quyền.
PGS Vũ Công Ty, Học viện Tài chính, cũng cho rằng mục đích chính chuyển lợi nhuận cho CT “con”, để CT “mẹ” không phải nộp thuế, bớt được thuế thu nhập DN phải nộp cho nhà nước. “Nếu để CT “mẹ” lãi lớn sẽ phải nộp thuế nhiều hơn còn nếu chuyển sang CT “con”, đặc biệt CT cổ phần, lợi nhuận đó không phải nộp thuế lại vẫn được chia cổ tức. Bộ Tài chính kết luận chi hoa hồng sai hơn 500 tỉ đồng, thông qua bán cho thành viên, đại lý thấp hơn giá vốn rồi, nhưng nếu giải thích nhằm bình ổn thì cũng không thể thấp hơn giá vốn được. Đây rõ ràng là gian lận”, PGS Ty nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng bất kể CT nước ngoài hay trong nước, cứ “mẹ” bán cho “con” thấp hơn giá thành chắc chắn là chuyển giá. Mục đích, tạo lợi nhuận cho CT “con” để “mẹ” hưởng lợi, còn “mẹ” bớt thuế, bớt phần trách nhiệm với ngân sách nhà nước, gây thiệt hại cho nhà nước.
Anh Vũ
Bình luận (0)