(TNTS) "Mỗi ngày 981 bà mẹ đã chết trong thời khắc quan trọng nhất, khi họ đang làm điều tự nhiên nhất: sinh con. Hãy tưởng tượng 2 chiếc máy bay 747 đầy hành khách rơi xuống đất mỗi ngày. Đó không phải là tin trang nhất trên báo ư?"
Thiên đường sinh con
Trời vừa nhập nhòe sáng, bà mẹ thảng thốt choàng tỉnh trên tấm vải bẩn thỉu trải ở miếng đất trống trước một bệnh viện ở Bali, Indonesia. Cơ thể vẫn chưa kịp hết đau đớn sau cơn vượt cạn 3 ngày trước. Bầu sữa bắt đầu căng cứng như muốn vỡ tung. Nhưng tất cả những điều đó không quan trọng. Đôi mắt bà mẹ trẻ sâu hoắm chỉ đau đáu một nỗi niềm duy nhất: được gặp con. "Ở đất nước Indonesia này, việc bệnh viện giữ lại đứa trẻ cho đến khi viện phí được thanh toán đầy đủ là chuyện thường ngày ở huyện", Robin Lim - người phụ nữ trung niên có gương mặt phúc hậu giải thích. Một số nơi nhân đạo hơn thì cho mẹ vào thăm và cho con bú, thay tã cho con 2 lần mỗi ngày. Nếu các sản phụ nghèo may mắn chạy vạy đủ tiền thì được bế con về. Còn nếu họ không may mắn? Họ sẽ mất quyền làm mẹ, bởi đứa trẻ sẽ được đem cho làm con nuôi của người có đủ tiền trả viện phí.
|
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), thu nhập của một gia đình Indonesia trung lưu ở mức 8 USD/ngày. Một ca sinh thường không có bất kỳ biến chứng nào có giá trung bình 70 USD. Còn nếu sinh mổ, con số đó có thể lên tới hơn 700 USD. Chỉ vài số liệu đó cũng đủ cho thấy chuyện những bà mẹ nghèo không có tiền đóng viện phí phổ biến đến độ nào. Chính tình trạng viện phí quá cao so với thu nhập đã góp phần đáng kể vào con số tử vong cao ngất ngưởng ở cả sản phụ và trẻ sơ sinh ở đất nước vạn đảo. "Tình hình rất xấu… Trẻ con bị bỏ mặc, việc sinh con bị thương mại hóa, các bà mẹ chết chỉ vì băng huyết do không có đủ tiền để được chăm sóc y tế", bà Lim giải thích.
"Hãy để cho các bà mẹ được thảnh thơi mà lo lắng về chuyện con họ chào đời có khỏe mạnh hay không, chứ đừng bắt tâm trí họ chỉ choáng ngợp bởi một điều duy nhất: Lấy tiền đâu để trả viện phí sinh con?". Với phương châm đó, bà Lim đã sáng lập 2 nhà bảo sinh miễn phí ở Bali vào năm 2003 và Aceh (Indonesia) năm 2004. Người dân địa phương quen gọi bà là mẹ Lim. Hơn 5.000 đứa trẻ đã chào đời an toàn ở nhà bảo sinh của bà, và những bà mẹ đến đây đều an tâm vượt cạn, không còn thấp thỏm về chuyện có được bế con về nhà hay không nữa. Nhà bảo sinh của bà Lim chính là thiên đường cho những bà mẹ nghèo khai sinh sự sống.
|
Siêu sao cũng như gái điếm
Chính cái thiên đường đầy rẫy gái làng chơi đến sinh con đó đã mang về cho bà Lim danh hiệu Người hùng trong năm 2011 của hãng truyền thông CNN, vốn do công chúng bầu chọn thông qua hãng này. Lên nhận giải thưởng, những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt phúc hậu của người đàn bà 8 con đã chứng kiến bao hỉ nộ ái ố của cuộc đời: "Hôm nay, trên thế giới này, 981 bà mẹ sẽ mất mạng. Ngày hôm qua cũng như vậy và ngày mai cũng sẽ như thế. Tôi tha thiết kêu gọi mọi người hãy giúp thay đổi điều đó. Chúng ta còn không biết bao nhiêu đứa trẻ đã mất đi, nhưng tất cả chúng ta đều có thể giúp thay đổi điều này". Trước đó, khi nhận cú điện thoại từ CNN thông báo bà đã lọt vào danh sách 10 người hùng được nhiều phiếu nhất, Lim đã không tin mà theo bà "chính những bà mẹ vừa mới sinh con trong những căn phòng hẹp tối mập mờ trên khắp hành tinh này mới là những người hùng thật sự".
Đây là năm thứ 5 liên tiếp, hãng truyền thông CNN tổ chức bầu chọn danh hiệu Người hùng của năm, vinh danh những công dân Mỹ bình thường đã góp phần thay đổi thế giới thông qua các đóng góp của bản thân cho xã hội. Danh hiệu này do công chúng bỏ phiếu trong 11 tuần liên tiếp. Với giải Người hùng của năm, Robin Lim được thưởng 250.000 USD, phục vụ cho lý tưởng mà bà đang theo đuổi. Ngoài ra, bà sẽ cùng 9 người khác trong danh sách top 10 người hùng nhiều phiếu bầu nhất của CNN chia nhau 50.000 USD tiền thưởng. |
"Tái cơ cấu" cuộc đời
Trở thành một nữ hộ sinh và sống ở Indonesia là lối rẽ bất ngờ không có trong kế hoạch cuộc đời của Lim. Là một công dân Mỹ có nhà cửa ở đảo Hawaii tươi đẹp, cũng là tác giả của rất nhiều cuốn sách bán chạy về trẻ sơ sinh và chăm sóc bà mẹ, Lim đã "lập trình" sẵn những lựa chọn khác, dễ chịu hơn nhiều cho cuộc đời của riêng mình. "Chỉ trong vòng có một năm, tôi đã mất đi người bạn thân nhất trong đời, cũng là một trong những nữ hộ sinh từng đỡ đẻ cho tôi. Chị của tôi cũng ra đi do biến chứng trong ca sinh thứ 3 của chị. Đứa trẻ cũng không còn. Tôi đã rất đau đớn. Nhưng tôi quyết định không giận dữ. Tôi quyết định trở thành một phần của giải pháp. Nếu như tôi có thể giúp chỉ một gia đình ngăn được sự mất mát một người mẹ hay một đứa con thôi, tôi cũng sẽ làm điều đó".
Thế là Lim cùng với chồng bán ngôi nhà của họ ở Hawaii, chuyển cả gia đình đến sinh sống ở Bali để "tái cơ cấu" cuộc đời họ. Với Lim, đó là một lựa chọn tự nhiên bởi Indonesia là nơi cha bà từng đóng quân lúc phục vụ trong quân đội Mỹ - quãng thời gian mà bà lớn lên tại đất nước Philippines gần đó. Với bà, châu Á là nơi sống hạnh phúc nhất. Năm 2003, với sự đóng góp của những người bạn trên khắp thế giới, hai vợ chồng bà đã mở nhà bảo sinh đầu tiên tại Bali, mang tên Yayasan Bumi Sehat. Khi trận sóng thần khủng khiếp quét qua Aceh vào năm 2004, một nhà bảo sinh nhỏ hơn được mở ngay tại đây để chăm sóc cho những sản phụ không còn gì trong tay, nơi mà hầu hết các bệnh viện hoặc đã trống rỗng, hoặc chỉ còn là đống đổ nát. Làm việc trong điều kiện như thế chắc chắn là không dễ, nhưng tại nhà bảo sinh của Lim, tất cả các bác sĩ, nữ hộ sinh đã được chuẩn bị cho tình huống không có phương tiện hỗ trợ nào trong tay. Chẳng hạn, họ đã học cách đốt dây rốn thay vì cắt, vì nếu dùng kéo không được tiệt trùng, đứa trẻ có nguy cơ bị uốn ván. Cũng bằng cách đó, thậm chí không điện, không nước, Lim đã đưa các nhân viên của mình đến các địa điểm động đất khác ở Indonesia, thậm chí đến tận Haiti để đón nhận những cuộc sống mới một cách an toàn nhất giữa những đống đổ nát.
Kiều Oanh
Bình luận (0)