Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản đang rất bức xúc bởi Thông tư 55/2011 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) ban hành về kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản, khiến họ phải gánh thêm nhiều chi phí.
|
Phí quá cao
Tháng 10.2011, Công ty thủy sản Hoàng Phát (Cà Mau), chuyên xuất khẩu tôm nhận được đơn đặt hàng mua 10 container tôm đông lạnh từ đối tác châu u. Sau khi thỏa thuận giá cả, công ty huy động nguồn lực để thu mua nhằm kịp giao hàng trước mùa Noel. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất mà công ty gặp là quy trình kiểm tra chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu theo Thông tư 55. Theo đó, lô hàng của công ty dù đã được kiểm soát kỹ đầu vào từ quy trình thu mua đến sản xuất, chế biến tại nhà máy… nhưng một lần nữa phải kiểm tra các chỉ tiêu ngoại quan, cảm quan, vi sinh, hóa học ở Trung tâm chất lượng nông lâm sản và thủy sản vùng 5 (Cà Mau). Ông Trần Quang, Giám đốc Công ty thủy sản Hoàng Phát, cho hay trước khi xuất khẩu, nhà sản xuất đã phải tuân thủ các điều kiện mà nhà nhập khẩu đưa ra cũng như quy định chặt chẽ của thị trường châu u, cho nên việc kiểm tra là không cần thiết mà chỉ gây tốn kém cho công ty. Với mức phí như hiện nay, lô hàng sau khi kiểm tra đã tiêu tốn của DN 20-30 triệu đồng, ăn hết lợi nhuận của công ty.
Thông tư không phù hợp với luật
Khó khăn nói trên của Công ty Hoàng Phát cũng là khó khăn chung mà các DN thủy sản đang gặp phải. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho hay hiện việc kiểm tra hàng thủy sản xuất khẩu theo tỷ lệ 1/3, tức cứ 3 lô hàng thì có 1 lô được kiểm tra đầy đủ, 2 lô còn lại chỉ kiểm tra hồ sơ. Có khi tùy từng lô hàng hay tùy theo uy tín của DN sẽ áp dụng chế độ kiểm tra giảm trừ với tỷ lệ 1/5 hay 1/10.
Nhà nước cần hỗ trợ DN “Hỗ trợ phí kiểm tra chất lượng xuất khẩu thủy sản cho DN của một nước đang phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng của các nước phát triển là một biện pháp hỗ trợ được WTO cho phép. Trong khi các DN thủy sản đang rất vất vả đối phó với thuế chống bán phá giá của một số thị trường xuất khẩu, Chính phủ phải tận dụng cách hỗ trợ được WTO cho phép này để hỗ trợ DN, chứ không phải là ngược lại” - GS-TS Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty luật Nam Hùng |
Ông Nguyễn Văn Kịch, TGĐ Công ty CP thủy sản Cafatex (Hậu Giang), cho biết trung bình chi phí kiểm tra chất lượng một container hàng thủy sản từ 7-8 triệu đồng, thậm chí có lúc lên tới 14 - 15 triệu đồng. Những DN lớn hằng năm phải tốn hàng chục tỉ đồng chi phí như vậy. Điều không hợp lý là dù bị kiểm tra gắt gao như vậy nhưng thực tế sau đó vẫn có những lô hàng gặp vấn đề về chất lượng, bị khách hàng trả lại. Lúc đó, DN có khi còn bị cấm xuất khẩu, trong khi trách nhiệm của cơ quan kiểm tra thì không thấy nói đến.
Theo ông Kịch, việc tốn quá nhiều chi phí cho khâu kiểm tra khiến giá thành hàng thủy sản Việt Nam tăng, sức cạnh tranh giảm. “Tôi xin hỏi thu phí cao trong lúc DN đang khó khăn như hiện nay để làm gì? Chính phủ cần can thiệp chứ cứ như vầy, DN sẽ chết lâm sàng”, ông Kịch than.
Nhiều DN thủy sản cho rằng trong khi thế giới đang khuyến khích kiểm soát hệ thống (giám sát chặt từ khâu nuôi trồng, thu mua, sản xuất, chế biến… tạo thành một chuỗi liên kết) để giảm bớt kiểm tra lô hàng thì cơ quan chức năng trong nước lại tăng cường kiểm tra lô hàng mà bỏ quên giám sát hệ thống. Ông Trương Đình Hòe nhận định trong bối cảnh thị trường ngày càng khắt khe, việc tăng cường quản lý, kiểm soát chuỗi hệ thống ngành thủy sản là cần thiết hơn. DN thay vì tốn chi phí để kiểm tra lô hàng có thể dùng chi phí này đầu tư hệ thống nuôi trồng để có nguồn nguyên liệu tốt hơn.
Trung Hiếu
Bình luận (0)