Thực hiện giá thị trường với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công

25/12/2011 01:18 GMT+7

Trả dần một số mặt hàng thiết yếu về giá thị trường là một trong những trọng tâm năm 2012 của Bộ Tài chính.

Trả dần một số mặt hàng thiết yếu về giá thị trường là một trong những trọng tâm năm 2012 của Bộ Tài chính.

Bên cạnh các nhóm giải pháp lớn là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt các tập đoàn, tổng công ty; thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn và tăng tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Một số chỉ tiêu lớn của ngành tài chính năm 2012

Giảm bội chi ngân sách dưới 4,8% (năm 2011 là 4,9% GDP). Dư nợ quốc gia không quá 50% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ công không quá 65% GDP.

Giảm bội chi ngân sách dưới 4,8%

“Mục tiêu Chính phủ đặt ra là tăng thu ngân sách ít nhất 5% trong năm 2012, còn Bộ Tài chính phấn đấu tăng thu 5 - 8%”, Bộ trưởng Vương Đình Huệ nói tại hội nghị tổng kết ngành tài chính sáng 24.12. Theo ông Huệ, để tăng thu phải chống thất thu, nợ đọng thuế, nhất là các khoản thu từ tài nguyên, đất đai. Ông Huệ chỉ đạo Tổng cục Thuế hoàn thành đề án chống chuyển giá và thất thu thuế cả với doanh nghiệp FDI lẫn các doanh nghiệp (DN) nhà nước. Cuối quý 4/2012, xây dựng xong đề án chống thất thu thuế trong tạm nhập tái xuất với các mặt hàng phế liệu, thực phẩm tươi sống, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu.

“Có thể quản lý tạm nhập tái xuất bằng cách hình thành các khu hải quan, tạm thu thuế khi hàng nhập và hoàn trả lại cho DN khi tái xuất. Nhiều trường hợp tạm nhập nhưng không tái xuất, giãn thời gian nộp thuế để trốn thuế”, ông Huệ nêu giải pháp.

Theo mục tiêu, năm 2012 tỷ trọng đầu tư phát triển bằng 19,9% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Ông Huệ cho biết, năm 2012 vẫn giảm 10% chi thường xuyên để cải cách tiền lương, chi an sinh xã hội.

Cũng theo ông Huệ, để giảm bội chi xuống dưới 4,8%, sẽ phải tăng cường quản lý nợ công, để nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia trong giới hạn an toàn. Đặc biệt sẽ không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ trường hợp thiên tai, quốc phòng… và chỉ cho phép chuyển nguồn để thực hiện chế độ tiền lương mới.


Điện là một trong những mặt hàng thiết yếu sẽ tính theo giá thị trường - Ảnh: Ngọc Thắng

Tăng dần giá xăng, điện, than

“Xóa bao cấp giá vào thời điểm thích hợp, liều lượng hợp lý” là giải pháp nhằm giữ chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 dưới 10%, khi nhiều mặt hàng thiết yếu như điện, xăng, than, viện phí sẽ được trả dần về thị trường. Theo Bộ Tài chính, giá điện sẽ được tăng ở mức kiềm chế, chưa tính đúng, tính đủ giá thành mà chỉ bù đắp chi phí tăng thêm của năm 2012 và một phần chi phí “treo” trước đó như chênh lệch tỷ giá, lỗ lũy kế năm 2010 do mua điện giá cao, giá bán than cho sản xuất điện… Giá than cho sản xuất điện cũng tăng cùng thời điểm tăng giá điện, bằng khoảng 72 - 80% giá thành tiêu thụ than năm 2010.

Kiểm toán Petrolimex và thanh tra EVN

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, năm 2012, Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện Tổng công ty xăng dầu VN (Petrolimex), Thanh tra Chính phủ cũng sẽ thanh tra Tập đoàn điện lực VN (EVN). Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tài chính sẽ thanh tra các đơn vị bên ngoài ngành điện bán điện cho EVN để lấy căn cứ điều hành giá.

Với giá xăng dầu, khi giá thế giới giảm sẽ khôi phục lại giá cơ sở theo quy định và giao cho doanh nghiệp tự định giá trong biên độ, theo Nghị định 84, có sự quản lý của nhà nước. Lý giải cho điều này, Bộ Tài chính cho rằng, giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở (thuế nhập khẩu xăng, mazut hiện ở mức 0%, diesel, dầu hỏa ở mức 5%, vẫn đang phải sử dụng quỹ bình ổn giá).

Mục tiêu chậm nhất tới năm 2013, thực hiện giá thị trường với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công. Trong năm 2012, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua luật Giá, về phía Bộ Tài chính, sẽ hoàn thành cơ chế điều hành điện, xăng dầu, bình ổn giá các mặt hàng… trước mắt phải kiềm chế tăng giá trong dịp tết, ông Huệ nói.

Tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp

Bộ trưởng Huệ cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2012 vẫn thực hiện các giải pháp giãn thuế cho DN, gia hạn nộp thuế thu nhập DN thêm 3 tháng với số thuế phải nộp của quý 1 và 2/2011 (khoảng 7.800 tỉ đồng).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Tưởng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho DN mà dừng ở việc giảm, giãn thuế thì chỉ là “liều thuốc an thần”, phải có hỗ trợ về lãi suất, tạo điều kiện để DN vay vốn.

Đáp lại ý kiến này, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, sẽ xem xét việc hạ lãi suất theo thực tế, Phó thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét lại thủ tục hải quan, thuế để cho nhanh, gọn. "Chúng ta bị hạ mức tín nhiệm cũng do các chỉ tiêu này”, ông Ninh nói.

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.