Đó là câu cửa miệng được các sinh viên truyền tai người bạn đi trễ - vào lớp sau khi thầy đã điểm danh.
Ngày nay, tình trạng sinh viên đi học chỉ để được điểm danh chứ không vì mục tiêu thu nạp kiến thức đang trở nên đại trà đến mức là “chuyện thường ngày ở lớp”.
Không muốn đi học nhưng lại muốn được điểm cao là động cơ cho sinh viên vẫn đến lớp hằng ngày, với mục tiêu kiếm con 10 tròn trĩnh cho cột điểm chuyên cần - có hệ số cao ngang ngửa với bài kiểm tra giữa khóa. Bởi “Đi học chỉ để điểm danh, không điểm danh thì... không nhất thiết phải đi học!” nên ở một số bộ môn được cho là “khó nuốt”, giảng viên phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để đảm bảo số lượng sinh viên lên lớp.
Điểm danh đầu giờ không được, điểm danh cuối giờ không xong, một số thầy phải đưa ra hạ sách “chặn đầu, chặn đuôi, chặn luôn khúc giữa (điểm danh sau giờ giải lao - theo cách nói vui của sinh viên)” để tránh tình trạng thầy đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp trống.
Những tưởng chỉ là chuyện vui trong giới sinh viên, nhưng lại chạnh lòng khi nghĩ đến những người cha, người mẹ ở quê, lam lũ quanh năm lo tiền cho con ăn học. Hẳn họ không muốn học phí đóng cho con bị tiêu tốn cho những giờ con họ ngồi chiếu lệ trên lớp.
Đất nước đang trong cuộc đua toàn cầu, cần lắm đội ngũ trí thức trẻ có thực tài và ý thức tự thân nghiêm túc trong học tập, rèn luyện nhân cách. Trong khi đó, tại nhiều trường đại học, hằng ngày, hằng giờ vẫn còn rất nhiều trí thức tương lai học hành theo kiểu đối phó, kiếm điểm số bằng mọi cách. Sẽ không đơn thuần chỉ là chuyện nhỏ nữa...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)