Ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN - PTNT) đã nói như vậy khi trả lời phóng viên Thanh Niên xung quanh việc buôn bán thịt bò Kobe Nhật Bản trên thị trường nội địa.
Rút lui trên... thực đơn
“Thịt bò Kobe Nhật Bản” hết hàng bất thường Ngày 26.12, ghi nhận tại nhà hàng Mặt Trời Đỏ (74B Hai Bà Trưng, Q.1), thực đơn các món chế biến từ bò Kobe khá phong phú, giá... trên trời. Chị Hậu - nhân viên nhà hàng này giới thiệu, có rất nhiều món ăn từ thịt bò Kobe. Lẩu bò Kobe giá 1.470.000 đồng/cái, bò Kobe cuốn nấm, bò Kobe nướng tái... giá từ 28 - 30 USD/đĩa. Trước nghi ngại về nguồn gốc thịt bò Kobe, chị Hậu khẳng định: “Thịt bò Kobe ở đây chính gốc của Nhật Bản”. Khảo sát thực tế cho thấy, phần lớn nhà hàng có rao bán thịt bò Kobe đều hết hàng đột ngột. Nhà hàng Chuồn Chuồn Đỏ (Q.1) được thực khách phản ánh là có bán thịt bò Kobe. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ thì nhân viên nhà hàng này khẳng định: “Thịt bò Kobe xuất xứ từ Nhật hết hàng, chỉ còn thịt bò Kobe nhập từ Úc”. Tương tự, một nhà hàng Nhật Bản tại Q.Phú Nhuận giới thiệu là các món ăn chế biến kiểu Nhật, như lẩu hải sản, lẩu bò Kobe. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi thì nhân viên bác bỏ: “Chỉ có bán thịt bò Việt Nam, không bán thịt bò Kobe Nhật Bản, thịt bò Úc thì... hết hàng”. Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế TP.HCM), cho biết sẽ tiến hành kiểm tra mặt hàng thịt bò Kobe. Hoàng Việt
Hôm qua 26.12, sau khi Thanh Niên và một số báo đưa tin về việc dùng chứng thư giả nhập khẩu thịt bò Kobe Nhật Bản vào Việt Nam tiêu thụ với giá trên dưới 4 triệu đồng/kg, các nhà hàng có bán món ăn chế biến từ loại thịt bò này đã loại bỏ món ăn đó trong thực đơn.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, trước đây chi cục đã phối hợp với các lực lượng liên quan tiến hành kiểm tra việc kinh doanh thịt bò Kobe Nhật Bản tại một số nhà hàng và cơ sở nhập khẩu, cho thấy việc sử dụng chứng thư giả để nhập khẩu thịt bò Kobe vào nước ta là hoàn toàn có thật. Các đơn vị kinh doanh đều không xuất trình được giấy tờ hợp lệ. “Chúng tôi đã kiểm tra tại 1 nhà hàng trên phố Lý Thường Kiệt và 1 cơ sở nhập khẩu nhưng họ đều phủ nhận việc nhập và bán thịt bò Kobe, chỉ có bán thịt bò Úc và Mỹ”, ông Lộc nói.
Một loạt các trang mạng có rao bán thịt bò Kobe cũng đã gỡ bỏ mục các nội dung thông tin liên quan nhưng vẫn còn một số ít vẫn còn rao bán loại thịt này. Trên trang chamsoctreem.com, một người tự xưng tên là T, ngụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM) vẫn rao bán thịt bò Kobe với giá 4 triệu đồng/kg. Chúng tôi gọi đến số điện thoai đăng kèm (09181799xx) hỏi mua, T. luôn miệng tiếp thị: “Tôi có người thân bên Nhật, chuyển thịt bò Kobe về qua đường xách tay. Thịt bò Kobe Nhật 100%, nếu không phải sẽ hoàn lại tiền”. T. cũng cho biết, có thể nhận hàng tại nhà hoặc đến cửa hàng để mua. “Tôi muốn mua nhiều để kinh doanh, anh có đủ hàng cung cấp không?”, chúng tôi hỏi, T. nói chắc nịch: “Yên tâm đi. Bao nhiêu tôi cũng có”.
Dùng chứng thư giả để nhập lậu
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện vẫn chưa xác định được chính xác nguồn gốc của loại “thịt bò Kobe Nhật Bản” đang rao bán trên thị trường nội địa nhưng không loại trừ khả năng nó được nhập vào từ nước thứ hai qua con đường tiểu ngạch. Bởi việc đưa thịt bò Kobe vào Việt Nam bằng con đường “xách tay” là rất khó. Đây là sản phẩm đông lạnh, khó bảo quản, phải khai báo và phải trải qua kiểm dịch nhưng Cục Thú y chưa từng làm công việc này đối với thịt bò Kobe.
Người đứng đầu Cục Thú y nhận định, có thể đã có một đường dây buôn lậu thịt bò Kobe từ Nhật vào Việt Nam bằng chứng thư giả. Cục Thú y Nhật Bản đã cung cấp một số chứng thư của phía Việt Nam gửi cho họ trên danh nghĩa các cơ quan công quyền của Việt Nam nên họ mới cho xuất loại thịt này vào nước ta. Nhưng kiểm tra lại, đó là những chứng thư giả.
Ông Năm đã cung cấp các chứng thư nêu trên. Trong đó có một chứng thư đề nghị cho Công ty TNHH Sơn Tùng nhập 11.000 kg thịt bò Kobe từ Tập đoàn Miyama Green. Các chứng thư này đều đứng dưới danh nghĩa Cơ quan Thú y vùng 2 (đóng tại Hải Phòng) và ở phần dưới chữ ký xác nhận có ghi rõ “Phó giám đốc trung tâm, Ngô Văn Bắc”. Ông Ngô Văn Bắc đúng là phó giám đốc của Cơ quan Thú y vùng 2 nhưng qua xác minh đây là văn thư giả. Theo ông Năm, có những chứng thư người ta còn lấy danh nghĩa Cục Thú y nhưng ở phần ký tên xác nhận lại ghi là “Hoàng Văn Năm - Bộ trưởng Thú y Việt Nam” và đóng dấu của Cơ quan Thú y vùng 2. Các đối tượng còn dùng chứng thư giả, cũng dưới danh nghĩa của Cơ quan Thú y vùng 2 để nhập khẩu thịt nai quay và da nai.
|
Theo ông Năm, Cục Thú y Nhật Bản cách đây 1 tháng đã gửi hồ sơ cung cấp toàn bộ các thông tin mà Cục Thú y Việt Nam yêu cầu để làm cơ sở đàm phán, tiến tới ký kết các thỏa thuận liên quan về việc Việt Nam nhập khẩu chính ngạch thịt bò Kobe từ Nhật Bản.
Quang Duẩn
>> Kobe, động đất và thịt bò
>> 450.000 đồng một bát phở bò (?!)
>> Bài học từ Kobe
Bình luận (0)