Truy tìm tung tích tàu Vinalines Queen

28/12/2011 00:04 GMT+7

9 giờ sáng 27.12, máy bay cứu hộ của Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện vệt dầu loang, nhưng chưa tìm thấy vật thể trôi dạt nào khác. Sau 2 ngày tìm kiếm trong vô vọng, chiều qua máy bay cứu hộ của Nhật Bản và Philippines cũng đã dừng cuộc tìm kiếm.

9 giờ sáng 27.12, máy bay cứu hộ của Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản phát hiện vệt dầu loang, nhưng chưa tìm thấy vật thể trôi dạt nào khác. Sau 2 ngày tìm kiếm trong vô vọng, chiều qua máy bay cứu hộ của Nhật Bản và Philippines cũng đã dừng cuộc tìm kiếm.

Tàu Vinalines Queen mang cờ Việt Nam và 23 thuyền viên bị mất tích khi đang trên hải trình từ cảng Morowali (Indonesia) đến cảng Ningde (Trung Quốc) vận chuyển 54.400 tấn quặng nikel.

 
Tàu Vinalines Queen - Ảnh: Vinalines

Lúc 7 giờ ngày 25.12, khi hành trình đến tọa độ 20-00N; 123-47.1E (phía đông-bắc đảo Luzon - Philippines) tàu thông báo bị nghiêng 18o, chạy theo hướng 240o, ngay sau đó bị mất liên lạc.

Phát hiện vệt dầu loang trên biển

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, lúc 6 giờ ngày 27.12 trực thăng cứu hộ từ Philippines tiến hành bay kiểm tra khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn, nhưng không tìm thấy dấu hiệu nào (bao gồm cả mảnh vỡ, vệt dầu loang) của chiếc tàu xấu số.

Vệ tinh phát hiện tàu trước khi mất tích

Hôm qua ông Albert Antoine, người gốc Việt, hiện sống tại Singapore, Giám đốc điều hành vùng châu Á - Thái Bình Dương của Công ty exactEarth (Canada), cho Thanh Niên biết vệ tinh của công ty phát hiện tàu Vinalines Queen vào thời điểm cuối cùng là 12 giờ 28 phút ngày 24.12.2011 (giờ UTC, tức 19 giờ 28 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam). ExactEarth chuyên cung cấp thông tin nhận diện tự động qua vệ tinh (AIS) tàu bè trên khắp thế giới.

Ông Albert Antoine nhận định tốc độ tàu thời điểm đó như vậy là khá thấp, có thể do ảnh hưởng của thời tiết. Nếu tàu gặp sự cố, thiết bị phát tín hiệu trục trặc, hoặc bị chìm xuống nước thì vệ tinh không còn nhận diện được nữa.

Cùng ngày, ông Antoine cũng gửi cho Cục Hàng hải Việt Nam danh sách những con tàu đang di chuyển trong vùng biển mà tàu Vinalines Queen gặp nạn. Trong đó, gần nhất với lộ trình dự đoán của Vinalines Queen là tàu hàng SILS cắm cờ Thụy Sĩ (lộ trình và thông tin tàu SILS vào thời điểm 7 giờ 57 phút 55 giây ngày 27.12.2011, giờ UTC).

Thục Minh
 (Văn phòng Singapore)

Đồng thời lúc 9 sáng cùng ngày, Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản (Japan Coast Guard) cũng đã điều động máy bay kiểm tra khu vực có tọa độ (20-10N; 123-44E); (19-50N; 123-55E); (19-20N; 123-00E) và (19-40N; 122-48E). Máy bay của  Japan Coast Guard phát hiện vệt dầu loang tại tọa độ 19-51.43N; 123-37.38E lúc 9 giờ 50. Tuy nhiên, đến chiều qua lực lượng tìm kiếm vẫn chưa phát hiện thêm bất kỳ vật thể nào nghi từ tàu Vinalines Queen. Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm không có kết quả, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Philippines và Nhật Bản đã tạm dừng tìm kiếm.

Trước đó, chiều 25.12 và sáng 26.12, lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Đài Loan đã 2 lần điều phương tiện tìm kiếm cứu nạn ra hiện trường để kiểm tra, tìm kiếm, nhưng do khu vực sóng gió rất lớn, tàu chuyên dụng của Đài Loan không thể hành trình được nên đã quay về căn cứ. Máy bay cứu hộ của Đài Loan cũng đã tiếp cận hiện trường lúc 14 giờ 30 ngày 26.12 và bắt đầu tìm kiếm tại vị trí 20.00N; 123-48.94E, nhưng vẫn không phát hiện ra vết tích con tàu.

Hệ thống Đài thông tin duyên hải Việt Nam vẫn đang tiếp tục phát thông báo hàng hải để các phương tiện hoạt động tại khu vực nắm bắt và tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Hệ thống tự bảo vệ của tàu có thể trục trặc

Tàu Vinalines Queen mang số hiệu XVHG, MMSI 574953000, là con tàu Công ty vận tải biển Vinalines mới nhận bàn giao ngày 5.12.2011, từ chi nhánh Tổng công ty hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Hải Phòng. Hiện tại, con tàu này vẫn thuộc quản lý trực tiếp của Vinalines. Đây là loại tàu chở hàng khô được đóng năm 2005 tại Nhật Bản và là một trong những tàu có tải trọng lớn nhất của Vinalines, 56.040 tấn.

Theo tin từ Công ty vận tải biển Vinalines, lúc 5 giờ 28 sáng 25.12, tàu Vinalines Queen thông báo bị nghiêng 20o, chưa rõ nguyên nhân. Tại thời điểm đó, khu vực này có gió cấp 7- 8, giật cấp 9, thuyền trưởng đã chuyển hướng 240o về vị trí an toàn gần nhất của Philippines. Đến 6 giờ 58 phút ngày 25.12 (giờ Việt Nam), tàu thông báo còn nghiêng trái 18o, tọa độ 20-00N; 123-47.1E (phía đông-bắc đảo Luzon - Philippines) - khu vực có độ sâu khoảng 5.000m, sau đó công ty đã không thể liên lạc với tàu dù đã sử dụng mọi hình thức như INM-C, INM-F, DSC, thông qua các trạm đài bờ, nhờ các tàu hành trình trong khu vực liên lạc.

Vinalines Queen là con tàu được thiết kế hiện đại, có lắp thiết bị phát sóng đặc biệt, có thể phát tín hiệu trong mọi điều kiện, tình huống, cho phép xác định được vị trí của tàu ngay cả khi tàu đã chìm hoàn toàn dưới nước. Đây là con tàu có tính tự động hóa rất cao, vỏ đôi, cảm biến sóng. Với thiết kế ưu việt, khi tàu nghiêng 5o, hệ thống tự động sẽ đóng hầm hàng và khóa các van dầu.

Tuy nhiên, một điều lạ là đến thời điểm hiện tại, sau 3 ngày mất tích, tàu Vinalines Queen không phát bất kỳ tín hiệu cấp cứu nào, gồm cả việc liên lạc với thủy thủ đoàn, cũng như các tín hiệu liên lạc, xác định vị trí khác.

Theo một chuyên gia, với tính năng tự động hóa cao như vậy, nhiều khả năng hệ thống tự bảo vệ trên tàu Vinalines Queen bị trục trặc, hoặc bị ngắt cơ học. Nếu ở chế độ tốt, hầm hàng cũng tự động đóng kín ngay khi tàu nghiêng.

Cũng theo nguồn tin trên, tàu Vinalines có cấp đi biển không hạn chế, tức là có thể đi trong mọi điều kiện thời tiết. Nhưng do tàu chở nặng (chỉ còn 2.000 tấn là mãn tải), nên phải tránh bão.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Văn Các, Phó giám đốc Công ty vận tải biển Vinalines, cho biết sáng 27.12, công ty cũng đã thông báo tới thân nhân 23 thuyền viên trên tàu. Hầu hết thủy thủ đoàn quê ở miền Bắc, tuổi đời khá trẻ. Toàn bộ thủy thủ đoàn và hàng hóa trên tàu đều đã được mua bảo hiểm.

Danh sách 23 thuyền viên

1) Nguyễn Văn Thiện (SN 1968, quê Hưng Yên - thuyền trưởng).
2) Hồ Quang Đức (1981, Thái Bình - thuyền phó).
3) Lê Quang Huy (1981, Yên Bái - phó 2).
4) Vũ Đức Hạnh (1983, Hải Phòng - phó 3).
5) Lê Bá Trúc (1953, Thanh Hóa - máy trưởng).
6) Phạm Trung Tuyến (1977, Hải Phòng - máy 2).
7) Đỗ Anh Đức (1980, Hải Phòng - máy 3).
8) Quách Văn Hiếu (1982, Hải Phòng - máy 4).
9) Đặng Văn Kiệm (1963, Hải Phòng - thủy thủ trưởng).
10) Trần Đình Thư (1985, Hà Nội - thủy thủ chính thức).
11) Đậu Ngọc Hùng (1980, Nghệ An - thủy thủ chính thức).
12) Đặng Văn Sơn (1984, Hải Phòng - thủy thủ chính thức).
13) Trần Đại Nghĩa (1984, Thanh Hóa - thủy thủ).
14) Ngô Văn Lâm (1985, Hải Phòng - thủy thủ).
15) Tống Văn Thử (1987, Thanh Hóa - thủy thủ).
16) Nguyễn Kim Kiên (1985, Hải Phòng - sĩ quan vô tuyến).
17) Vũ Thiện Phong (1987, Hải Phòng - thợ máy).
18) Nguyễn Văn Duy (1985, Nam Định - thợ máy).
19) Nguyễn Tài Phương (1984, Thanh Hóa - thợ máy).
20) Bùi Văn Phúc (1987, Hải Phòng - thợ bảo dưỡng).
21) Đỗ Văn Cường (1987, Hải Phòng - thợ bảo dưỡng).
22) Trương Thanh Quyền (1986, Quảng Bình - bếp).
23) Phạm Đức Hải (1987, Hải Phòng - phục vụ).

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.