Chuyện tình thời chiến - Kỳ 5: Hơn cả tình yêu

29/12/2011 01:45 GMT+7

Cả gia đình đều là những điệp viên cùng một mạng lưới, nhưng bí mật đến mức ngay cả điệp viên Tám Thảo cũng không hề hay biết. Mãi sau này ra chiến khu Tám Thảo mới biết bà “đầu tóc” chính là vợ ông Tư Cang!

Cả gia đình đều là những điệp viên cùng một mạng lưới, nhưng bí mật đến mức ngay cả điệp viên Tám Thảo cũng không hề hay biết. Mãi sau này ra chiến khu Tám Thảo mới biết bà “đầu tóc” chính là vợ ông Tư Cang!

>> Kỳ 4: 28 năm chờ đợi “người thương”

“Nhồng ơi, ba về rồi!”

Tháng 10.1973, người dân sống trong khu phố sang trọng trên đường Gia Long không còn nhìn thấy người đàn ông đẹp trai, tài hoa. Họ hoàn toàn không biết ông đi đâu, ngay cả người vợ - người giao liên tình báo của ông cũng không hề biết. Ông Tư Cang biến mất khỏi Sài Gòn cũng bí ẩn giống như cái ngày ông xuất hiện giữa Sài Gòn nhiều năm trước.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc với vai trò chỉ huy Cụm tình báo H63 với nhiều chiến công hiển hách - Cụm tình báo H63 được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang ngay trong giai đoạn kháng chiến ác liệt nhất: năm 1971, ông Tư Cang được điều động trở ra miền Bắc và sau đó nhận nhiệm vụ Chính ủy Lữ đoàn 316 đặc công miền để chuẩn bị giải phóng miền Nam.

 
Ông Tư Cang và bà Tám Thảo trong một buổi họp mặt các cán bộ tình báo

Sáng ngày 30.4.1975, các cánh quân giải phóng rầm rập tiến vào Sài Gòn. Đến chiều vẫn không thấy bóng dáng người chồng thân yêu trở về, bà Sáu Ảnh lòng dạ rối bời. Bà hối thúc con gái đạp xe ra đường, tìm đến những nơi có đông bộ đội để tìm ba. Vậy mà tin ông vẫn bặt tăm cho đến nửa đêm.

Ông Tư Cang xúc động nhớ lại: “Lúc ấy tôi là Chính ủy Lữ đoàn đặc công miền vào giải phóng Sài Gòn. Công việc của ngày đầu mới giải phóng đã cuốn tôi vào với bao nhiêu công việc mà trong đầu cứ không thôi nhớ đến vợ con, nhớ đến lời hẹn ước. Cho đến tận 12 giờ đêm khi công việc tạm ổn, tôi tự tay lái xe jeep chở 3 nữ chiến sĩ biệt động đi về Thị Nghè tìm vợ con. Do quá lâu nên tôi không thể nhớ chính xác nhà vợ ở đâu trong khu cư xá ngân hàng, nên cứ cho xe chạy chầm chậm và gọi lớn: “Nhồng ơi, con ơi, ba đã về!...”. Và rồi ngôi nhà số 9 bật sáng đèn, một bóng người chạy ra mở cổng, tôi nhận ra ngay dáng người thương của tôi, người đã hy sinh chờ đợi tôi suốt hơn 28 năm. Bé Nhồng ngày nào giờ đã là mẹ lật đật gọi con: “Con ơi, dậy ra đón ông ngoại về”. Tôi rơi nước mắt ôm chầm lấy hai mẹ con và đứa cháu nhỏ.

Tư Cang đã hy sinh tình yêu đôi lứa gần như suốt cả thời trai trẻ để đi theo tiếng gọi của non sông. Khi đất nước thống nhất, ông đã bù đắp cho vợ tình yêu tha thiết vô cùng, người mà ông luôn gọi là “người thương”. Cho đến giờ, cả hai vợ chồng ông Tư Cang đã ngoài tám mươi, nhưng đi đâu cũng đều có nhau, hôm rồi có nơi mời ông Tư đi nghỉ ở Đà Lạt, ông bảo: “Mời mình tôi thì tôi không đi, nếu cho vợ tôi đi cùng thì bao nhiêu tiền tôi cũng đóng!”. Với ông, tình yêu dành cho vợ sau hơn 28 năm xa cách là không gì có thể thay thế.   

 
Bà Sáu Ảnh với bé Nhồng ở Sài Gòn trong những năm 1950

Viên đạn cuối cùng

Hôm ê kíp làm phim Mãi mãi một tình yêu đến quay tại nhà bà Tám Thảo, tôi mới có dịp hỏi thăm bà về “mối tình” của bà với ông Tư Cang.

Bà Tám Thảo là con một gia đình tư sản gốc Bắc ở Sài Gòn, tuy nhiên gia đình bà có cảm tình đặc biệt với cách mạng và bà là một điệp viên khá thầm lặng nhưng cực kỳ quan trọng với điệp viên Phạm Xuân Ẩn. Bà chính là người trực tiếp móc nối đưa Phạm Xuân Ẩn ra chiến khu sau khi ông từ Mỹ trở về để nhận nhiệm vụ tình báo.

Bà Tám Thảo tâm sự: “Khi tổ chức có ý định bố trí anh Tư Cang vào ở trong nhà tôi để dễ hoạt động chỉ huy lưới điệp viên nội thành, ba tôi suy nghĩ nhưng rồi đồng ý vì đó là việc lớn với nước, mình không thể đứng ngoài cuộc. Sau một thời gian, ba tôi rất mến anh Tư Cang. Có hôm ba hỏi: Hay ba gả con cho Tư Cang nghe, ba thấy nó là người hiền lành, chân thật. Tự nhiên tôi có linh tính và thưa với ba: Không được đâu ba, con cũng chưa biết anh Tư là người thế nào, biết đâu người ta đã có gia đình rồi thì sao. Thực ra tôi quý anh Tư Cang như anh trai của tôi vậy”.

Sau này bà Tám Thảo kể lại rằng, suốt trong một thời gian dài khi Tư Cang ở trong nhà bà, dù có linh tính nhưng bà không hề biết vợ ông Tư Cang, cho dù rất nhiều lần bà đã chạm mặt vợ ông ngay tại nhà mình. “Chị ấy cũng hay đến nhà đưa thư, nhiều lúc tôi vào nói với anh Tư có bà “đầu tóc” (vì lúc ấy vợ ông Tư Cang hay quấn tóc thành búi phía sau - NV) đến tìm anh, anh Tư nói tỉnh bơ: Ừ, em ra lấy thư vào cho anh. Có lần bé Nhồng (chị Trần Thị Giang, con gái ông Tư Cang - NV) cũng tìm đến nhà tìm anh Tư, tôi biết bé Nhồng vì học chung với em gái tôi, tôi ngạc nhiên hỏi: “Ủa, con tìm chú Tư làm chi?”, bé Nhồng cũng đáp tỉnh bơ: “Dạ, ông đó là chú của con!”.

Bà Tám Thảo kể lại một câu chuyện mà bà không thể nào quên : “Đó là tết Mậu Thân, khi lực lượng biệt động đánh mạnh vào trung tâm Sài Gòn, một nhóm biệt động bị vây trong một ngôi nhà gần nhà tôi trên đường Gia Long, tiếng súng biệt động thưa dần, tôi và anh Tư Cang đứng trên lầu nhà tôi nhìn thấy hết, lòng anh Tư như lửa đốt. Tôi hỏi làm gì bây giờ, anh ấy nói phải bắn để giải vây cho đồng đội. Với nghề tình báo, che giấu thân phận là điều quan trọng nhất nhưng anh Tư vì tình đồng chí, đồng đội đã vượt qua nguyên tắc ấy. Anh đã nổi tiếng từ thời còn ngoài Bắc với biệt tài bắn súng hai tay và bách phát bách trúng. Hai phát đạn bắn giải vây đồng đội đã hạ gục hai sĩ quan Mỹ và Nam Triều Tiên. Bọn Mỹ dựa theo đường đạn đã ập vào khám xét nhà tôi, nhưng khi vào khám phòng tôi, chỉ cách chỗ anh Tư núp vài bước chân, chúng thấy trên bàn có tấm hình viên thiếu tá CIA sếp của tôi, chúng hỏi đó là ai, tôi nói đó là bạn trai tôi, chúng mới tin nhà tôi không phải là nơi bắn hai phát súng đó. Khi anh Tư Cang ra khỏi chỗ ẩn nấp, tôi mới biết hai khẩu súng của anh đạn đã lên nòng, trong túi còn 2 viên đạn mà anh nói dành chính cho anh nếu sa vào tay giặc”.

Với bà Tám Thảo, nhà tình báo - đại tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang luôn có một tình yêu mãnh liệt, vượt lên trên hết chính là tình yêu Tổ quốc.

Binh Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.