Sân khấu kịch Phú Nhuận vừa ra mắt vở kịch mới Chuyện của sao do đạo diễn Ðỗ Ðức Thịnh viết kịch bản và NSƯT Hồng Vân dàn dựng. Ðiều đặc biệt là vở diễn này đã phải đợi đến bốn năm mới được ra mắt.
|
Bốn năm trước, vở kịch Chuyện của sao khi được trình lên hội đồng phúc khảo với tên gốc Tôi là gay đã bị hội đồng từ chối duyệt. Tác giả Ðức Thịnh đã phải chỉnh sửa kịch bản và đổi tên thành Hoa cúc dại, tuy nhiên vẫn không được phép dàn dựng.
Mãi đến năm 2011, sau khi có nhiều bộ phim và vở kịch ra mắt có đề cập đến chuyện này, Tôi là gay mới được cấp phép và được hội đồng góp ý sửa tên thành Chuyện của sao.
Chuyện đồng tính trên sân khấu
Chuyện của sao là chuyện về Cao Minh Hưng - một chàng diễn viên điển trai, tài năng và nổi tiếng. Sống giữa thế giới showbiz nhiều phức tạp, Minh Hưng phải làm quen với những việc như tự tạo xìcăngđan bằng phim giả tình thật, các thủ đoạn giành vai diễn, những hợp đồng ràng buộc với công ty quản lý, mối quan hệ khó hiểu với ông bầu...
Nhưng giữa những phù phiếm đó, điều làm cho anh cảm thấy mệt mỏi nhất chính là phải cố gắng sống khác con người thật của mình, che đậy tình yêu thật của mình để không làm mất hình tượng mạnh mẽ của một ngôi sao nam tính.
Minh Hưng là một người đồng tính - đó là cái kết rõ ràng của vở kịch. Cái kết đó mở ra một bi kịch của Hưng, của Lâm trong cái nhìn khắc nghiệt của xã hội, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Bi kịch đó không hề mới và ngày càng trở nên "thời sự" hơn trong thời gian gần đây.
Ở thời điểm hiện tại khi sân khấu đang chững lại với tình trạng khan hiếm kịch bản và phải dùng lại quá nhiều cái cũ, dường như đề tài đồng tính vốn nhạy cảm lại trở nên thời thượng và được khán giả chú ý.
Sân khấu Thế Giới Trẻ tuy mới ra đời chưa bao lâu nhưng liên tiếp dàn dựng nhiều vở có đề tài đồng tính hoặc có nhân vật “bóng”, giả gái.
Giải thích chuyện này, đạo diễn Ngọc Hùng (quản lý nghệ thuật) cho biết vì sân khấu của mình còn mới nên phải có cái gì để gây ấn tượng mạnh với khán giả.
Trước đó, nhà hát Thế Giới Trẻ cũng vừa ra mắt một vở kịch có tên Ðỏ, cam, vàng, lục, lam, tím - biểu tượng sáu sắc của người đồng tính. Kể về những khó khăn mà người đồng tính phải đối mặt trong cuộc sống và cảm xúc của người thân khi biết thành viên trong gia đình là đồng tính, vở kịch được đánh giá khá tròn trịa trong cách thể hiện.
Ðó là hai vở diễn mới nhất có góc nhìn khá trực diện và thẳng thắn về một trong những đề tài khá nhạy cảm nhưng lại rất "hot" này.
Trong vài năm qua, thỉnh thoảng khán giả cũng được xem những vở đề cập đến vấn đề này như: Phận làm trai (Kịch Sài Gòn, 2006), Người đàn bà không ngủ (Idecaf, 2006), kịch hình thể Stereo man (Nhà hát Tuổi Trẻ, 2007), Trai mới lớn (Kịch Phú Nhuận, 2008), Nhà trọ tình yêu (Sân khấu 5B) hay gần đây là Trai yêu, Chuyện hai chàng (Sân khấu Thế Giới Trẻ, 2010)...
Không hẳn thành một dòng kịch ồ ạt như kịch ma, kịch kinh dị, nhưng rõ ràng đề tài đồng tính đã làm nên một số lượng vở kịch đáng kể trên sân khấu hiện nay.
Không mới nhưng luôn nhạy cảm
Ðề tài đồng tính trên sân khấu không mới, thậm chí từng được khơi ra từ Tiếng chim vườn ngọc lan từ năm 1997 với một Lữ Ðạo Kinh (NSƯT Thành Lộc) mang tâm hồn phụ nữ nhưng trót sinh ra trong thân xác đàn ông. Ở thời điểm đó vở kịch đã tạo ra những tranh cãi gay gắt và trái chiều, nhưng không thể phủ nhận đó là lần đầu tiên trên sân khấu có một cái nhìn quyết liệt đến thế về đồng tính.
Từ đó đến nay đã gần 15 năm và sân khấu cũng đã đi qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng thời cuộc, nhưng đồng tính vẫn luôn là một dạng đề tài "khó nhằn" của cả người viết, người dựng, người diễn, người duyệt và người xem.
Từ chuyện lần đầu tiên xuất hiện cảnh hôn đồng tính giữa Khải (Hữu Nghĩa) và Chương (Tiết Cương) trong Phận làm trai cho đến cảnh Cúc (Cát Tường) nhìn trộm Mai (Mai Mai) thay quần áo trong Nhà trọ tình yêu, từ những hoang mang về giới tính của cậu bé Tân (Gia Bảo) trong Trai mới lớn cho đến chuyện anh chàng Vũ phải phẫu thuật thành Sunny Hạ (Phi Thanh Vân đóng) để có thể yêu Lộc Nam (Khương Ngọc) trong Trai yêu...; cách thể hiện thế nào là vừa đủ để không phản cảm hoặc tạo cảm giác ghê ghê nơi người xem vẫn là một điều rất khó với người làm kịch. Bởi đặc trưng của sân khấu là mọi thứ đều được thể hiện lồ lộ ngay trước mặt khán giả, không có những kỹ thuật góc máy hay xử lý hậu kỳ như phim ảnh để "khán giả tự hiểu".
Trong vở mới Chuyện của sao, đạo diễn Hồng Vân đã cho lồng ghép những thước phim thể hiện cảnh tình cảm đồng giới của Minh Hưng (Minh Luân) và Thanh Lâm (Việt Cường) trên sân khấu, cũng là một thủ thuật dàn dựng giảm tránh.
Ðồng tính rõ ràng là một đề tài hấp dẫn và gây nhiều tò mò, có thể vì nó... nhạy cảm. Nhưng làm sao để biến sự nhạy cảm trên sân khấu thành sự đồng cảm của người xem là việc không dễ dàng.
Cũng cần phân biệt rõ giữa việc phản ánh về đồng tính như một lát cắt của xã hội với việc cố tình giả gái để mua vui trên sân khấu. Nếu không, những lệch lạc và méo mó sẽ rất dễ sinh sôi giữa một nền sân khấu đang buồn tẻ như hiện nay.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)