Đối thoại để mở ra nhiều cánh cửa mới

01/01/2012 00:20 GMT+7

Những kết quả thiết thực, những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thật chặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã để lại dấu ấn đậm nét trong các chuyến công du sôi động.

Những kết quả thiết thực, những nụ cười rạng rỡ, những cái bắt tay thật chặt, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã để lại dấu ấn đậm nét trong các chuyến công du sôi động.

Ngày 11.11.2011 được xem là một ngày “đẹp”. Đối với Trung tâm Đông - Tây tại thủ phủ Honolulu của bang Hawaii, Mỹ thì còn là ngày “lịch sử” như lời của Chủ tịch trung tâm - tiến sĩ Charles E.Morrison. Đó là ngày Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trở thành lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam phát biểu tại Trung tâm Đông - Tây, một trong những viện nghiên cứu chính sách lớn nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, do quốc hội Mỹ lập năm 1960. Cử tọa hơn 200 người nhiệt liệt chào mừng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rồi liên tục vỗ tay suốt hơn 1 tiếng đồng hồ khi ông phát biểu về chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng như quan hệ Việt - Mỹ, và trả lời các câu hỏi. Trong các chuyến công du nước ngoài liên tục sau khi đắc cử vào tháng 7, Chủ tịch nước luôn gây ấn tượng tốt đẹp tại bất cứ đâu.

 
Tổng thống Singapore đón tiếp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Dinh Tổng thống tháng 9.2011 - Ảnh: Nguyệt Minh

Từ Singapore, Malaysia, Philippines đến Ấn Độ và Sri Lanka, từ Hàn Quốc đến Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đều tích cực đối thoại với lãnh đạo cấp cao các nước, với cộng đồng doanh nghiệp và kiều bào. Ông xem đó là một cách hiệu quả để chuyển tải thông điệp về chủ trương đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa và đa dạng hóa của Việt Nam, củng cố khối đoàn kết ASEAN cũng như mời gọi đầu tư, làm ăn tại Việt Nam, tham gia quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Thượng đỉnh và chân tình

Các chuyến công du của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Tại Hawaii, đoàn ta tích cực tham gia Tuần lễ cấp cao APEC vào đầu tháng 11 với hàng loạt cuộc họp quan trọng. Những ý kiến, phát biểu toàn diện và đi vào chiều sâu của Chủ tịch nước và các đại biểu đóng góp thiết thực cho thành công của hội nghị.

Trên bình diện song phương, chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, Chủ tịch Trương Tấn Sang liên tục tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của hơn 10 nước. Đó là chưa kể cuộc gặp chung với lãnh đạo 11 đảo quốc Thái Bình Dương. Nhờ đó, quan hệ của nước ta với các đối tác phát triển đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững. Việt Nam và một số nước đã ký thỏa thuận, hiệp định cũng như nhất trí nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó có Hiệp định Thương mại tự do với Chile.

 
Tổng thống Obama gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại APEC tháng 11.2011  - Ảnh: AFP

Các buổi làm việc, gặp gỡ giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với lãnh đạo các nước diễn ra nghiêm túc nhưng rất chân tình, thoải mái. Trong lần đầu gặp gỡ ngày 12.11, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tươi cười bắt tay thật chặt và trao nhau lời chào “Aloha” đặc trưng của Hawaii, vốn còn mang nghĩa là “hòa bình, hữu nghị”. Theo lời kể của các thành viên đoàn ta thì Chủ tịch Trương Tấn Sang trò chuyện trực tiếp bằng tiếng Anh khá lâu với Tổng thống Obama.

Một ví dụ khó quên khác là buổi hội kiến của Tổng thống Singapore Tony Tan tiếp đón Chủ tịch nước ngày 26.9. Tổng thống Tan nói ông ấn tượng rất sâu sắc về sự đổi mới và phát triển của Việt Nam kể từ lần đầu sang thăm vào tháng 11.1996 trên cương vị Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng vui vẻ chia sẻ về những điều thu nhận được trong lần sang Singapore tìm hiểu kinh nghiệm quản lý hành chính công cách đây đã gần 15 năm. Tựa như những người bạn gặp lại sau nhiều năm xa cách, cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra tự nhiên, cởi mở cho đến gần 11 giờ khuya.

Khẳng định chủ quyền, bảo đảm an ninh biển

Trong các chuyến công du, vấn đề biển Đông cũng đã được nêu ra. Các nước đều nhất trí với lập trường của Việt Nam về bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông; thống nhất giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở Công ước LHQ về luật Biển năm 1982. Tại Philippines, Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Benigno Aquino III nhấn mạnh thêm vai trò trung tâm của ASEAN và tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ các thỏa ước đã ký, như Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông trong giải quyết tranh chấp. Hai bên cũng đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa hải quân cũng như Bản thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa cảnh sát biển Việt Nam và Philippines.  

Các đối tác bên ngoài như Ấn Độ và Mỹ cũng tỏ ý góp phần duy trì an ninh biển và tự do hàng hải, ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp ở biển Đông, phản đối sử dụng vũ lực và ủng hộ các nước khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình theo luật pháp quốc tế.

 
Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devising Patil đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10.2011 - Ảnh: TTXVN

Những người có mặt tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Trung tâm Đông - Tây ở Hawaii vẫn còn ấn tượng trước tràng pháo tay vang dội của cử tọa khi Chủ tịch nước khẳng định: “Bất cứ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ cũng đều có ý thức đầy đủ về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình”. Chủ tịch nước nói thêm rằng Việt Nam ghi nhận sự quan tâm đáng trân trọng của Mỹ và một số nước đối với những vấn đề ở biển Đông.

Ấm lòng kiều bào

Vừa đáp chuyến bay xuyên đêm từ Hàn Quốc đến Hawaii, Chủ tịch nước đã tiếp liên tục nhiều vị khách quý. Thế nhưng, ông vẫn bước vào cuộc gặp gỡ đại diện Việt kiều và du học sinh với vẻ năng động và gần gũi quen thuộc. Dường như lịch trình dày đặc và chênh lệch múi giờ không hề ảnh hưởng tới Chủ tịch nước. Trên những chuyến bay dài, trong lúc nhiều người chợp mắt, ông vẫn tranh thủ đọc tài liệu và làm việc.

Trở lại với buổi gặp gỡ bà con ở Hawaii, mọi e dè, hồi hộp ban đầu hoàn toàn không còn nữa khi Chủ tịch Trương Tấn Sang và phu nhân bắt nhịp, cùng mọi người hát bài Nối vòng tay lớn. Chủ tịch nước khẳng định người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, mong muốn bà con tiếp tục hòa nhập với nước sở tại, đồng thời hướng về đất nước, đóng góp vào sự phát triển quê hương cũng như quan hệ Việt - Mỹ. Đối với băn khoăn của một số đồng bào e sẽ gặp khó khăn khi về Việt Nam, Chủ tịch nước nói, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như những khó khăn của kiều bào. Ông thuật lại cuộc gặp cởi mở với người bạn học cũ tại khu Little Saigon ở Sydney (Úc) dù không phải là không có những ngần ngại ban đầu. Những tiếng cười thoải mái sau câu chuyện dường như giúp xua tan mọi vướng mắc. Chủ tịch Trương Tấn Sang kêu gọi kiều bào về nước để mắt thấy tai nghe sự thật, để xóa bỏ những suy nghĩ và thông tin sai lệch.

Trong cuộc gặp gỡ thân mật với kiều bào tại Đại sứ quán Việt Nam ở Singapore và Malaysia, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng không ít lần nhắc đến quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước bạn, căn dặn kiều bào phải hết sức vun đắp, giữ gìn mối quan hệ đó và mong “kiều bào là chiếc cầu nối vững chắc để nối liền tình hữu nghị”.

“Chinh phục” doanh nghiệp

Đối thoại với doanh nghiệp các nước cũng là phần rất quan trọng trong các chuyến công du của Chủ tịch Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu Việt Nam. Khi các nhà đầu tư tỏ ra quan ngại về lạm phát tăng cao, về những thách thức kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Chủ tịch nước đã không né tránh mà thẳng thắn thừa nhận Việt Nam đang “đối mặt và quyết liệt giải quyết các vấn đề trên” thông qua việc tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng dần sang chiều sâu đi liền với rất nhiều giải pháp khác.

Giải đáp rành rẽ, thẳng thắn câu hỏi của các nhà đầu tư, Chủ tịch nước chuyển tải thông điệp rất rõ ràng, cởi mở của Việt Nam rằng trong quá trình tái cấu trúc, Việt Nam sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt cơ chế, chính sách để đảm bảo có lợi cho phát triển đất nước nhưng đồng thời bảo đảm doanh nghiệp đầu tư vào nước ta làm ăn có lãi.

Sự thẳng thắn và những cam kết mạnh mẽ từ người đứng đầu Nhà nước Việt Nam đã làm hài lòng các nhà đầu tư, mở ra những kỳ vọng mới về tương lai hợp tác. Đúng như niềm tin mà Chủ tịch nhóm chuyên gia Việt Nam (VN 2020) trẻ tuổi Nguyễn Thị Anh Đào bày tỏ trong cuộc gặp gỡ tại Singapore: “Với sự lãnh đạo sáng suốt và tâm huyết của Chủ tịch nước, cháu tin rằng Chủ tịch nước sẽ mở ra nhiều cánh cửa mới cho Việt Nam”.  

Việt Nam có thêm nhiều bạn mới

Trả lời PV Thanh Niên, tiến sĩ Charles E.Morrison, Chủ tịch Trung tâm Đông - Tây, bày tỏ ấn tượng sâu sắc sau khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến phát biểu tại đây. Theo ông: “Bài phát biểu của ngài chủ tịch rất toàn diện và cuốn hút. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất đối với cử tọa là phần trả lời thẳng thắn, rõ ràng của ông ấy đối với mọi câu hỏi. Tôi không biết nhiều về Chủ tịch Trương Tấn Sang trước đây nên không ngờ là buổi làm việc của ông ấy tại trung tâm lại thú vị như vậy. Tất cả đều rất ấn tượng đối với phong cách đĩnh đạc, không khô cứng mà năng động, lịch thiệp của ngài chủ tịch. Sự có mặt của ông ấy đã giúp Việt Nam có thêm rất nhiều người bạn mới tại Hawaii. Tôi đã nghe nhiều nhận định tích cực về phong cách của ngài chủ tịch sau đó.

Tựu trung, tôi nghĩ ông ấy đã rất thành công trong thời gian làm việc tại Hawaii, không những ở Trung tâm Đông - Tây, mà còn trong các buổi tiếp xúc với Tổng thống Barack Obama, các nhà lãnh đạo APEC khác cũng như cộng đồng doanh nghiệp”.

Trọng Kha (thực hiện)

Trọng Kha - Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.