Những vấn đề nóng bỏng của giới trẻ Việt được giải mã theo góc nhìn của Tiến sĩ Trần Xoáy - Xuân Bắc (ảnh) (chương trình 'Hỏi xoáy - Đáp xoay' VTV3).
Mục đích sống
Là nhân vật “hot” của giới trẻ, TS Xoáy nghĩ gì về người trẻ trong năm qua?
Giới trẻ tràn đầy nhiệt huyết trong Năm Thanh niên với nhiều hoạt động vì cộng đồng, hướng về biên giới, hải đảo với sự sáng tạo, sức trẻ. Đặc biệt là câu chuyện hội nhập. Họ có thể ngồi ở Việt Nam nhưng làm việc toàn cầu, khẳng định tên tuổi trên đấu trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, năm qua cũng nóng bởi bạo lực học đường, tội phạm ngày càng trẻ hóa. Một bộ phận bạn trẻ sống không có lý tưởng, không biết ngày mai, hành động không có mục đích.
|
Dường như nhiều bạn còn mơ hồ về lý tưởng?
Đúng vậy! Nhiều bạn không rõ lý tưởng là gì. Lý tưởng tôi muốn nói ở đây là mục đích sống. Bạn sẽ có hàng loạt sai lầm khi không xác định mục đích sống. Vì sao một bộ phận bạn trẻ hành động máu lạnh, thậm chí giết cả người thân? Vì họ không có lý tưởng, không có nhận thức đúng đắn nên khi thiếu tiền, bị nhìn đểu, bị cấm đoán... sẵn sàng hành động phạm pháp để thỏa mãn nhu cầu.
Chứng kiến nhiều hình ảnh, sự việc khi chưa có kỹ năng phân tích, nhìn nhận khiến họ trở nên quá tả- đi ngược lại với sự phát triển chung của xã hội bằng hành động nóng vội.
|
Sống thật trong thế giới ảo
Xã hội bàn nhiều về sự vô cảm của một bộ phận người trẻ, TS Xoáy nghĩ sao?
Đừng nói người trẻ vô cảm. Hãy nhìn vào hành động. Họ sẵn sàng đến với người nghèo, sẻ chia manh áo, bữa cơm; họ tình nguyện nhặt đinh, vá đường, làm cầu, sửa nhà...Tôi thấy trong cuộc sống còn nhiều lắm tình người, quan trọng là cách bạn trẻ chọn nơi thể hiện tình cảm.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ đang mất niềm tin vào một số hiện thực xã hội. Tin sao được khi có nhiều người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi, phạm tội như thuê trẻ con để đi ăn xin, trộm xe giữa lúc tai nạn nhốn nháo, dàn cảnh tai nạn để cướp... Họ khép mình vì phải lo cho cuộc sống, không thấy an toàn khi giúp đỡ người khác.
Phải chăng cũng vì mất niềm tin mà họ thấy vui hơn khi sống trong thế giới ảo?
Thế giới ảo là một phần cuộc sống. Tôi nghĩ, bạn trẻ ngày càng chìm sâu vào thế giới ảo bởi trong cuộc sống thực không tìm thấy những điều họ muốn như sự kết nối, chia sẻ, giải trí... Lãng phí thời gian, năng lượng vào thế giới này cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự tiêu cực. Nếu chúng ta tạo ra thế giới thật đẹp hơn thế giới ảo, chuyện sẽ khác.
Định hướng thẩm mỹ
Theo TS, chọn và hành động theo thần tượng ảnh hưởng thế nào tới bạn trẻ?
“Trước mỗi việc khó tôi thường đặt câu hỏi phải làm gì và có làm được không để xác định hướng đi. Thời sinh viên tôi vẫn đạp xe hàng chục cây số đi học, đi làm thêm, ăn mì tôm nửa gói một bữa... Tôi vẫn thấy vui, không ngại khó, luôn đi về phía trước” - TS Xoáy. |
“Show hàng” ồ ạt và sự lên ngôi của thành ngữ tuổi teen hâm nóng cộng đồng trẻ năm qua, TS Xoáy nghĩ gì?
Có cầu ắt có cung. Đó là hệ quả của kinh tế thị trường bởi có người muốn xem thì có người muốn cởi. Tại sao lại chấp nhận khoe ngực để nổi tiếng? Sự dễ dãi của một số bạn đã vô tình làm xã hội nhìn lệch hình ảnh người trẻ. Định hướng thẩm mỹ đang bị buông lỏng và truyền thông cũng có lỗi trong vấn đề này với vô số chuyện về người đẹp đọ ngực, ca sỹ X, người mẫu Y lộ hàng... được đăng tải.
Tôi đang có ý định biên tập cuốn sách kiểu như Sát thủ đầu mưng mủ, loại bỏ những câu nhạy cảm hoặc đi ngược với truyền thống. Thực ra đây không phải là sự lên ngôi mà phù hợp với sự phát triển tự nhiên, phản ánh đúng đời sống hiện tại. Nếu sử dụng đúng mục đích sẽ giúp cuộc sống vui vẻ hơn, tăng giá trị tiếng Việt và có hiệu quả nhất định trong công việc. Những từ cao thủ ăn đu đủ, dã man con ngan... đã sử dụng nhiều trong các tiểu phẩm trước đây.
Thích dùng đồ hiệu, xe sang dù chưa làm ra tiền, thích hưởng thụ ngại dấn thân, lối sống ấy đang hình thành ở nhiều bạn trẻ. Điều này có đáng lo?
Có ai bảo họ không muốn hưởng thụ không? Điều ấy không tưởng. Tôi cũng muốn hưởng thụ, muốn cuộc sống an nhàn, sung sướng. Nhưng sự khác biệt ở đây là nhận thức. Thay vì nhận ra để phải làm, phải cống hiến, một số bạn trẻ lại tìm cách lấy tiền của gia đình, thậm chí cướp giật để xài sang. Thay đổi từ nhận thức đến hành vi là câu chuyện dài. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy đa số bạn trẻ có nội lực vươn lên mạnh mẽ, tìm mọi cách để vượt qua khó khăn.
Là Đại sứ An toàn giao thông, TS Xoáy dự định làm gì để thu hút bạn trẻ?
Năm mới tôi đã mua xe đạp điện để đi làm với thông điệp hạn chế khói xe trên đường phố. Tôi thường chia sẻ với bạn trẻ chuyện thật của bạn tôi đã mất vì tai nạn giao thông rằng: “Đừng kéo dài tay ga để kéo ngắn đời bạn, thay vì thi chạy nhanh, bạn hãy thi đi chậm để an toàn”. Mọi người còn nhìn lớp trẻ bằng con mắt xét nét, khắt khe. Cuộc khảo sát nhỏ của riêng tôi trên đường phố lại cho thấy người trung tuổi trở lên vi phạm luật giao thông còn nhiều hơn bạn trẻ.
Cảm ơn TS Xoáy.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)