Tìm thấy phao bè, xuồng cứu sinh của tàu Vinalines Queen

02/01/2012 01:07 GMT+7

Trong cuộc gặp gỡ giữa đại diện gia đình các thuyền viên trên tàu Vinalines Queen với lãnh đạo công ty và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) hôm qua, nhiều bức xúc được nêu ra về việc tìm kiếm đã không được triển khai hiệu quả.


Gần đến nửa đêm nhưng không khí trong phòng phối hợp cứu nạn vô cùng căng thẳng, chờ thông tin phối hợp từ các nước bạn - Ảnh: Lê Quân

Chiều 1.1, đoàn công tác của Công ty vận tải biển (VTB) Vinalines ở Philippines đã có báo cáo đầu tiên gửi về. Trước đó, ngày 31.12.2011 có thông tin từ MRCC Hồng Kông xác báo nhìn thấy một xuồng cứu sinh và một phao bè cứu sinh của tàu Vinalines Queen không có người, bị hư hỏng. Vị trí trôi dạt tại 20-04.3N 119-25.9E và đã đề nghị đưa trực thăng ra tìm kiếm.

Phải Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia vào cuộc thì mới làm được, riêng cứu nạn hàng hải thì không đủ sức. Bây giờ là quá muộn nhưng chưa phải là tuyệt vọng. Tôi tin rằng còn nhiều anh em vướng vào mấy cái đảo san hô, hàng trăm đảo san hô ở khu vực đó

Ông Lê Bá Hợp, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty bảo đảm hàng hải Việt Nam, anh trai máy trưởng Lê Bá Trúc

Sau khi làm việc với phía Philippines, đại diện VTB Vinalines kết hợp với vị trí phát hiện phao bè, vị trí thủy thủ được vớt, cho thấy vật thể trôi từ đông sang tây. Tuy nhiên, điều này rất khó hiểu nếu đặt trong tình huống tàu bị nạn trong điều kiện gió đông bắc cấp 8 - 9, yếu tố phân bố gió vùng Luzon tháng 12.2011 và ảnh hưởng dòng chảy Kuroshio.

Đoàn công tác cũng cho rằng việc lật tàu diễn ra rất nhanh sau bức điện báo cuối cùng của thuyền trưởng nên khả năng sống sót của các thủy thủ còn lại là không cao. Nếu có, khả năng các thủy thủ trôi dạt vào các đảo hoang khu vực Balintang Chennel. Đoàn sẽ tìm kiếm khu vực này và cần phối hợp với các ngư dân bởi đây là khu vực đảo hoang xa xôi.

Có thể vướng ở các rạn san hô

Ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám đốc Công ty VTB Vinalines cho biết việc tìm kiếm chưa giới hạn thời gian. Mục tiêu hàng đầu lúc này là tìm kiếm, cứu nạn, sau đó sẽ phối hợp tìm nguyên nhân tàu bị chìm.

Một thông tin đáng chú ý được ông Hạnh đưa ra là trước khi rời cảng tại Indonesia, thuyền trưởng đã báo cáo việc chở ni ken được thực hiện theo đúng quy trình. Tàu kiểm định tháng 1.2011 vì vậy việc tàu không phát tín hiệu nào khi bị chìm là điều hết sức khó hiểu.

Tuy nhiên, tại cuộc gặp gỡ chiều qua với lãnh đạo Công ty VTB Vinalines cũng như Việt Nam MRCC, đại diện 7 gia đình thuyền viên cho rằng Công ty VTB Vinalines chưa làm hết trách nhiệm, và việc tìm kiếm chưa thực sự quyết liệt. Ông Lê Bá Hợp, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty bảo đảm hàng hải Việt Nam, anh trai máy trưởng Lê Bá Trúc (Thanh Hóa) chỉ ra rằng công tác tìm kiếm vừa qua chưa thích hợp và chưa đủ, khi máy bay không thể tìm thấy thì phải huy động tàu thuyền. Theo ông Hợp, khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn có rất nhiều đảo san hô nên vẫn có thể các thuyền viên mắc kẹt ở đó. Ông Hợp nói: “Quá trình, tiến trình tìm kiếm có rất nhiều khiếm khuyết. Tôi hỏi làm sao mấy ngày hôm trước máy bay các anh bay ở đâu? Nếu là máy bay của bảo đảm hàng hải Nhật Bản thì họ thừa sức tìm được. Phải Ủy ban Tìm kiếm cứu nạn quốc gia vào cuộc thì mới làm được, riêng cứu nạn hàng hải thì không đủ sức. Bây giờ là quá muộn nhưng chưa phải là tuyệt vọng. Tôi tin rằng còn nhiều anh em vướng vào mấy cái đảo san hô, hàng trăm đảo san hô ở khu vực đó”.

Bà Trần Thị Thắng, vợ của máy trưởng Lê Bá Trúc, đại diện cho gia đình 22 thuyền viên đề nghị: "Công ty, các cơ quan, trung tâm cứu nạn và nhà nước tham gia cấp cứu khẩn trương để tìm kiếm sự sống chết của chồng, con chúng tôi. Chúng tôi vẫn thắc mắc là công tác cứu nạn của công ty và các trung tâm cứu nạn làm vậy có khẩn trương không, kịp thời không? Cái thứ hai là tàu Vinalines Queen hiện đại như thế, nhất nhì Việt Nam mà xảy ra tai nạn như thế. Cái thứ ba đây là vấn đề nhạy cảm tôi không muốn nói nhưng vẫn phải nói là mức bảo hiểm bồi thường như vậy có xứng đáng không?”.

Đáp lại, ông Nguyễn Văn Hạnh nói Công ty VTB Vinalines chịu trách nhiệm trước sự cố này và sẽ nỗ lực cùng gia đình các thuyền viên làm tất cả những gì có thể để tìm kiếm họ.

Điện thoại thuyền viên vẫn đổ chuông?

Trong một diễn biến khác, người nhà của thủy thủ Ngô Văn Lâm (quê Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết, trước khi tàu gặp nạn, anh Lâm đã liên lạc về nhà bằng một số điện thoại 15 số (006282190493783). Nhiều cuộc gọi sau đó gia đình và Lâm vẫn liên lạc được bằng số này. Kể từ khi tàu Vinalines Queen gặp nạn, người nhà vẫn gọi nhiều lần vào số máy này và thỉnh thoảng có đổ chuông, một số lần khác không liên lạc được. Mới đây nhất, ngày 31.12.2011, trong một lần gọi vào số máy trên, người gọi vẫn thấy đổ chuông.

Theo ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty mạng lưới Viettel, nếu thông tin của người nhà nạn nhân cung cấp là đúng thì nhiều khả năng chiếc điện thoại này đã bị thuyền viên để ở một nơi khác trước khi xuống tàu hoặc cũng có thể thuyền viên cùng điện thoại không có mặt trên tàu vào thời điểm tàu bị đắm. Một khả năng khác là vì lý do nào đó chiếc điện thoại nổi lên trên mặt biển (có thể do mắc vào vật thể nào đó chứ bản thân chiếc điện thoại không có khả năng tự nổi) thì vẫn có thể thu nhận tín hiệu cuộc gọi. Bởi lẽ, theo ông Thắng không thể có khả năng điện thoại chìm theo tàu xuống dưới độ sâu hàng ngàn mét mà vẫn có thể nhận được cuộc gọi.

Phía Viettel cũng đã giúp Thanh Niên xác minh số điện thoại di động 006282190493783 mà thuyền viên Vinalines sử dụng là thuộc mạng di động Telkomsel của Indonesia.

Trường Sơn - Káp Long

Trắng đêm chờ tung tích người thân

Đến 22 giờ 45 đêm qua, thân nhân các thủy thủ mất tích cùng tàu Vinalines Queen và đại diện Công ty VTB Vinalines vẫn túc trực cùng 10 nhân viên của Việt Nam MRCC tại số 8 Phạm Hùng, Hà Nội để chờ tín hiệu từ đơn vị tìm kiếm cứu hộ các nước, đồng thời tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ để thuê tàu cứu nạn chuyên nghiệp trên biển.

Tổng giám đốc Việt Nam MRCC Nguyễn Anh Vũ cho biết, tất cả đã thống nhất phương án, ngoài thuê trực thăng, sẽ thuê thêm tất cả các tàu có hiệu quả, bất chấp kinh phí như thế nào. Trước đó, xuất hiện thông tin tìm được xác 3 nạn nhân trong vụ chìm tàu, tuy nhiên, đến đêm qua, người thân của các thủy thủ cũng như cơ quan tìm kiếm đã bác bỏ thông tin này.

Cũng theo ông Vũ, gia đình các nạn nhân có thông tin, 3 số điện thoại của thủy thủ vẫn đổ chuông khi gọi, nếu đó là chính xác thì rất có thể điện thoại đang nằm ở một nơi khác, không phải trên tàu vì tàu chìm thì điện thoại cũng phải hỏng, không thể có tín hiệu được.

Thân nhân của các nạn nhân cho biết, chiều nay, đại diện tàu Vinalines Queen đã gửi đề nghị đến Interpool nước bạn để xác định vị trí, tọa độ của các số điện thoại vẫn đổ chuông khi liên lạc.

Lê Quân

Mai Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.