(TNO) 2011 là năm đầy bất ngờ trong lĩnh vực công nghệ. Dự kiến 12 tháng sắp tới sẽ chẳng kém cạnh với những biến chuyển giúp hình thành xu hướng công nghệ mới, trong khi các công nghệ đã tồn tại sẽ phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Sự trình làng của thiết bị “biến hình”
Chỉ vài năm trước đây, chuyện con người sẵn sàng vứt bỏ máy tính để bàn (PC) và chuyển sang máy tính xách tay (laptop) có vẻ như chẳng thể nào xảy ra được. Xét ở nhiều khía cạnh, laptop có màn hình nhỏ hơn mà hiệu năng lại thua xa dòng PC. Tuy nhiên, mọi chuyện khác hẳn trong giai đoạn hiện nay, khi mà laptop được trang bị các bộ xử lý đa nhân "khủng" cũng như chip đồ họa không thể nào chê được. Nếu cần thiết, một laptop vẫn có thể thay thế PC trên bất cứ phương diện nào.
Chuyện đang diễn ra tương tự với máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smartphone). Vào năm 2012, sẽ có nhiều thiết bị giống Motorola Atrix hơn, có thể biến thành laptop khi được gắn vào chân đế (dock) kết nối với laptop.
Điểm đặc biệt là bạn chỉ cần một thiết bị thông minh, smartphone hoặc tablet, để làm mọi thứ cần thiết trong tương lai. Tuy nhiên, bạn phải cần nhiều đế (dock) hoặc bàn phím hoặc màn hình để gắn vào những thiết bị thông minh của mình và từ đó khuếch đại tính năng của chúng.
Trong năm 2012, chúng ta cũng sẽ chứng kiến sự bùng nổ của laptop chạy bộ xử lý 4 nhân với sự dẫn dắt của "kẻ biến hình" Transformer Prime của Asus hay vài mẫu iPad mới trong thời gian tới.
Tất nhiên sẽ còn lâu PC và laptop mới bị xóa sổ trong giới công nghệ, nhưng thiết bị di động sẽ đóng vai trò thiết bị trung tâm trong cuộc sống của con người hiện đại.
|
PC cũng “chạm” được
Bên cạnh phần cứng được nâng cấp lên mức chưa từng có, các thiết bị di động sẽ cần đến các nền tảng như Windows 8. Hệ điều hành sắp tới của Microsoft được xác nhận sẽ là đợt nâng cấp lớn nhất trong lịch sử của hãng này cho một mục đích: kết hợp các thiết bị di động và PC với một hệ điều hành duy nhất.
Windows 8 hỗ trợ tối đa tương tác chạm, và được thiết kế giống như hệ thống cửa sổ dạng "xếp tầng" trong hệ điều hành di động Windows Phone. Các biểu tượng lớn hơn và giao diện thân thiện hơn sẽ cùng xuất hiện trong lần nâng cấp này. Hơn thế, lần đầu tiên nút Start quen thuộc cũng như thanh tác vụ sẽ biến mất khỏi Windows.
Cùng với sự ra đời của Windows 8, mọi loại thiết bị, từ smartphone, laptop đến PC, sẽ chạy chung một nền tảng (hệ điều hành). Nếu thích Windows 8 trong tương lai, có thể cân nhắc dòng máy tính bảng Samsung Slate PC, với bộ xứ lý lõi kép cực mạnh của Intel. Hiện PC Slate chỉ chạy Windows 7, nhưng năm 2012 sẽ chứng kiến những thiết bị dạng này chạy Windows 8.
|
Năm khó khăn cho Apple
Năm 2012 không chỉ khó khăn vì Steve Jobs đã ra đi, mà còn về chiến lược sắp tới của một công ty chuyên giành thắng lợi nhờ vào những sản phẩm chủ lực có độ phát triển vượt bậc về mặt công nghệ. Khi iPod qua thời làm nên chuyện, iPhone trở thành thiết bị thay thế gây chấn động; khi các smartphone chạy Android đang chiếm ưu thế trong năm 2010, chiếc iPad lập ra một phân khúc mới mà Apple đóng luôn vai trò thống trị.
Câu hỏi trong năm 2012 là cái gì sẽ xuất hiện sắp tới đây? Tất nhiên, sẽ có thêm các phiên bản mới của iPhone (sau đời iPhone 4S gây thất vọng) và iPad. Nhưng liệu các đợt nâng cấp này có thể giúp Apple giữ vững ngôi vị đỉnh cao như hiện nay, hoặc sẽ đến lúc "nhà táo” nhận ra rằng mình không còn đủ khả năng giữ được phong độ lâu nay?
Sự trỗi dậy của dòng máy tính xách tay ultrabook (máy tính siêu mỏng) chạy Windows vào năm 2011 là câu trả lời rõ ràng nhất về tốc độ bắt kịp nhanh chóng của các đối thủ trong làng công nghệ, và trong trường hợp này là MacBook Air.
Trong 12 tháng tới, Apple sẽ lọt vào tình thế ngày càng khó khăn hơn. Người dùng thường sẵn sàng chấp nhận bất kỳ sản phẩm nào của Apple do hãng này luôn tung ra những thiết kế nổi bật và khác biệt. Nếu không nắm trong tay một tay chơi tầm cỡ mới, "nhà táo” khó lòng trụ hạng.
Sự xuất hiện TV thông minh
Từng đôi lần được dự đoán “hụt” thời điểm trình làng trước đây, TV thông minh được dự kiến sẽ chính thức được tung ra vào năm 2012, và dòng sản phẩm này sẽ làm được nhiều việc hơn là chỉ kết nối nhà đài cung cấp truyền hình cáp hoặc chạy đầu phát Blu-ray.
Với sự ra đời của các thế hệ TV mới, con người chỉ việc ngồi trước màn hình lớn và kết nối thẳng vào internet, thoải mái cập nhật thông tin trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter… Nếu buồn tình muốn tán gẫu (chat) với bạn bè, cứ chat thẳng qua TV, hoặc trong lúc xem bóng đá vẫn tra cứu được thông tin trên Google.
Điểm khác biệt chủ yếu giữa thế hệ TV hiện tại với TV thông minh trong tương lai là khả năng này sẽ được tích hợp thẳng vào thiết bị chứ không phụ thuộc vào các đầu thu tín hiệu hoặc một đài truyền hình thứ 3 nào.
Bùng nổ tablet dưới 100 USD
Máy tính bảng Kindle Fire đã tạo nên trào lưu tablet giá rẻ, khi được bán với giá 199 USD. Tuy nhiên, sắp tới đây chúng ta có thể tận hưởng một thế hệ tablet mới chạy Android với giá cực mềm, từ 100 USD trở xuống. Tất nhiên, với giá này khách hàng sẽ phải chấp nhận những gói dịch vụ kèm theo như tiền truy cập internet từ 10 đến 15 USD/tháng.
Hiện máy tính bảng giá rẻ đang được mong đợi tại những nước đang phát triển, và Ấn Độ đã thành công khi giới thiệu chiếc Aakash giá chỉ 35 USD. Dù phiên bản hiện tại vẫn còn cồng kềnh và chưa phù hợp, nhưng dự đoán các phiên bản sau sẽ được cải tiến ở mức chấp nhận được.
Ứng dụng nhận dạng giọng nói
Cố chủ tịch của Apple là Steve Jobs đã cách mạng hóa sự tương tác của người dùng bằng việc phổ cập giao diện Windows và chuột. Với trợ lý cá nhân Siri trên iPhone 4S, ông đã một lần nữa tạo được "phép màu".
Siri được đánh giá vượt xa mọi smartphone với khả năng xử lý "khẩu lệnh" và phần mềm này ngày càng được hoàn thiện qua các đợt nâng cấp. Apple chắc chắn sẽ tích hợp công nghệ này vào các thiết bị tương lai như Apple TV, các phiên bản sau này của iPad và iMac. Siri cũng có thể đóng vai trò kích hoạt một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực ứng dụng giọng nói trong các thiết bị di động.
Thời của mây điện toán
Công nghệ mây điện toán đang bao trùm nhiều lĩnh vực trong thế giới công nghệ. Các công ty đang nhanh chóng chuyển những dữ liệu chủ chốt nhất lên mạng và cất chúng vào những máy chủ được bảo đảm an ninh cao độ. Tuy nhiên, dù có được bảo đảm đến cỡ nào đi chăng nữa, khả năng rò rỉ thông tin vẫn có thể xảy ra. Nếu không sớm tìm ra cách kiện toàn, chẳng mấy chốc con người sẽ nhận ra rằng mình đang cất mọi dữ liệu quan trọng vào những chiếc hộp "trên mây" cực kỳ nguy hiểm.
Một đợt tấn công mạng thành công từ bọn tin tặc có thể gióng lên hồi chuông cáo chung cho công nghệ này, nếu không cẩn thận. Tuy nhiên, dự đoán điện toán đám mây sẽ vẫn là xu hướng công nghệ thời thượng trong giai đoạn sắp tới.
Phi Yến
(tổng hợp)
>> 10 câu chuyện công nghệ đình đám nhất 2011
>> Công nghệ năm 2011: Nóng trên mọi lĩnh vực
Bình luận (0)