Học sinh lớp 5 kinh doanh sách báo

05/01/2012 00:30 GMT+7

Với cái tên Super Book, 12 học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) đã đề ra dự án kinh doanh sách báo và đoạt giải nhất “Doanh nghiệp tí hon”, cuộc thi trong chương trình Giáo dục kỹ năng tài chính cho học sinh tiểu học của Tổ chức phi chính phủ Junior Achievement tổ chức ở Việt Nam.

Với cái tên Super Book, 12 học sinh Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) đã đề ra dự án kinh doanh sách báo và đoạt giải nhất “Doanh nghiệp tí hon”, cuộc thi trong chương trình Giáo dục kỹ năng tài chính cho học sinh tiểu học của Tổ chức phi chính phủ Junior Achievement tổ chức ở Việt Nam.

Dự án kinh doanh sách báo của những học sinh này đoạt giải không phải vì khả thi với lợi nhuận cao mà đã thể hiện được những gì các em học trước đó về cách tạo ra lợi nhuận dựa trên đạo đức kinh doanh, ý nghĩa của dự án đến cộng đồng, cách tiết kiệm tối đa, giá trị của đồng tiền....

Mặc dù hai chữ “dự án” nghe to tát, nhưng vốn đầu tư cho việc kinh doanh sách báo của các em chỉ hơn 3,5 triệu đồng. Những sản phẩm mà nhóm học sinh này dự tính mang đến cho khách hàng của mình là sách giáo khoa, sách tri thức, báo, tạp chí và truyện tranh cho học sinh.

 
Không chỉ biết mua sách báo, ngay từ tiểu học, học sinh đã có ý tưởng kinh doanh lĩnh vực này - Ảnh: Hữu Tâm

Trần Đặng Vân Anh, trưởng nhóm, chia sẻ: “Cả nhóm em chọn ý tưởng này vì cho rằng sách báo rất có ích và ý nghĩa khi cung cấp tri thức cho mọi người. Tuy nhiên, bây giờ người ta lại không thích đọc sách nữa. Vì vậy, chúng em muốn quảng bá và mang sách đến cho mọi người với giá thành rẻ hơn”. Trong bản kế hoạch dự án, nhóm lên kế hoạch phát động phong trào đọc sách, báo trong nhà trường, phát tờ rơi và quảng cáo trên các trang mạng xã hội.

Chị Trần Thị Hồng Châu, phụ huynh có con tham gia viết dự án này cho biết, thông qua dự án, con trai chị không chỉ có kiến thức khi mua sắm đồ dùng, phân biệt quảng cáo đúng hoặc sai sự thật mà còn biết tiết kiệm tiền cho gia đình. Chị kể: “Hồi đó nếu dẫn đi siêu thị hay vô nhà sách, bé mua nhiều thứ linh tinh lắm, có khi ở nhà có rồi vẫn mua thêm. Thế nhưng, bây giờ tôi kêu bé mua, bé bảo chưa cần thiết nên lại thôi”. Lê Trịnh Phương Như, một thành viên của nhóm, cho biết có thử làm doanh nghiệp, tính toán tiền bạc chi tiêu sao cho hợp lý, bản thân em đã hiểu hơn về giá trị đồng tiền. Mỗi lần mua gì, Như đều cân nhắc từng món hàng mới mua.

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng giáo dục kỹ năng tài chính cho học sinh là ý tưởng mới và cũng cần thiết cho các em.  

Hữu Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.