Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức “Dự án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, đại diện JICA, ông Matsuda Hirotoshi, cho biết dự án này hoạt động bằng nguồn vốn ODA, được thỏa thuận giữa 2 chính phủ Nhật Bản - VN. Phía Nhật sẽ cử tình nguyện viên là những chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm và rất uy tín trong nhiều lãnh vực khác nhau hỗ trợ miễn phí cho các doanh nghiệp Việt Nam. Như ông Matsuda trước đây là Giám đốc điều hành Công ty NEC Display Solution, một trong những hãng hàng đầu của Nhật về màn hình và máy chiếu. Sau khi về hưu, ông sang TP.HCM làm tình nguyện viên cho JICA.
|
Dự án phát triển ngành công nghiệp phụ trợ nhằm mục đích chuẩn bị cho việc gia nhập Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (năm 2015), và tiến tới mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 của Việt Nam. JICA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải tiến chất lượng sản phẩm, giá cả, thời gian giao hàng, năng suất sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng yêu cầu để trở thành nhà cung cấp phụ tùng chuyên nghiệp cho các công ty sản xuất lớn của Nhật Bản và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại VN. Đối tượng hỗ trợ cụ thể là doanh nghiệp hoạt động trong 14 lĩnh vực kỹ thuật: khuôn/ren/đồ gá, lắp ráp, phụ liệu đóng gói, nhựa/cao su, bảo trì thiết bị, gia công cơ khí, rèn, linh kiện điện - điện tử, nhiệt luyện, linh kiện dập, đúc áp lực, xi mạ/sơn, hàn, đúc. Các lãnh vực này là nền tảng để phát triển 4 ngành công nghiệp lớn là sản xuất xe hơi, xe máy, điện-điện tử và máy móc.
Theo ông Matsuda, các công ty Nhật và nước ngoài đến VN luôn muốn hợp tác, sử dụng nguồn nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị máy móc từ các nhà cung cấp trong nước để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có sự hoạt động thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp VN khiến khả năng hợp tác bị hạn chế đáng kể. Hậu quả là tỷ lệ cung ứng linh kiện nội địa cho các doanh nghiệp nước ngoài của nước ta khá thấp so với nhiều quốc gia ASEAN khác. Số liệu của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy năm 2010,
tỷ lệ nội địa hóa linh kiện của các doanh nghiệp Nhật đầu tư ở VN chỉ 22,4%, thấp hơn hẳn so với Thái Lan (56,1%), Malaysia (45,9%) hay Indonesia (42,9%). Ông Matsuda nhận định nếu không cải tiến tính chuyên nghiệp trong sản xuất và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nhiều doanh nghiệp sẽ có nguy cơ phá sản khi VN tham gia Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN vào năm 2015.
Để được hỗ trợ miễn phí, các doanh nghiệp VN thuộc 14 lãnh vực kể trên cần liên hệ với văn phòng JICA tại HN và TP.HCM để được hướng dẫn điền phiếu thu thập thông tin doanh nghiệp. Dựa vào những thông tin đó, JICA đánh giá sơ lược, nếu đúng đối tượng hỗ trợ sẽ cử chuyên gia cùng thông dịch viên đến tham quan thực tế tại cơ sở sản xuất và phỏng vấn trực tiếp. Theo ông Matsuda, quy mô sản xuất không phải là yếu tố hàng đầu mà JICA sẽ ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp tỏ ra nhiệt tình hợp tác và chứng tỏ được thiện chí muốn khắc phục thiếu sót.
Sau khi quyết định hỗ trợ, chuyên gia Nhật sẽ đến cơ sở của doanh nghiệp 2 tuần/lần để huấn luyện thực tiễn và thường xuyên liên lạc qua điện thoại, thư điện tử. Các chuyên gia cũng ra bài tập để doanh nghiệp giải quyết trong quá trình huấn luyện. Thời gian hỗ trợ kéo dài từ 3-6 tháng. Kết thúc khóa huấn luyện, JICA vẫn thường xuyên giữ liên lạc, tiếp nhận thông tin và nếu được yêu cầu thì 1-2 tháng sau sẽ quay lại đánh giá tình hình duy trì những biện pháp cải tiến của doanh nghiệp.
Ngoài ra, JICA sẽ chọn lựa các doanh nghiệp tiêu biểu để đài thọ toàn bộ chi phí sang Nhật tập huấn 2 tuần. Năm 2010 có 4 doanh nghiệp ở HN và 4 doanh nghiệp tại TP.HCM được chọn, còn năm nay có 10 suất chia đều cho 2 thành phố này. Các doanh nghiệp tham gia chương trình sau khi về nước sẽ làm việc theo nhóm. Sau khi tự chỉnh sửa những thiếu sót của cơ sở mình sẽ báo cáo và tham quan thực tế qua lại lẫn nhau để cùng rút kinh nghiệm.
Tính đến nay, JICA đã hỗ trợ xong cho 16 doanh nghiệp, giúp gia tăng tuổi thọ máy móc, cải thiện và quản lý chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, tiết kiệm nguyên vật liệu… Thông tin về các doanh nghiệp này được đăng trên website của JETRO và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI). Đây là một lợi thế đáng kể vì các công ty Nhật đầu tư vào VN muốn tìm kiếm đối tác đáng tin cậy có thể vào các website này để tham khảo.
Liên hệ đăng ký tham gia dự án: Văn phòng JICA TP.HCM: - Địa chỉ: Tòa nhà Vạn Mỹ, lầu 5, 278 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3 - Điện thoại: (08) 39 30 97 48 - 39 30 97 49 - Fax: (08) 39 30 97 47 - Email: hirotoshi.matsuda@gmail.com Văn phòng JICA Hà Nội: - Địa chỉ: Tầng 7, Trung tâm thương mại Daeha, 360 Kim Mã, Q.Ba Đình - Điện thoại: (04) 37 24 50 30 - Fax: (04) 37 24 50 32 |
Lan Chi
Bình luận (0)