Như Thanh Niên đã đưa tin, UBND TP.Đà Nẵng giao Công an TP tạm dừng giải quyết đăng ký hộ khẩu (HK) mới đối với các trường hợp có chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không có nghề nghiệp ổn định... khiến cơ quan này rối bời.
>> “Không dùng hộ khẩu để hạn chế các quyền khác của công dân”
>> Đà Nẵng ra nghị quyết hạn chế nhập cư
Có mặt tại Trung tâm hành chính Q.Liên Chiểu sáng 5.1, chúng tôi ghi nhận tại "tổ một cửa" mọi hoạt động diễn ra bình thường. Bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục HK của Đội CSHC TTXH (Công an Q.Liên Chiểu) vẫn tiếp nhận hồ sơ làm HK.
|
Một cán bộ công an khẳng định, đến giờ này vẫn chưa nhận được văn bản nào của Công an TP về việc tạm dừng giải quyết đăng ký HK mới đối với các trường hợp nêu trên. Vì vậy, hồ sơ nào hợp pháp, hợp lệ, đầy đủ thủ tục mà luật Cư trú quy định đều được giải quyết. Công an Q.Ngũ Hành Sơn cũng xử lý tương tự.
"Cầm đèn chạy trước ô tô"
Ngược lại, tại Trung tâm hành chính Q.Sơn Trà, Công an quận đã "đóng cửa" với dân nhập cư từ ngày... 28.12.2011.
Một thông báo rõ to được dán ngay trước bàn tiếp nhận hồ sơ đăng ký HK: "Công an Q.Sơn Trà sẽ tạm dừng giải quyết việc đăng ký HK thường trú vào địa bàn Q.Sơn Trà đối với các trường hợp cụ thể, như sau: 1. Tạm trú đủ 1 năm không có chỗ ở hợp pháp đăng ký nhập nhờ HK; 2. Tạm trú đủ 1 năm đăng ký nhập HK vào nhà do thuê, mượn, ở nhờ; 3. Nhà ở công vụ không có xác nhận của cấp quản lý nhà cho vợ con được chuyển HK đến ở tại nhà công vụ đó". Thời điểm ký thông báo chỉ cách 4 ngày so với Nghị quyết của HĐND TP (24.12.2011) và "cầm đèn chạy trước ô tô" đối với Công văn số 04 do Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký ngày 3.1.2012 khi giao nhiệm vụ cho Công an TP.Đà Nẵng.
Thượng tá Trần Phước Hương, Chánh văn phòng Công an TP.Đà Nẵng, cho biết lãnh đạo Công an TP vẫn chưa nhận được công văn của UBND TP. Thượng tá Hương khẳng định: "Công an TP vẫn chưa ban hành bất kỳ văn bản nào, hay chỉ đạo công an các quận, huyện tạm dừng đăng ký HK mới đối với các trường hợp trên".
Khi được thông báo về trường hợp Công an Q.Sơn Trà "nhanh chân đóng cửa với dân nhập cư", ông Hương tỏ ra bất ngờ...
Nghị quyết trái luật Cư trú và Nghị định 56 Điều 8 của luật Cư trú về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó bao gồm hành vi “cản trở công dân thực hiện quyền tự do cư trú (khoản 1) và “lạm dụng quy định về HK để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” (khoản 2). Đồng thời, quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong Nghị định số 56 của Chính phủ, hướng dẫn thực thi luật Cư trú. Theo đó, điều 3 của Nghị định về “nghiêm cấm các hành vi lạm dụng quy định về HK làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” quy định rõ 7 hành vi lạm dụng quy định về HK làm hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị nghiêm cấm, như: Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về HK mà làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản khác liên quan đến quy định về HK trái với quy định của luật Cư trú và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; Ban hành quy định hạn chế quyền tự do cư trú của công dân trái thẩm quyền, trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; Đưa ra các quy định về HK làm điều kiện để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; Giải quyết trái quy định của pháp luật cư trú hoặc từ chối giải quyết các yêu cầu về HK của công dân làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân… |
Ủy ban Thường vụ QH sẽ đình chỉ văn bản trái luật Cư trú Trao đổi với Thanh Niên chiều qua 5.1, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhận xét, việc Đà Nẵng "đóng cửa" với dân nhập cư, dù chỉ trong một năm, cũng là trái với luật Cư trú vì “chỉ có cơ quan ban hành luật mới có quyền tạm dừng hay hủy bỏ quy định hiện hành, địa phương làm sao có quyền tạm dừng hay hủy bỏ quy định của cơ quan cao hơn mình?”. Cũng theo ông Quyền, trong trường hợp Đà Nẵng đưa ra quy định trái với luật Cư trú, Ủy ban Pháp luật của QH (cơ quan thẩm tra luật Cư trú - PV) có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Ủy ban TVQH hủy bỏ văn bản trái với luật hiện hành quy định. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ, Bộ Công an vốn được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về mặt cư trú theo quy định của luật cũng phải có trách nhiệm “tuýt còi” văn bản này. Trả lời Thanh Niên về hướng xử lý đối với việc Đà Nẵng ban hành quy định tạm dừng đăng ký HK mới với các trường hợp đã nêu, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói ông chưa được tiếp cận các văn bản này, tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, văn bản của cấp dưới không được trái với văn bản cấp trên, nhất là nghị quyết của HĐND không bao giờ được trái với luật và pháp lệnh của QH và Ủy ban TVQH. Trong trường hợp địa phương ban hành văn bản trái luật, Ủy ban TVQH có thẩm quyền đề nghị HĐND tự bãi bỏ, nếu như họ không bãi bỏ thì Ủy ban TVQH bãi bỏ. Bảo Cầm |
Tôi có ý kiến Tư duy "lũy tre làng" Sau khi đọc tin Đà Nẵng chính thức “đóng cửa” với dân nhập cư trên Báo Thanh Niên ngày 5.1, rất nhiều bạn đọc phản ứng trước quyết định này. Đúng là "luật vua thua lệ làng" Dân nhập cư là vấn đề xã hội, chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết, hỗ trợ người dân an cư lạc nghiệp. Theo tôi trước khi ra quyết định, chính quyền Đà Nẵng hãy trả lời thỏa đáng những câu hỏi sau: nếu tất cả các địa phương trên đất nước Việt Nam đều làm như Đà Nẵng thì sẽ ra sao? Tại sao dư luận lên tiếng mà lãnh đạo Đà Nẵng vẫn tiếp tục thực hiện? Các ngành chức năng có ý kiến thế nào về việc này? Trúc Anh (trucanh869@yahoo.com) Một hình thức bế quan tỏa cảng Theo tôi, việc UBND TP.Đà Nẵng ra quyết định tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới đối với các trường hợp có chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ, không có nghề nghiệp ổn định… là hoàn toàn không xác đáng. Pháp luật Việt Nam đã ghi rõ mọi công dân đều có quyền cư trú hợp pháp trên toàn lãnh thổ. Đà Nẵng muốn phát triển về mọi mặt thì phải dùng phương cách khác. Chính quyền không thể ra một quyết định vi phạm pháp luật như thế. Thanh Hải Nóng vội "Đóng cửa" dân nhập cư là một cách để hạn chế gia tăng dân số cơ học tại các TP lớn. Tuy nhiên, theo tôi cách làm của Đà Nẵng mang tính nóng vội. Không thể có một TP, đô thị chỉ toàn là dân "hạng sang" với nghề nghiệp ổn định, nhà cửa, HK đàng hoàng. Các nước phát triển vẫn phải tiếp nhận lao động phổ thông để giải quyết các vấn đề xã hội. Tại Đà Nẵng, tôi thấy rất nhiều người làm việc trong các lĩnh vực: dịch vụ, xây dựng cơ bản, khu công nghiệp là người ngoại tỉnh, họ đóng góp một phần nhân lực quan trọng nếu như không muốn nói là then chốt cho sự phát triển của Đà Nẵng. Vậy tại sao TP lại có chính sách gây bất an cho người dân như thế. Chỉ cần đảm bảo công tác quản lý ở cấp cơ sở là mọi việc sẽ trở nên dễ dàng. Mong lãnh đạo TP nhìn sự việc dưới góc độ tích cực hơn. Minh Khánh Nguyễn Hoàng Ngọc Huy (Âu Cơ, P.9, Q.Tân Bình, TP.HCM): Ngay cả các nước phát triển cũng phải tiếp nhận người lao động nhập cư để giải quyết những vấn đề xã hội. Quyết định này của TP.Đà Nẵng thật bất ổn!
Huỳnh Quốc Phong (Q.5 TP.HCM): Chính quyền TP.Đà Nẵng đã tước đi quyền được tự do cư trú của người dân Việt Nam khi họ đang sống trên chính Tổ quốc họ. Quyền công dân đâu rồi? Thiên Long (ghi) |
Hữu Trà
Bình luận (0)