Nguy cơ ngộ độc rượu dịp cuối năm

05/01/2012 14:10 GMT+7

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2012 - thời điểm “đông ken” tổ chức cưới hỏi, liên hoan, họp mặt… Trong những cuộc vui này, đâu đó vẫn tiềm tàng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây là tình trạng ngộ độc rượu với tỷ lệ chiếm gần phân nửa những trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Chỉ còn hơn nửa tháng nữa là đến tết Nguyên đán 2012 - thời điểm “đông ken” tổ chức cưới hỏi, liên hoan, họp mặt… Trong những cuộc vui này, đâu đó vẫn tiềm tàng nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Phổ biến nhất ở các tỉnh miền Tây là tình trạng ngộ độc rượu với tỷ lệ chiếm gần phân nửa những trường hợp ngộ độc thực phẩm.

Gần đây nhất là vụ ngộ độc rượu tập thể tại một đám cưới ở H.Châu Phú, tỉnh An Giang làm 2 người chết và 38 người khác phải nhập viện điều trị. Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy trong 30 lít rượu có tới 4 lít cồn, với hàm lượng methanol vượt mức quy định từ 56-64 lần. Tỷ lệ này cũng chưa phải là cao nếu so với các vụ ngộ độc rượu cách đây vài năm với hàm lượng methanol vượt mức quy định vài trăm lần.

Ngộ độc rượu tập thể do uống rượu pha cồn không còn là chuyện hiếm thấy ở các tỉnh miền Tây mà nó đã kéo dài nhiều năm nay. Để hạn chế đến mức thấp nhất những cái chết “oan” vì rượu, ngành chức năng các địa phương cũng đã nhiều lần vào cuộc để dẹp nạn rượu giả. Song thực tế vẫn như “bắt cóc bỏ đĩa” và rượu pha cồn vẫn được bày bán tràn lan và nhiều người vẫn cứ vô tư uống. Theo các cơ quan chức năng, những loại rượu này chứa nhiều tạp chất có hại cho sức khỏe như: aldehyde, ester, methanol, izobutanol, furfurol... Người uống các loại rượu này có thể nhiễm các bệnh về gan, loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, thần kinh, suy giảm trí nhớ và thị giác, ngộ độc cấp tính, thậm chí tử vong.

Theo một số thống kê, có đến 90% rượu tự nấu theo kiểu thủ công đều có chứa các chất độc hại và cũng có một tỷ  lệ tương đương số cơ sở sản xuất kinh doanh rượu không có đăng ký, không đảm bảo chất lượng. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các ngành chức năng cần phải kiểm soát việc sản xuất và kinh doanh rượu một cách chặt chẽ nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Ở một góc độ khác, trong các cuộc liên hoan, họp mặt vui vẻ thì chuyện nâng ly để chúc tụng nhau cũng là bình thường. Tuy nhiên có không ít người biện lý do này khác để nhậu say đến không biết đường về thì hoàn toàn không tốt. Khi quá chén ngoài việc ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, còn gây nhiều hệ quả xấu khác như mất an toàn giao thông, mất trật tự xã hội...

Nguyễn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.