Bảo vệ trẻ trước dịch thủy đậu

06/01/2012 10:37 GMT+7

Nguy hiểm và dễ lây lan nhưng không ít người vẫn cho rằng thủy đậu là bệnh nhẹ nên chủ quan và không chú ý phòng ngừa

Nguy hiểm và dễ lây lan nhưng không ít người vẫn cho rằng thủy đậu là bệnh nhẹ nên chủ quan và không chú ý phòng ngừa 

 
Tiêm ngừa cho trẻ trước mùa dịch xảy ra, hiệu quả phòng ngừa sẽ cao hơn (ảnh có tính minh họa). Ảnh: Hồng Thúy

Thủy đậu là bệnh có tính lây nhiễm rất cao mà trẻ em rất khó tránh khỏi nếu chưa được chủng ngừa bằng vắc-xin. Có đến 9 trong 10 trẻ sẽ bị bệnh thủy đậu trước 12 tuổi. Biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng nốt rạ khiến trẻ phải nhập viện và thường để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đặc biệt là trẻ gái. Thủy đậu còn có thể gây các biến chứng khác như viêm phổi, viêm não và màng não, thậm chí gây tử vong. Tiêm vắc-xin hiện được xem là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất  nhưng chủng ngừa như thế nào và chủng ngừa vào lúc nào để bảo vệ tốt nhất cho trẻ thì các bậc cha mẹ lại ít chú ý. 

Lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp 

Hằng năm vào khoảng tháng 2, thủy đậu trở thành mối lo cho phụ huynh có con nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 1 – 13 tuổi, vì đây là thời điểm dịch thủy đậu thường xảy ra. Có đến 90% trẻ em mắc bệnh trong giai đoạn 1-10 tuổi. Bệnh biểu hiện qua các ban sần, mụn nước gây khó chịu và ngứa toàn thân kèm theo sốt. Trẻ thường gãi móng tay vào mụn nước khiến chúng vỡ ra gây nhiễm trùng. Do đó, lẽ ra siêu vi trùng này chỉ gây tổn thương nông ở bề mặt da, nay bị các vi khuẩn làm tổn thương sâu vào da trẻ nên khi lành bệnh sẽ tạo thành sẹo. 

Bệnh thủy đậu xuất hiện chủ yếu tại các trường học, cơ quan hay xí nghiệp và thường gây thành dịch vì siêu vi có tốc độ lây lan nhanh chóng qua đường hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh ở những nơi đông người, tiếp xúc với dịch tiết của bóng nước vỡ ra hoặc từ mẹ sang con khi mẹ nhiễm thủy đậu trong thai kỳ; bệnh còn có thể lây lan từ những người bệnh trong giai đoạn ủ bệnh chưa có triệu chứng. 

Nguy hiểm và dễ lây lan như thế nhưng không ít người vẫn cho rằng thủy đậu là bệnh nhẹ nên chủ quan và không chú ý phòng ngừa. Những suy nghĩ kiểu như “bị thủy đậu chỉ cần chăm sóc kỹ và bôi thuốc là hết ngay, không ảnh hưởng đến sức khỏe”, “không cần chích ngừa sớm, đợi đến khi có dịch chích ngừa luôn thể” hay “người lớn không cần chích ngừa thủy đậu…” là sai lầm phổ biến hiện nay. Rất nhiều trường hợp chỉ khi cha mẹ nhìn thấy đứa trẻ bên cạnh nhà bị thủy đậu mới hốt hoảng mang con đi chủng ngừa. Kiểu “nước đến chân mới nhảy” này vô tình khiến con em họ phải gánh chịu hậu quả không mong muốn do thủy đậu gây ra. 

Nên chủng ngừa trước mùa dịch 

Ngoài việc cách ly, vệ sinh và chăm sóc cẩn thận khi trẻ bệnh thì chủng ngừa chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ và cả người lớn tránh khỏi thủy đậu vì đây là bệnh có khả năng lây lan sớm, độ lây lan cao. 

Tuy nhiên, khi chủng ngừa, cần chủng ngừa 2 liều vắc- xin cho cả trẻ em và người lớn. Vắc-xin có thể áp dụng cho cả trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên, thanh thiếu niên và người lớn chưa nhiễm bệnh. Phụ nữ có thai thì không chích ngừa vắc-xin này và chỉ nên có thai tốt nhất là 3 tháng sau chủng ngừa.

Tốt nhất là tiêm ngừa cho trẻ trước mùa bệnh xảy ra, nghĩa là trước tháng 2 hằng năm. Hơn nữa, tiêm ngừa trong mùa dịch sẽ có nguy cơ là trước đó trẻ đã tiếp xúc với người bệnh nên đôi khi vẫn có thể mắc bệnh do vắc-xin chưa kịp có tác dụng. Đó là chưa kể trong mùa dịch thì nhu cầu chủng ngừa thường tăng cao nên dễ  khan hiếm thuốc.

Nếu con bạn chưa được chủng ngừa thủy đậu thì thời điểm này là tốt nhất để chủng ngừa cho con. Hãy đưa trẻ đến các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng để chủng ngừa trước khi mùa dịch bắt đầu.

Có thể bị di chứng suốt đời 

Đối với một số trẻ suy dinh dưỡng hoặc đề kháng kém thì virus sẽ chạy thẳng vào máu, tàn phá các cơ quan như thận, não, gan… gây sốt dao động, trẻ li bì, quờ quạng tay chân, có thể co giật vì bị viêm não do thủy đậu. Những trường hợp này phải đưa gấp đến bệnh viện và nếu tích cực hồi sức, chữa trị khỏi thì cũng để lại di chứng thần kinh (điếc, động kinh, trí tuệ chậm phát triển). Nếu trẻ sốt cao, ho nhiều thì coi chừng đã bị viêm phổi do thủy đậu. Siêu vi tưởng như chỉ hoành hành ngoài da nhưng chúng vẫn không từ bỏ cơ hội để chui vào trong cơ thể của trẻ gây hại, để lại di chứng suốt đời.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.