“Mốt xăm” và mối nguy

06/01/2012 16:10 GMT+7

(TNTS) Phong trào xăm hoa văn, hình thù trên cơ thể ngày càng phổ biến, nhất là ở các bạn trẻ. TNTS kỳ này chuyển tải những thông tin, cùng những khuyến cáo của các chuyên gia về xăm, xóa xăm...

(TNTS) Phong trào xăm hoa văn, hình thù trên cơ thể ngày càng phổ biến, nhất là ở các bạn trẻ. TNTS kỳ này chuyển tải những thông tin, cùng những khuyến cáo của các chuyên gia về xăm, xóa xăm...

N., một nữ nhân viên của công ty truyền thông tại TP.HCM, vốn là người miền Tây Nam bộ, với làn da trắng, tính tình hiền lành, thùy mị, nhưng mới đây cô khiến những người quen bất ngờ khi vén tay áo khoe những hình xăm con bò cạp màu xanh lá ở bắp tay. Cô còn nói: "Không bước vô thế giới xăm thì không biết, chứ vô rồi thấy mê lắm, mình chuẩn bị xăm thêm". Hiện nay, giới trẻ xem xăm cơ thể là "mốt", nhất là đặt hình xăm ở những vị trí "nhạy cảm".

Cẩn trọng với "thị hiếu, trào lưu..."

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân - Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ Thanh Vân (TP.HCM) nói: "Xăm cơ thể đang là thị hiếu, trào lưu. Nhưng, các bạn trẻ trước khi xăm cần biết rằng, tâm lý người Việt luôn có thành kiến không tốt với ai xăm cơ thể. Khi nhìn thấy người có hình xăm thì thường người ta sẽ nghĩ thuộc thành phần không tốt, thuộc giới ăn chơi, thậm chí là... dân giang hồ, nhất là với phái nữ có hình xăm, càng bị thành kiến nhiều hơn. Do vậy, cần suy nghĩ kỹ trước khi xăm, vì rất nhiều người xăm rồi mới thấy hối hận, luyến tiếc".

 
Cần chọn lựa nơi có chuyên môn về xóa hình xăm - Ảnh: BS cung cấp

Tương tự, chuyên gia về da, bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, cho rằng: "Về mặt tâm lý, với một số thông tin hoặc hình ảnh xăm, vị trí xăm "nhạy cảm", người xăm mình có thể gặp sự ngần ngại hoặc kém thiện cảm của cộng đồng, đặc biệt ở xứ ta".

Đáng nói hơn, các bác sĩ lưu ý việc xăm còn tạo ra những mối nguy cho cơ thể. Bác sĩ Võ Thị Bạch Sương phân tích: "Hàng trăm mũi kim để cấy mực xăm vào da có thể là tác nhân gây kích thích, làm bùng phát siêu vi gây bệnh mụn rộp (herpes). Ngoài ra, có thể gây đau, dị ứng màu mực xăm, nhiễm trùng chỗ xăm, và nguy hiểm là làm lây lan một số bệnh qua đường máu như viêm gan B, C, HIV, uốn ván…".

Xăm rồi không dễ xóa

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân cho rằng: "Nhiều người cứ nghĩ xăm rồi sẽ dễ xóa, nhưng thực tế, đã xăm rồi thì rất khó xóa. Xăm tay hay xăm máy gì cũng khó xóa như nhau. Có những quảng cáo cho thấy xóa hết hình xăm hoàn toàn, xóa dễ dàng, nhưng thực tế không phải vậy. Bên cạnh đó, việc xóa xăm có thể để lại sẹo, hoặc biến chứng xấu cho cơ thể; hay nguy cơ nhiễm trùng nếu làm không đúng".

Bác sĩ Bạch Sương khuyến cáo thêm, việc xóa xăm không an toàn có thể gây phỏng, nhiễm trùng, loét, để lại sẹo (tăng sắc tố, giảm sắc tố, sẹo lồi, sẹo lõm…), làm ảnh hưởng sức khỏe và tính thẩm mỹ cho da. Kể cả việc xóa xăm bằng các thiết bị laser thẩm mỹ, người có nhu cầu cũng nên tìm đến các cơ sở uy tín, có chuyên môn và am hiểu rõ về kỹ thuật này, cũng như biết cách dự phòng và xử trí các tác dụng ngoại ý khi làm laser.

Xóa xăm còn sẹo

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Thị Anh Tú, Tổng thư ký Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TP.HCM, cho biết chị đã gặp rất nhiều nạn nhân của việc xóa xăm như nhiễm trùng, sẹo xấu. Đáng lưu ý, những nơi làm không chính thống, thiếu kiến thức chuyên môn gây hậu quả đáng tiếc cho nhiều trường hợp.

 

Tiến sĩ - bác sĩ Đỗ Quang Hùng (Phó trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy) phân tích thêm: "Da mỗi người có 3 lớp, là thượng bì, trung bì và hạ bì. Do mực xăm ăn vào lớp trung bì da, nên khi xóa xăm thường để lại sẹo".

 Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.