(TNTS) Là dân tài chính chính cống, không phải dân khoa học, không dùng tiền Nhà nước nghiên cứu khoa học, không mua, không vay, không mượn công nghệ nước ngoài, tự mày mò nghiên cứu tạo ra công nghệ trong nước mang đậm trí tuệ Việt. Ông là đương kim của 3 kỷ lục về khoa học - Hoàng Đức Thảo, Anh hùng lao động thời kỳ hội nhập 2011.
Nghiệp ứng…
Gặp ông tại vùng quê chiêm trũng (xã Vũ Thắng, huyện Kiến Xương, Thái Bình) mới biết, ông vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Ở xã Vũ Thắng này, trước thời kỳ đổi mới đã có một Anh hùng lao động. Đó là Anh hùng Đinh Quang Nghị của những năm 80. Thế là cái xã nhỏ vùng ven sông Hồng này đã sản sinh cho đất nước hai người Anh hùng.
Hoàng Đức Thảo - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (TGĐ) Cty TNHH nhà nước một thành viên thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), một người được biết đến với những công trình khoa học có một không hai, những công trình "vị nhân sinh", những công trình vì môi trường đã bắt đầu dựng nghiệp từ vị trí một người thợ.
Từ một chàng thanh niên 17 bẻ gẫy sừng trâu, Hoàng Đức Thảo vào với Kiên Giang, trở thành một trong những người thợ chung tay xây dựng Nhà máy xi măng Hà Tiên. Ông có nhiều sáng kiến và bước đầu có những cải tạo sáng giá để nhà máy không phải dựa vào công nghệ và máy móc của nước ngoài, ông được cử đi học trung cấp kế toán, rồi theo học Đại học tài chính kế toán.
Người ta vẫn bảo, nghề kế toán là nghề của những con số khô khan và nhiều rủi ro. Nhưng, không ngờ, khi "bập" vào những con số ấy thì Thảo lại đột ngột bước vào một hướng đi khác. Nhận nhiệm vụ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu giao, phải giải quyết vấn đề ngập úng đô thị. Lụt lội luôn luôn là một vấn đề bức xúc và nổi cộm không chỉ với Việt Nam mà còn trên thế giới.
Nhận rồi ông bắt đầu thấy lo vì chịu nhiều sức ép, nhưng việc đến tay rồi thì phải làm. Làm riết rồi thành đam mê lúc nào không biết. Và tự nhiên nghiệp nghiên cứu khoa học vận vào Hoàng Đức Thảo như một định mệnh, không thể cưỡng lại.
Ông làm việc không kể giờ giấc, đêm ngày. Ngày thì ông "lăn lộn, bổ nhào" với công việc giấy tờ, những quyết sách quan trọng của công ty. Rồi lặn lội, xới xáo công trường. Đêm về thì thao thức "trăn trở, vật vã" sáng đèn để nghĩ, để tìm tòi, mày mò nghiên cứu khoa học. Đến mức, những người thân bên cạnh ông tưởng ông bị "tâm bệnh".
|
Nghiệp thành…
Tận mục sở thị người công nhân của ông dầm mình trong lòng nước bùn tối tăm đen kịt, độc hại, nguy hiểm luôn rình rập, ông nghĩ đến việc phải có một thiết bị nào đó thay thế công nhân dưới lòng cống. Cụm từ “nạo vét hệ thống cống ngầm đô thị” ra đời. Ngay lập tức cụm từ này đã "gánh" hết những nguy cơ có thể xảy đến với người lao động của ông và tăng năng suất đột biến lên gấp 20 lần.
Thừa thắng xông lên, ông tiếp tục nghiên cứu và sản xuất ra Hệ thống ngăn mùi và hố thu nước mưa kiểu mới. Công trình này đã giải quyết triệt để mùi khí uế hôi thối nồng nặc bốc lên từ lòng cống…
Rồi tiếp tục là hố ga đúc sẵn liên kết mối nối cống - công trình này hóa giải việc lún sụt cục bộ mặt đường (mà dân ta vẫn gọi là hố tử thần).
Và lần lượt công trình Cống điều tiết triều để xúc rửa hoà loãng thoát nước nhanh tại các kênh mương hồ "chết"; Bể phốt nông thôn dành cho người nghèo; Hào kỹ thuật (tránh được việc đào xới vỉa hè thường thấy ở các đô thị)... ra đời. Tất cả đều là những công trình khoa học cháy bỏng vì con người, cho con người và cuộc sống bình yên, trong lành trên trái đất.
Hầu hết để nghiên cứu, sáng tạo ra một công trình nào đó, Hoàng Đức Thảo đều phải tự mình trải nghiệm mà trải nghiệm đáng nể nhất chính là thân chinh TGĐ chui vào lòng cống với vô vàn rác thải khủng khiếp… Ông tâm sự ông làm như thế mới thấu hiểu được những khó khăn, nguy hiểm của công nhân để chia sẻ và "thu phục nhân tâm". Không biết có phải vì thế mà Sư cụ Thích Chí Tịnh (trụ trì chùa Linh Phong Thiền Uyển - BRVT) đã thuyết với Thảo rằng "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, mà sao con cứ chọn đoạn trường mà đi". Có lẽ vì "cứ chọn đoạn trường" như vậy nên Hoàng Đức Thảo mới có được thành công như ngày hôm nay.
Và con đường "vì người" ấy đã mang lại những con số mà nhiều nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp phải ngưỡng mộ: 20 sản phẩm khoa học công nghệ, ứng dụng ở 38/63 tỉnh thành, bước đầu xuất khẩu sang Malaysia.
Những giải thưởng mà Hoàng Đức Thảo đạt được rất nhiều, đáng kể nhất là Giải thưởng WIPO 2010 - giải thưởng sáng tạo KHCN của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tặng tại Hà Nội. Doanh nghiệp của ông nhận được 3 kỷ lục Việt Nam: Doanh nghiệp KHCN đầu tiên của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Doanh nghiệp nhận được nhiều giải thưởng VIFOTEC nhất và Doanh nghiệp nhận được nhiều giải thưởng KHCN quốc tế nhất. Nhưng đặc biệt hơn cả, cá nhân Hoàng Đức Thảo được trao tặng 3 kỷ lục Việt Nam: Người đầu tiên của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đoạt giải VIFOTEC; Người Việt Nam đầu tiên đoạt nhiều giải VIFOTEC nhất trong lịch sử 16 năm tổ chức; Người Việt Nam đầu tiên nhận được nhiều giải thưởng nhất của các tổ chức sáng tạo khoa học công nghệ thế giới.
Tự nhiên tôi nghĩ tới mệnh đề "nghề chọn người" như nhiều người vẫn từng nói và chiêm nghiệm. Vận vào cuộc đời của Hoàng Đức Thảo thì sẽ thấy, cuộc đời ông, công việc của ông là "nghiệp chọn người" mới đúng.
Nếu không được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng của Busadco, có lẽ sẽ không có Hoàng Đức Thảo của ngày hôm nay. Đó có thể hiểu là năng lượng tiềm ẩn của Hoàng Đức Thảo nhưng chưa có cơ hội phát tác. Đến khi gặp môi trường thì như "cá gặp nước" tha hồ vẫy vùng và bơi lội. Chính lúc ấy, những năng lượng tiềm ẩn kia mới bắt đầu phát huy nội lực của mình. Điều này đúng với tiên đoán ngày khởi thủy Busadco của ông Nguyễn Hữu Mạnh, Giám đốc Sở Xây dựng BRVT. Ông Mạnh đã từng nhận định rằng "Lão Ô bách tuế không bằng Phượng Hoàng sơ sinh" (Con Quạ đen trăm tuổi không bằng Phượng Hoàng mới sinh).
Hoàng Đức Thảo chia sẻ: "Con người phải có nghìn mục tiêu nhưng chỉ có một đích đến". Tôi hiểu, thành công nhiều thế nhưng trong câu chuyện, tôi cảm nhận được, hình như khối óc và con tim của ông luôn ẩn chứa những trăn trở, những hoài bão lớn. Có thể, ông đang mong đợi đến ngày thế giới sẽ tràn ngập các sản phẩm công nghệ "made by Busadco, hoặc "made in Việt Nam" chăng?
Hoàng Việt
Bình luận (0)