Nhiều nước đang đầu tư nghiên cứu robot sử dụng trong chiến tranh và các chiến binh máy sẽ không còn chỉ xuất hiện trong trò chơi điện tử.
Mỹ là nước đi đầu và đã có nhiều bước tiến đáng kể về robot chiến tranh. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia khác quan tâm đến lĩnh vực này. Iran, Nga, Pakistan, Pháp, Trung Quốc và mới đây là Ấn Độ đều lập kế hoạch nghiên cứu, chế tạo robot phục vụ cho mục tiêu quân sự.
Đa năng, giá rẻ
Từ cuối năm nay, quân đội Mỹ sẽ thử nghiệm robot The Sand Flea (TSF - Bọ chét cát) tại Afghanistan. Di chuyển trên 4 bánh xe, nặng 4,5 kg và được trang bị máy quay, chú “bọ chét” này có thể nhảy cao đến 7m để thực hiện nhiệm vụ do thám tại những nơi máy bay hay xe tăng không thể tiếp cận.
Trả lời phỏng vấn tạp chí Marine Times, chỉ huy Rapid Equipping Force (REF), đại tá Peter Newell cho hay sẽ triển khai thử nghiệm 8 TSF để hỗ trợ các binh sĩ. Nếu thành công, quân đội Mỹ sẽ tăng số lượng lên hàng ngàn.
|
TSF là sản phẩm từ sự hợp tác giữa chương trình nghiên cứu DARPA của Lầu Năm Góc và Công ty robot công nghệ cao Boston Dynamics. Cùng trong quá trình hợp tác này còn có nhiều loại robot khác, đã được thử nghiệm thực tế hoặc vẫn còn trong quá trình hoàn thiện, nâng cấp như 2 loại robot 4 chân BigDog và AlphaDog, robot 2 chân PetMan... AlphaDog, số hiệu chính thức LS3, là sản phẩm kế thừa của robot vận chuyển hàng BigDog với nhiều ưu điểm: không gây nhiều tiếng động, có khả năng “thồ” 180 kg hàng hóa, di chuyển đến 32 km mà không cần tiếp năng lượng, có thể thu thập thông tin về môi trường xung quanh nhờ hàng loạt bộ phận cảm biến... Dự kiến AlphaDog sẽ được Hải quân Mỹ dùng thử từ năm sau.
Khác với các robot 4 chân, PetMan là cỗ máy mô phỏng hình dạng người. Sau 2 năm nghiên cứu, những đoạn phim mới công bố của Boston Dynamics cho thấy PetMan có thể di chuyển khá linh hoạt ở vận tốc 7 km/giờ, thực hiện được một số động tác đơn giản và mô phỏng cơ chế sinh lý người như nhiệt độ, đổ mồ hôi... Ngoài mục đích ban đầu là giúp thử nghiệm các loại quân phục chuyên dụng có độ bền cao, chống hóa chất, PetMan có thể còn được dùng cho các nhiệm vụ khác.
Ấn Độ chế tạo chiến binh robot Theo báo Economic Times của Ấn Độ, các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) nước này đang chế tạo binh sĩ robot. “Chúng tôi đang nghiên cứu việc chế tạo những cỗ máy với trí thông minh nhân tạo có thể hoạt động như những người lính thực thụ”, tờ báo dẫn lời Tổng giám đốc DRDO Vijay Kumar Saraswat cho hay. DRDO cũng đang định thiết kế một con la máy nhằm thay thế các con la thật đang được binh sĩ Ấn Độ sử dụng để thồ quân trang, quân dụng ở địa hình núi non. Tổ chức này đã cho ra đời Daksh, một phương tiện robot kiểm soát từ xa có khả năng phát hiện và phá hủy bom mìn. Quân đội Ấn Độ đã đặt hàng 20 máy Daksh trong năm 2010. Trùng Quang |
Từ chỗ chỉ thực hiện những hoạt động thuộc dạng tiền trạm, hậu cần, robot sẽ được nâng cấp để giữ những vai trò quan trọng hơn như tìm diệt. Những robot phổ biến hiện nay thường di chuyển trên bánh xe hoặc 4 chân nhưng trong tương lai, các người máy như PetMan sẽ ngày càng nhiều hơn. Theo tờ The New York Times, sử dụng các chiến binh robot sẽ giúp tiết kiệm nhiều chi phí. Đơn cử, tổng số tiền đầu tư cho một binh sĩ từ lúc đào tạo cho đến khi chính thức ra trận khoảng 4 triệu USD, trong khi chi phí chế tạo mỗi robot chỉ bằng 10%. Mặt khác, robot cũng không cần lương hưu sau khi hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm yếu ở các robot đang được quân đội nhiều nước sử dụng: chậm chạp, liên lạc chưa ổn định, dễ hỏng hóc trong điều kiện thời tiết xấu, mau hết năng lượng... Le Monde dẫn lời quan chức quốc phòng của Đức Matthias Habermann nhận định: “Có đến 60% robot bị hư hỏng nặng, thậm chí tan tành sau khi thực hiện nhiệm vụ. Phần lớn các chiến dịch quân sự vẫn còn quá phức tạp đối với robot”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định những mặt hạn chế này sẽ được khắc phục nhanh chóng theo đà phát triển của kỹ thuật quân sự. Nhận định robot chiến tranh của thế kỷ 21 sẽ tiến đến quy mô làm việc theo nhóm, các nhà khoa học đang nghiên cứu để giúp chúng có thể phối hợp nhịp nhàng với nhau và với binh sĩ phụ trách.
Phi nhân hóa chiến tranh
Robot cùng các phương tiện quân sự hiện đại khác hoạt động trên cơ chế tự động đang dần làm thay đổi hình ảnh chiến tranh và gây ra tranh cãi nảy lửa về đạo đức. Lâu nay, một người lính bắn vào đối phương thường với lý do: “Tôi không giết người thì tôi hoặc nhiều người khác sẽ bị giết”. Dựa trên nguyên tắc này thì robot sẽ không được quyền giết người.
Tờ Le Monde dẫn lời Phó tư lệnh NATO tại châu Âu Michel Yakovleff cảnh báo: “Phi nhân hóa chiến tranh có thể dẫn đến hậu quả khủng khiếp. Một khi robot được cài chức năng giết người tự động, những rào cản đạo đức sẽ bị phá vỡ”. Những lo ngại của ông Yakovleff về một “siêu chiến binh robot” như bọn người máy hung hãn trong loạt phim Terminator (Kẻ hủy diệt) không phải là vô căn cứ. Trước đây, các máy bay không người lái (UAV) của Mỹ cũng được chế tạo với mục tiêu ban đầu là do thám nhưng nhiều dòng mới hiện nay đã được gắn vũ khí có khả năng hủy diệt cao. Các vụ không kích bằng UAV nhằm vào Taliban ở Afghanistan và Pakistan đã khiến nhiều dân thường thiệt mạng và gây ra nhiều chỉ trích.
Với UAV, “phi công” ngồi trong phòng cực kỳ an toàn, nhắm mục tiêu qua màn hình và phát hỏa như trong một trò chơi điện tử. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thừa nhận không loại trừ việc tuyển dụng và đào tạo game thủ để điều khiển máy bay không người lái, theo Le Monde. Lấy gì đảm bảo những phi công đặc biệt này sẽ luôn giữ lý trí tỉnh táo để ý thức được tầm sát thương thật sự từ “món đồ chơi” của mình?
“Robot hóa chiến tranh” còn cao cấp về mức độ sử dụng máy móc tự động và do đó, đáng để lo ngại hơn. Giáo sư chuyên ngành trí thông minh nhân tạo Noel Sharkey của Đại học Sheffield (Anh) đánh giá: “Robot không có khả năng tuân thủ các quy luật về tương quan lực lượng, tương quan sức mạnh quân sự”. Đó là chưa kể máy móc cũng rất hay sai lầm. Điển hình là trường hợp máy bay dân sự của Iran với 290 hành khách bị máy tính của tàu chiến Mỹ nhầm là “kẻ thù” nên ra lệnh bắn hạ bằng tên lửa tại vịnh Ba Tư vào năm 1988. Chính vì vậy, tất cả các chuyên gia đều cho rằng phải nhanh chóng đưa ra những quy định chặt chẽ liên quan đến robot và các phương tiện tự động sử dụng trong chiến tranh.
Trong lúc chờ đợi, nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu biện pháp để robot chiến tranh trở nên “nhân đạo” hơn. Theo Le Monde, tiến sĩ Ronald C.Arkin thuộc Phòng Nghiên cứu Georgia Tech’s Mobile Robot (Mỹ) đã dựa trên các nguyên tắc về quân sự, triết học, luật học, chính trị học để thực hiện phần mềm kiểm soát các cỗ máy có khả năng giết người. Phần mềm này sẽ giúp robot “suy nghĩ” kỹ lưỡng hơn trước khi hành động, thậm chí có thể từ chối lệnh giết người và đưa ra lý do cho người điều khiển. Sau khi nghe robot “trình bày”, người điều khiển có quyền lựa chọn từ bỏ hay cho robot tiếp tục hoàn thành mệnh lệnh.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)