Ăn uống nhiều món trong dịp lễ tết sẽ dễ bị nhiệt (nóng) trong cơ thể. Một số cách ăn uống giúp cải thiện tình trạng này.
Trà “ngũ hương hoa”
Lương y Huỳnh Văn Quang cho biết, trong y học cổ truyền từ xa xưa có bài “ngũ hương hoa”, công dụng rất hay trong giải quyết về nội nhiệt và tiêu hóa rối loạn do ăn nhiều dầu mỡ, món ăn thường khi ít dùng. Bài ngũ hương hoa là loại trà chúng ta có thể tự pha chế từ 5 loại hoa, gồm: bạch cúc hoa (bông cúc trắng), huỳnh cúc hoa (cúc vàng), kim ngân hoa, hoa lài, hoa ngâu. Nên dùng hoa tươi, ngắt bỏ đài hoa, rồi cho vào bình nước nóng giống như pha trà, có thể gia thêm ít đường (tùy thích). Trà này có công dụng giải nhiệt, thanh can nhiệt (mát gan), hưng phấn tinh thần và sáng mắt.
Trà hoa cúc - Ảnh: Shutterstock |
|
Những người nội nhiệt (nóng trong người do thời tiết, ăn uống) thì dùng loại trà này rất tốt. Còn những người bụng đang lạnh, tiêu chảy thì không nên dùng. Ngoài ra, để giải nhiệt kết hợp với giải rượu bia, có thể dùng hoa ngâu nấu lấy nước, khi nước còn ấm đem khuấy với bột sắn dây để uống.
Trái cây
Lương y Như Tá vận dụng trái cây để “chữa” nhiệt của cơ thể. Chẳng hạn như dùng nhiều thanh long, theo Đông y, thanh long có vị ngọt, tính mát, hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Có thể ăn trực tiếp hoặc làm sinh tố, làm rau câu trái cây; nhằm giúp mát cơ thể, sảng khoái, và còn giúp đẹp làn da. Đông y gọi dưa hấu với cái tên tây qua, hoặc đông qua, và cho rằng, dưa hấu có vị ngọt, tính mát, có công dụng giải khát, giảm nhiệt, và giã rượu. Nhờ vị ngọt, tính hàn nên dưa hấu có tác dụng thanh nhiệt và giải khát rất tốt. Nhưng, người tỳ vị hư hàn (lạnh bụng) không nên dùng nhiều.
|
Chịu khó hơn một chút, có thể dùng dưa hấu kết hợp với cà rốt và cam (150g dưa hấu, 1 củ cà rốt, 1 trái cam). Dưa hấu, cam bỏ vỏ, bỏ hạt, cùng cà rốt đem chế biến làm sinh tố dùng trong ngày, có công dụng thanh nhiệt, bù nước, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Khánh Vy
Bình luận (0)