>> Mất bản sắc Việt là mất tất cả
Tôi rất vui khi nhận được rất nhiều hồi đáp qua Báo Thanh Niên hay trực tiếp gửi cho tôi về bài viết Mất bản sắc Việt là mất tất cả. Trong đó bạn đọc Vũ Tiếp nêu vấn đề rất hay: “Tôi rất muốn giữ gìn truyền thống dân tộc Việt, giữ gìn bản sắc dân tộc Việt. Tôi đã tìm đọc nhưng không thấy đâu nói thế nào là bản sắc Việt. Tôi thiết tha đề nghị ai biết thế nào là bản sắc dân tộc Việt thì chỉ cho tôi”.
Đúng như bạn Tiếp nói, thật rất khó mà biết thật rõ bản sắc Việt trong lúc này khi mà sự pha tạp, hỗn tạp đến mức báo động và chúng ta như người mù sờ voi và chín người mười ý.
Bản sắc dân tộc là những sắc thái riêng, những nét độc đáo, những nét đẹp riêng của mỗi dân tộc, không giống nước nào, được thể hiện trong lịch sử tức là trong quá khứ hay trong hiện tại và trong tương lai về vật chất cũng như tinh thần; từ ngôn ngữ, cách giao tiếp đến cách ăn, ở, mặc, nghệ thuật... Càng độc đáo, càng đẹp, dân tộc ấy càng tự hào và là động lực phát triển hùng cường.
Cơ sở khoa học cho phương pháp nghiên cứu tìm bản sắc dân tộc là sử dụng phương pháp nghiên cứu đối chiếu so sánh, từ đó khái quát nêu đặc trưng và phải kết hợp với phương pháp nghiên cứu lịch sử. Như thế người nghiên cứu phải có kiến thức chuyên môn thật rộng trong lịch sử dân tộc cũng như trên thế giới tùy phạm vi nghiên cứu. GS-TS Trần Văn Khê là người đi tiên phong dùng phương pháp này trong âm nhạc truyền thống dân tộc. So sánh với các nền âm nhạc truyền thống thế giới, GS Trần Văn Khê mới thấy được những nét độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam từ những gì ta coi là tầm thường lại là những gì hay, đẹp khó thấy ở bất cứ đâu.
Ngay những gì độc đáo ấy tìm ra đã thấy khó mà giữ gìn lại cũng khó không kém. Nếu không có ý chí vươn lên của một dân tộc lớn, thì chưa chắc đã nhận thấy và biết giữ gìn, phát huy.
Những độc đáo, hay đẹp cũng được biến đổi theo thời đại , nhất là những sáng tạo lớn tuy vẫn giữ cái gốc, cái nền truyền thống song lại phải đáp ứng những đòi hỏi của thời đại khiến dân tộc ấy đi lên.
Có thể nêu ví dụ về việc giữ gìn bản sắc dân tộc Việt: Nước ta từ thời Lý ở Thăng Long gần hồ Tây, đã có đền Vệ Quốc, thờ những người có công bảo vệ đất nước, từ đó sản sinh ra biết bao anh hùng dân tộc như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Từ thời Minh thuộc lại bắt đầu thờ Quốc tổ Hùng Vương và ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày Giỗ Quốc tổ. Bắt đầu thời vua Lê Thánh Tông trở thành quốc lễ và ngày nay cũng trở thành quốc lễ.
Chính vì nhận thức như thế mà mục Giữ hồn dân tộc như là một nỗ lực cùng nhau đi tìm bản sắc Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực.
Với phương pháp rành mạch như trên chắc sẽ giải đáp thắc mắc của bạn Vũ Tiếp cũng như của tất cả chúng ta. Và bây giờ thì chúng ta cùng nhau đi tìm bản sắc Việt và giữ hồn dân tộc. Một tương lai đất nước hùng cường, không còn tụt hậu sẽ dần lộ diện.
Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (tiến sĩ sử học)
Bình luận (0)