Ba thế hệ làm ảo thuật

09/01/2012 03:12 GMT+7

Ngôi nhà nhỏ của ảo thuật gia Alik3 nằm trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM không còn chỗ đi vì phải chứa cả một kho đạo cụ của người từng lăn lộn với nghề hơn 40 năm dài.

Ngôi nhà nhỏ của ảo thuật gia Alik3 nằm trong con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM không còn chỗ đi vì phải chứa cả một kho đạo cụ của người từng lăn lộn với nghề hơn 40 năm dài.


Ba thế hệ ảo thuật Alik3, Ali Tùng và Ali Ben - Ảnh: NV cung cấp

Theo nghề vì... đói

Giọng Sài Gòn đặc sệt, Alik3 tự nhận tên thật là Lê Văn Lăng, sống tại mảnh đất này 62 năm. Những biến động thời cuộc, cả chiến tranh lẫn những năm tháng hòa bình trong ông vẫn còn ghi dấu đậm nét. Người thượng sĩ thiết giáp của quân đội Sài Gòn năm xưa đón chào ngày thống nhất bằng nỗi lo. Vượt qua mặc cảm của kẻ thất bại, ông đối diện với cuộc chiến cơm áo khi vừa lập gia đình.

Ông kể: “Ngày xưa, hồi còn trẻ tôi đã mê ảo thuật, biết nhiều trò mua vui cho bè bạn. Ai ngờ sau ngày 30.4.1975, những trò mua vui đó đã giúp mình sống, kiếm cơm nuôi gia đình”. Lề đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi những năm sau giải phóng in rõ dấu chân ông. Du khách phương xa rất khoái nhiều trò ông biểu diễn lúc đó như Khi kiếng hóa lành, Chiếc vòng phù thủy, Phun lửa... Thu nhập ổn định, sống khỏe từ nghề ảo thuật dạo và bán đạo cụ tự chế giúp ông vượt qua khó khăn trong giai đoạn ấy.

Alik3 kể ông không được đào tạo bài bản nghề ảo thuật mà chỉ mày mò tự học từ tài liệu. Sách báo mua tận nước ngoài về nhờ người dịch sang tiếng Việt để tham khảo. Rồi nhờ óc sáng tạo, ông dần tạo phong cách diễn riêng. “Cái tên Alik3 là do hồi bé tôi bị ghẻ nặng lắm, chữa hoài không khỏi gia đình mới gửi vô chùa Chà trên đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ). Mấy thầy đặt cho cái tên là Mohamed Alibaba, sau đọc trại là Alik3 - tức Ali chuyên làm ca ba, làm đêm thôi”, ông cười ha hả.

“Cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 khi mà người ta ăn bo bo độn củ mì thì tôi “sướng” lắm, được ăn gạo đàng hoàng vì làm diễn viên chính cho Đoàn cải lương Bến Tre lưu diễn khắp các tỉnh phía nam. Trước mỗi vở cải lương đều có màn biểu diễn ảo thuật của tôi. Khán giả mê lắm”, Alik3 nhớ lại.

Rồi ông tạm chia tay vợ, 2 con Minh Tùng (Ali Tùng) và Ngọc Trâm mới được vài tuổi để lưu diễn tận đất bắc. Mỗi chuyến đi dài 6 tháng, cực nhọc nhưng làm ông nhớ mãi. “Lúc đó tôi thuộc hàng “sao” nên được sắp cho chỗ nằm. Những năm 1980, xe lửa làm gì có giường như bây giờ. Tàu thì dơ dáy khủng khiếp, chở cả gà, vịt, heo. Ghế chỉ duy nhất bằng gỗ, ngồi ê ẩm cả người. Tôi được “đặc cách” ghế “nằm”. Nói nghe cho sang chứ thật ra là một chỗ trên tàu giữa lối đi, trải chiếu ra mà ngủ thôi. Vậy mà đã là “sang” lắm rồi”.

Alik3 nói thêm, những năm từ 1975 đến 1985 rất nhiều ảo thuật gia bỏ nghề, gần như chỉ còn mình ông độc diễn vì khán giả dần quay lưng do chính những người làm nghề không tạo ra nét mới cộng thêm đời sống quá khó khăn nên nhu cầu giải trí không cao. “Muốn làm trò mới lắm nhưng tiền đâu mà mua sắm đạo cụ đắt tiền. Nhiều lúc tôi phải tự chế đạo cụ để diễn. Tôi mê nghề đến nỗi có đêm nằm mơ, sáng dậy nhớ lại những pha trong mộng rồi mày mò làm đạo cụ để diễn trò”.

Năm 1990, ông không lưu diễn nữa mà chuyển sang hành nghề trong nhà hàng, khách sạn, thậm chí đến tận tư gia tại TP.HCM hay các tỉnh biểu diễn.


Màn thôi miên của Alik3 - Ảnh: NV cung cấp

Truyền nghề cho thế hệ trẻ

Ali Tùng và Ngọc Trâm được cấp giấy phép hành nghề biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2000. Ali Tùng (sinh năm 1977) theo nghề cha từ năm 4 tuổi. 6 tuổi anh đã diễn trên sân khấu tại các trường tiểu học. 7 tuổi là ảo thuật gia chuyên nghiệp. Cô con gái Ngọc Trâm (sinh 1979) trở thành ảo thuật gia năm 13 tuổi, hiện sống ở Mỹ cùng chồng con nhưng vẫn gắn bó với nghề nghiệp gia đình. Cháu nội Khánh Hưng (Ali Ben) mới 5 tuổi cũng bắt đầu tập trò Tay không bắt đom đóm để sang năm chính thức bước ra sân khấu.

...Cái nóng hầm hập giữa trưa Sài Gòn không làm Alik3 mệt mỏi. Ông cùng 9 ảo thuật gia khác, có cả con trai Ali Tùng, trong CLB Ảo thuật Việt Nam luyện tập cho live show Ảo thuật 3 thế hệ và lễ hội xiếc (diễn ra hôm 11.11.2011). “Đêm đó nếu không mưa tôi thắng lớn lắm. Nhưng cũng có hơn 500 người đội mưa đến xem. Nhìn khán giả ướt nhẹp, ngồi giữa những hàng ghế, sàn lấp xấp nước, tôi cảm động lắm. Phải yêu thích ảo thuật và xiếc họ mới đến xem. Phút giây làm nghề được chứng kiến hình ảnh đó tôi không bao giờ quên được”, Alik3 trầm ngâm.

Rồi Alik3 nhìn nhận ông không thể chống lại quy luật của đất trời nên đến tuổi này phải dần trao cho thế hệ trẻ những bí kíp đã tích tụ hơn 40 năm qua. Ông thành lập CLB Ảo thuật Việt Nam, mở cả website aothuatvn.com với vài chục ngàn thành viên trên mạng để trao đổi, học hỏi về nghệ thuật này. “Từng này tuổi tôi muốn truyền nghề lại cho con cháu nên mới thành lập CLB. Nhiều liên hoan ảo thuật cấp quốc gia bị báo giới phê bình diễn sai sót, khán giả phát hiện lỗi nên tôi buộc các ảo thuật gia trẻ diễn tôi xem rồi quay phim lại. Sau đó chiếu video clip này trên màn hình để tôi chỉ dẫn các cháu khắc phục khuyết điểm. Như thế mới không bị khán giả phát hiện”, Alik3 nói.

Alik3 khoe ông là thành viên của International Brotherhood of Magicians (Hội Ảo thuật gia quốc tế), gọi tắt là IBM, nơi David Copperfield tham dự. Khác với phương Tây, quan niệm ảo thuật gắn chặt với khoa học, kỹ thuật, các ảo thuật gia phương Đông lại cho rằng ảo thuật là nghệ thuật tạo nên sự huyền bí, đưa người xem cái như thật lồng trong sự giả tạo.

“Những năm gần đây do có cơ hội tiếp cận với internet, mở rộng giao lưu, những ảo thuật gia Việt Nam cứ ngỡ có nhiều tiền mua đạo cụ đắt sẽ làm được trò “độc chiêu” hơn, mà quên rằng cần phải tạo ra một sắc thái, cá tính riêng cho ảo thuật Việt. Chạy đua “vũ trang” đạo cụ làm sao đọ được với cỡ như David Copperfield của Mỹ”, Alik3 nhận xét.

Bức tường nhà ông chi chít ảnh chụp: hành nghề có, kỷ niệm có, vinh quang và thất bại cũng có. Ông chỉ tôi xem bài viết đầu tiên về ông đăng trên Báo Thanh Niên số ra ngày 6.6.1988 của tác giả Nguyễn Thanh được cắt dán cẩn thận đính lên tường. Mảnh giấy báo úa vàng theo năm tháng nhưng vẫn còn đọc rõ: Alik3 - Người múa gậy giữa rừng hoang.

“Nhờ Tổ đãi nên tôi mới theo nghề đến nay. Việt Nam mình nhiều ảo thuật gia đại tài lắm nhưng cái tôi quá lớn, ít chịu nghe ý kiến đóng góp từ đồng nghiệp, người đi trước. Đa số biết nghề, sống chết đều giấu kín chứ hiếm khi truyền lại cho thế hệ sau”, Alik3 kết luận. Giọng nói của ảo thuật gia mà nhà văn Mạc Can từng viết bài báo với tựa đề: Nhà thơ ảo thuật vẫn mạnh mẽ, đầy “máu lửa” với nghề.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.