Lại đua lãi suất

10/01/2012 00:36 GMT+7

Chủ trương hạ lãi suất (LS) cho vay đang ngày càng trở nên khó khăn, khi một số ngân hàng (NH) những ngày qua lại phá trần 14%/năm, cá biệt có NH còn mạnh tay chi đậm tới 21%/năm.

Huy động lên tới 21%

Sau hơn 5 tháng tạm dẹp được nạn vượt trần LS, những ngày qua NH Nhà nước (NN) đang phải đối mặt với nhiều thủ đoạn vượt trần tinh vi hơn. Nguyên nhân, do suốt thời gian này trần LS 14%/năm, đã trở thành cơn ác mộng với các NH khó khăn thanh khoản vì vốn bị rút; điều này cứ âm ỉ và ngày càng lan rộng, đỉnh điểm là cuộc sáp nhập của Ficombank - SCB - Việt Nam Tín Nghĩa, trong khi đó một số khác vẫn đang tiếp tục thoi thóp. Mô tả về tình trạng các NH nhỏ hiện nay, một chuyên gia cho rằng “các NH bị cho vào lồng kính và rút dần ô xy”. Bởi khi không có thêm nguồn tiền gửi mới, vay liên NH bị bóp chặt; NHNN siết tái cấp vốn, nhằm đẩy NH nhỏ phải tự nguyện hợp nhất với nhau, thay vì dùng biện pháp mạnh là sáp nhập... thì NH nhỏ chỉ còn đường chết.

''Cơn sốt thanh khoản có dấu hiệu nặng lên thì chưa thể nói đến hạ LS cho vay, kể cả lạm phát đang có xu hướng giảm''

Vì vậy, một số NH đã phải làm liều khi vượt rào LS. TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cảnh báo những ngày gần đây LS huy động ngầm, qua đêm được một số NH đẩy lên 19-20%/năm. “Thậm chí, có một vị chủ tịch HĐQT của NH gọi điện cho tôi thông báo LS tiền gửi không phải 20% mà lên tới 21%/năm” - ông nói. Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực này cũng quả quyết, hiện tượng lách LS ngày càng biến tướng tinh vi. Trước đây, lách chỉ thực hiện dưới hình thức NH yêu cầu khách hàng mở tài khoản riêng để chuyển tiền chênh lệch, ủy thác đầu tư… nhưng hiện một số dùng cả hình thức nghiệp vụ chiết khấu giấy tờ có giá. Khách hàng có nhu cầu gửi 1 tháng nhưng để hưởng được phần chênh lệch LS thì phải đồng ý cho NH ghi 3 tháng, khi đáo hạn 1 tháng, NH mua lại sổ tiết kiệm đó với giá mà tính ra LS đã lên tới 18%-19%/năm, tùy theo số dư của sổ tiết kiệm. Những trường hợp này rất khó xử lý vì pháp luật không cấm.

Lãi vay sẽ còn cao hơn

Các chiêu, trò huy động LS không còn là dấu hiệu manh nha mà đã và đang quay trở lại, không chỉ ở thị trường 1 giữa NH với người dân, mà kể cả thị trường 2 giữa các NH với nhau. Đã có một khối lượng tiền khổng lồ được các NH cho nhau vay “trá hình” dưới hình thức mở tài khoản gửi tiền hết sức tinh vi, khi các NH dùng 2 tài khoản, trong đó một tài khoản tiền gửi và một tài khoản cho vay để hạch toán. Thủ thuật gộp 2 tài khoản này làm một nhằm lách và qua mặt NHNN về các khoản cho vay lẫn nhau. Đáng lo là nợ quá hạn không phải là ít. Hậu quả là các NH thời gian qua ráo riết truy đòi nợ của nhau, NH vừa là chủ lại vừa là con nợ, dẫn tới hệ thống bị xáo trộn, hoạt động đầy rủi ro.


Nếu trần lãi suất hạ thấp hơn 14%, người dân sẽ chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang vàng và USD khiến tình hình trở nên phức tạp hơn - Ảnh: Ngọc Thắng

Cơn sốt thanh khoản có dấu hiệu nặng lên thì chưa thể nói đến hạ LS cho vay, kể cả lạm phát đang có xu hướng giảm. Theo dự báo của ông Nghĩa, tình hình đang trở nên phức tạp, khi lòng tin người gửi tiền bị giảm sút, nếu trần huy động hạ xuống thấp hơn 14%/năm rất có thể tiền gửi chuyển từ tiết kiệm sang vàng và USD. “Người đi vay đang lo lắng vì LS cao như thế này thì vay để làm gì. Nhiều người dự báo lãi tín dụng các món vay 2011 là 23%/năm, năm 2012 có thể lên 26%. Tôi đã nhìn thấy nhiều NH đang xây dựng chính sách LS cao trong năm 2012 này” - ông Nghĩa nói.

Ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó chủ tịch HĐQT NH LienVietPost-Bank cho rằng, dù NH ông vẫn đang khỏe mạnh, nhưng cũng chưa dám chắc có dám cho vay ra không khi “năm ngoái chúng tôi tăng trưởng tín dụng rất tốt tới 30,16%, năm nay cũng có thể bằng nhưng cho vay hay không lại là chuyện khác. Chúng tôi có thể chết bất cứ lúc nào trong nền kinh tế đầy khó khăn như hiện nay”.

Giải bài toán thanh khoản

Để giải quyết căng thẳng thanh khoản, tạo bàn đạp giảm LS, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra ba giải pháp trong ngắn hạn. Thứ nhất và cấp bách nhất là bơm tiền để giải quyết thanh khoản cho các NH gặp khó khăn lớn. Thứ hai, có thể phải tăng dự trữ bắt buộc với LS chấp nhận được để điều tiết vốn NH lớn sang NH nhỏ, vì hiện các NH lớn đang “cấm cửa” không cho NH nhỏ vay nữa. Tăng dự trữ và NHNN đứng ra làm môi giới trong hệ thống, điều tiết vốn giảm căng thẳng thanh khoản. Thứ ba, bản thân các NH muốn tự gỡ khó thanh khoản khi kiến nghị NHNN cho phép xuất khẩu 100 tấn vàng miếng đang giữ thông qua tài khoản mở tại nước ngoài. Nếu chỉ cần xuất được 1%, đã mang lại nguồn tiền lớn, đủ giải tỏa khó khăn thanh khoản, thay vì Chính phủ chưa nghĩ ra cơ chế nào để biến nó thành tiền.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.